(Baonghean.vn) - Là một người yêu nước có chí khí, có bản lĩnh, Phan Đăng Lưu tham gia cách mạng từ khi còn đi học. Phan Đăng Lưu đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng và nhân văn. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của ông không chỉ sáng ngời trong sử sách mà còn gắn bó với nhiều địa phương trên đất nước ta. 

images1891800_bna_590944b310b3a.jpgĐồng chí Phan Đăng Lưu. Ảnh tư liệu

Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ngay từ nhỏ, Phan Đăng Lưu nổi tiếng về sự hiếu học, thông minh, mẫn tiệp hơn người. Tư chất đó giúp cậu học trò họ Phan sớm đến với tư tưởng yêu nước, tiến bộ.

Từ học chữ nho ở trường làng, học trường Pháp - Việt ở Vinh, học lên bậc trung học ở Huế, học trường Canh nông Tuyên Quang, về Vinh tham gia Hội Phục Việt, Phan Đăng Lưu luôn nhận rõ bản chất xấu xa của chế độ thực dân phong kiến, nỗi thống khổ của tầng lớp công nhân, nông dân; ngưỡng mộ những nhà yêu nước và cách mạng đáng kính như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc.

Sự nghiệp cách mạng và báo chí của Phan Đăng Lưu thực sự sôi nổi, phong phú khi ông tham gia Đảng Tân Việt - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Khoảng cuối năm 1927, đầu 1928, để tuyên truyền tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng dân chủ mới, Đào Duy Anh và lãnh đạo Đảng Tân Việt ở Huế thành lập Nhà sách Quan Hải Tùng Thư.

Tượng đài Phan Đăng Lưu ở thị trấn Yên Thành (Nghệ An).

Trên cương vị là Thường vụ Tổng bộ phụ trách tuyên truyền, Phan Đăng Lưu - với kiến thức Hán học và vốn tiếng Pháp tinh tế đã dịch và biên soạn nhiều tư liệu quý như “A.B.C Chủ nghĩa Mác”, “Dân chủ mới”; dịch các cuốn “Xã hội luận”, “Lược sử các học thuyết kinh tế”… Các cuốn sách, bài báo của Phan Đăng Lưu, Đào Duy Anh và các tác gia ở Quan Hải Tùng Thư góp phần thức tỉnh nhiều thanh niên, học sinh yêu nước. Từ họ, tư tưởng tiến bộ, cách mạng lan toả, thấm dần vào các tầng lớp nhân dân.

Trong chuyến đi Trung Quốc sau đó, được đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Ninh… Phan Đăng Lưu mang về nước nhiều tài liệu, sách báo về chủ nghĩa Mác rất quý giá. Một số tài liệu do ông dịch (khi tá túc trong căn nhà của ông Đăng Trọng Ninh ở phố hàng Vôi, Hà Nội), hiện vẫn được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ.

Tháng 9/1929, trong chuyến sang Trung Quốc lần thứ hai để tìm gặp và liên kết Đảng Tân Việt với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Phan Đăng Lưu bị bắt ở Hải Phòng, bị đưa về nhà lao Vinh và bị kết án 5 năm tù khổ sai, lưu đày Buôn Ma Thuột. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Phan Đăng Lưu được kết nạp Đảng ở trong tù và tham gia ban lãnh đạo những người cộng sản ở trong tù.

Vào quãng giữa năm 1932, sau cuộc phá ngục của tù nhân ở nhà tù Kon Tum, thực dân Pháp siết chặt chế độ lao tù đến mức hà khắc. Lãnh đạo nhà tù Buôn Ma Thuột, trong đó có cả Phan Đăng Lưu, chủ trương viết báo bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, để khi có người được ra tù hoặc qua đường dây bí mật gửi đăng ở các báo, tố cáo chế độ nhà tù, kêu gọi dư luận bên ngoài hỗ trợ cuộc đấu tranh của tù nhân. Một số ít bài báo như vậy đã may mắn lọt ra ngoài. Bọn cai ngục ở nhà tù Buôn Ma Thuột tức lồng lộn, xoi mói, lùng sục các buồng giam kỹ hơn.

Một cảnh trong vở cải lương "Hừng Đông" nói về Phan Đăng Lưu. Ảnh: Internet

Một lần, người đồng chí của Phan Đăng Lưu là Đậu Hàm, quê Hà Tĩnh mãn hạn ra tù. Phan Đăng Lưu viết một bài báo bằng tiếng Pháp. Đêm đó, ông tách đế dép cao su của bạn, nhét tờ báo vào bên trong. Khoảng 3 giờ sáng, vì có nội gián, cai ngục và lính gác ập vào. Sự việc bị bại lộ, Phan Đăng Lưu bị tra tấn tàn khốc và bị tăng thêm án tù.

Ở Pháp, đầu năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp và Chính phủ Pháp ra sắc lệnh ân xá chính trị phạm ở Đông Dương và ban hành một số chính sách tiến bộ khác. Phan Đăng Lưu được ra khỏi nhà tù Buôn Mê Thuột tháng 2/1936 nhưng buộc phải “an trí” ở Huế. Tại đây, ông cùng các đồng chí của mình liên lạc với Đảng, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới bằng những bài viết trên các báo.

Tháng 3/1937, tại Đông Pháp Lữ quán, số 7 đường Đông Ba, Đại hội Báo chí Trung kỳ khai mạc với sự tham gia của hơn 70 nhà báo. Phan Đăng Lưu và các nhà báo cách mạng đã có công hướng Đại hội vào những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa lúc bấy giờ.

Ngày 24/12/1937, một số đại biểu vừa trúng cử Viện Dân biểu Trung Kỳ qua sự gợi ý, đề xuất của Phan Đăng Lưu đã làm đơn xin xuất bản tờ báo lấy tên là “Dân”. Hai người quản lý báo Dân là Nguyễn Đan Quế và Nguyễn Xuân Cát. Tuy nhiên, về thực chất, đây là tờ báo của Xứ uỷ Trung Kỳ do Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo.

Báo Dân kết hợp chặt chẽ với các đại biểu tiến bộ trong Viện Dân biểu và phong trào cách mạng của quần chúng, tạo nên sức mạnh to lớn chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức, bất công, đòi tự do ngôn luận, đặc biệt là đánh bại dự án Thuế thân và dự án Thuế điền thổ do khâm sứ Trung Kỳ đưa ra, làm rung chuyển bộ máy cai trị ở chính nơi đầu não của chúng.

Trong thành công lớn lao ấy, Phan Đăng Lưu có những cống hiến hết sức quan trọng. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sắc sảo, các bài viết của ông thực sự là những tác phẩm báo chí giàu tính chiến đấu, tính giai cấp, tính văn hoá, tính nhân dân.

Trường THPT mang tên Phan Đăng Lưu ở Yên Thành (Nghệ An). Ảnh internet

Tháng 9/1939, Phan Đăng Lưu được Trung ương chỉ đạo rút vào Nam Kỳ hoạt động bí mật. Tháng 11/1939, ông ra Việt Bắc dự Hội nghị Trung ương lần thứ VII (tháng 11 năm 1939), được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta lúc đó. Tại Hội nghị này, ông báo cáo, phân tích tình hình ở Nam Kỳ, cho rằng tình thế cách mạng chưa chín muồi, xin Trung ương cho hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Đề nghị của ông được chấp thuận. Ông vội vã trở lại vùng đất đang sục sôi khí thế cách mạng, nhưng không kịp. Cuộc khởi nghĩa đã nổ. Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi vừa đặt chân xuống Sài Gòn. Giữa năm 1941, Phan Đăng Lưu cùng các chiến sĩ cộng sản ưu tú Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập và nhiều đồng chí khác hy sinh oanh liệt trước mũi súng quân thù trong niềm tin tất thắng của cách mạng.

Đã 76 năm đã đi qua từ ngày Phan Đăng Lưu ngã xuống, con thuyền cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta đã cập bến độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Trong trang sử vàng của cách mạng Việt Nam, của báo chí cách mạng Việt Nam, Phan Đăng Lưu có một vị trí xứng đáng, trân trọng. Ông là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, nhân dân ta, một nhà báo cách mạng ưu tú, hết sức tiêu biểu thập niên ba mươi của thế kỷ XX.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN