(Baonghean.vn) - Nếu như sự ồn ào đòi xóa bỏ loa phường đang ồn ào trên mạng và bàn tán ở vỉa hè vừa qua, thì ý kiến 'bỏ Tết Ta theo Tết Tây' lại đang được một vài vị giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế đề xướng.

Tuy số người hùa theo không nhiều nhưng họ lại "lái" câu chuyện theo một hướng khác. Số này cứ một hai trên mạng xã hội rằng Tết Âm lịch tuy có từ rất lâu đời ở ta nhưng có nguồn gốc từ  bên  Trung Hoa. Do đó bỏ tập tục cổ truyền này cũng là một cách "thoát Trung" (?)!

Không như số người hùa theo, các vị đề xướng cho rằng, Tết Cổ truyền (Tết Ta, Tết Âm lịch)  gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến thái độ, năng suất làm việc của người lao động; tai tệ nạn xã hội (cờ bạc, say rượu gây rối trật tự công cộng, tai nạn giao thông...) phát sinh hơn bình thường. Đặc biệt là sự lãng phí thời gian do nghỉ nhiều ngày, lệch pha với thời gian làm việc người nước ngoài nên không phù hợp với tiến trình  hội nhập.

resize_images1809477_tet_1.jpgTết Nguyên đán là dịp thể hiện đạo lý người Việt, uống nước nhớ nguồn, gia đình đoàn tụ hạnh phúc...(ảnh minh họa)

Xét về góc độ kinh tế, ý tưởng của các vị đề xướng "bỏ Tết Ta" không phải là không có cơ sở. Những năm gần đây, Tết Cổ truyền người lao động được nghỉ đến gần cả chục ngày. Thậm chí có không ít cán bộ công chức mãi hết ngày rằm tháng giêng mới  thực sự bước vào làm việc. Còn các lễ hội (cả nước có hơn 800 lễ hội) thì gần như triền miên cho đến hết tháng 3 Âm lịch. Điều đó cũng gây khó khăn khi người nước ngoài cần tiếc xúc, giao dịch bàn chuyện làm ăn.

Một số ý kiến còn cho rằng sở dĩ Nhật Bản kinh tế phát triển được như hôm nay là nhờ bỏ Tết Âm lịch từ hơn một trăm năm nay. Nhân nói điều này, mới đây, trao đổi với một vài tờ báo ở Việt Nam, Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki cho rằng, nhiều người Nhật hiện nay cảm thấy rất tiếc vì bỏ Tết Âm lịch. Bây giờ số người này mới cảm nhận được lễ hội đón Tết Nguyên đán chính là một di sản văn hóa - một dạng “quyền lực mềm” có thể giúp kết nối cộng đồng.

Trở lại chuyện Tết Cổ truyền ở ta. Tết Âm lịch đã có hàng ngàn năm nay, với người Việt. Đây là dịp mọi người trong gia đình, trong gia tộc... sum họp, cội nguồn là lúc cộng đồng biểu thị sự đoàn kết, quan tâm lẫn nhau. Là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt. Không chỉ có thế, Tết Cổ truyền lại trúng vào dịp thời gian chuyển mùa từ Đông sang Xuân nên các loại hoa biểu tượng cho hạnh phúc, ấm no, tươi trẻ như đào, mai...đua nở. Quả thật Tết Cổ truyền còn là dịp giao hòa giữa giữa thiên nhiên, đất trời với con người, giữa con cháu với tổ tiên; giữa người sống với người chết.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta không cần khắc phục những hạn chế, những tiêu cực thường xảy ra trong dịp Tết Cổ truyền. Và cũng không vì nhưng hạn chế đó mà chúng ta bỏ Tết Âm lịch.

Ta thử hình dung xem điều gì sẽ xảy ra nếu Tết Âm chuyển sang Tết Dương?

Việt Long

TIN LIÊN QUAN