(Baonghean) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Ban Bí thư vừa ban hành chỉ thị về việc tổ chức Tết, trong đó, có yêu cầu rất rõ là các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết mà dành số tiền đó để lo Tết cho người nghèo, các hộ gặp khó khăn, gia đình chính sách.

Yêu cầu này, ngay lập tức được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Lãnh đạo một số địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung vừa phải trải qua một đợt mưa lũ dài ngày cũng đã lên tiếng rằng, nếu cấp trên không có chỉ lệnh như vậy thì tỉnh cũng sẽ làm như vậy.

resize_images1782582_tphcm__cam_mot_so_tuyen_duong_thuan_tien_cho_viec_ban_phao_hoa_3.jpgẢnh minh họa.

Bởi lẽ, thời tiết thất thường và khắc nghiệt đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho không ít đồng bào. Cái cần kíp và điều vui nhất của những người dân vừa phải trải qua đợt lũ lụt dài nhất trong lịch sử là không đứt bữa và được đón một cái Tết tươm tất hơn so với ngày thường một chút, chứ không phải là được ngắm pháo hoa trong mấy phút đồng hồ.

Mãn nhãn chốc lát mà lo toan lâu dài thì cũng chẳng ích gì. Nên các địa phương nhất quyết tập trung nguồn lực để lo cho người nghèo khó, nhằm giảm bớt gánh nặng, lo sinh kế cho họ. Đó là hành động rất đáng biểu dương. 

Thế nhưng, cũng có thành phố úp mở rằng, sẽ thảo luận và có ý kiến về việc này, nhưng chắc chắn là không sử dụng tiền ngân sách để phục vụ cho việc bắn pháo. Thế có nghĩa là vẫn để ngỏ khả năng bắn pháo hoa, nhưng không bằng tiền ngân sách mà bằng tiền huy động từ các nhà tài trợ.

Khoan hẵng bàn đến việc nếu bắn, có vi phạm chỉ thị hay không mà cần phải làm rõ ra một vấn đề. Đó là, không ít người, không ít địa phương cứ nghĩ, không lấy tiền từ ngân sách thì có nghĩa là được thoải mái sử dụng, không phải chịu một sự ràng buộc nào cả. Sao không nghĩ cho rộng ra là tiền ngân sách hay tiền lấy từ việc xã hội hóa thì cũng đều là tiền, là bạc cả. Đều là của cải, không của Nhà nước thì của nhân dân.

Mà của Nhà nước, suy cho cùng thì cũng là của dân, đều cần được sử dụng một cách hợp lý, có hiệu quả; cần phải phục vụ đắc lực cho việc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao đời sống của người dân. Không nên nghĩ là “tiền túi” thì cứ tiêu pha thoải mái theo sở thích mà bất chấp tất cả. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Phải biết chắt chiu, dành dụm từng đồng xu, cắc bạc thì mới có nguồn lực mà phát triển dài lâu và bền vững. 

Đó là mới nói về khía cạnh kinh tế. Còn về mặt đạo lý, nếu cứ lấy cớ là không dùng tiền ngân sách nên vẫn có quyền bắn pháo hoa cũng hoàn toàn không ổn. Bởi trong khi đồng bào các tỉnh miền Trung chưa gượng dậy được sau sự tàn phá của trận hồng thủy, nhiều người nghèo còn phải chạy ăn từng bữa thì việc bắn pháo hoa không hề khiến cho người xem thấy vui thích và ngược lại còn thấy phản cảm.

Bởi như người ta thường nói, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” để thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia. Giống như nhà vừa có tang, hàng xóm dẫu có làm đám cưới cũng không đốt pháo, không cười, nói to để thể hiện tình cảm hàng xóm, láng giềng “tối lửa, tắt đèn có nhau”, sẻ chia với nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Không giúp được gì thì cũng đừng nên có những hành động làm cho người ta phải chạnh lòng.

Thế nên, cần phải xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng để có quyết định hợp lý, hợp tình. Không phải cứ bỏ tiền túi ra thì muốn làm gì cũng được. Đừng nghĩ đơn giản thế!

Duy Hương

TIN LIÊN QUAN