(Baonghean) - Cuối năm, dù công việc bộn bề, nhưng hàng trăm cô nuôi dạy trẻ khắp các trường Mầm non từ rẻo cao Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong đến các huyện miền biển Diễn Châu, Cửa Lò... phấn khởi về TP. Vinh tham gia hội thi “Đồ dùng, đồ chơi tự làm ngành học Mầm non” toàn tỉnh năm học 2012-2013.
Làm đồ dùng, đồ chơi dạy học ở Trường Mầm non Cửa Nam (TP.Vinh).
Công tác ở Trường Mầm non Na Ngoi, xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, nơi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả, làm thế nào để đối với trẻ “mỗi ngày đến trường” thực sự là “một ngày vui” khiến các cô giáo nơi đây luôn trăn trở. Để phục vụ cho việc học và chơi của trẻ, các cô đã tự mày mò, tận dụng nguyên vật liệu có sẵn trên nương rẫy, trong dân bản sáng tạo nên những đồ dùng, đồ chơi lý thú, hấp dẫn. Nhìn những con voi, chú thỏ, đàn gà, cá, tôm, cua ngộ nghĩnh giống “y như thật” ít ai nghĩ rằng nó được làm từ lá ngô, quả bầu khô, quả dừa điếc, mo cau, xơ mướp, quả thông, ống tre, lùng... Cô giáo Vi Thị Diệu Thuần cho biết: “Dạy học ở vùng khó khăn phải luôn cố gắng và nỗ lực không ngừng. Giờ đây, chúng em không còn cái cảnh sáng sớm đến từng nhà, từng bản dỗ các cháu đi học nữa, nhưng việc giữ cho các cháu đến trường chuyên cần không phải dễ. Để dạy trẻ làm quen với tiếng Việt, với Toán, nếu chỉ giảng giải, nói suông thì không biết đến bao giờ trẻ mới hiểu. Do đó, giáo viên phải sáng tạo, phải mày mò làm những đồ chơi, vật dụng để phục vụ cho giảng dạy”.
Cả ngày ở trường chăm cho trẻ ăn, lo cho trẻ ngủ, trẻ chơi, dạy cho trẻ học, thời gian dường như lấp đầy. Để có thể làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học, các cô chỉ còn cách tận dụng thời gian trẻ ngủ trưa hoặc đem về nhà làm. Cô Nguyễn Thị Bé, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Anh Sơn chia sẻ: “Mỗi tháng có 1 chủ điểm, mỗi năm học có 9 chủ điểm, theo đó, giáo viên phải làm 9 bộ đồ dùng dạy học phục vụ cho các chủ điểm. Ngoài ra, để phục vụ các trò chơi, kích thích tính sáng tạo, khám phá của trẻ, giáo viên còn làm thêm các đồ chơi khác. Thời gian các cháu nghỉ trưa chính là lúc các cô đưa “đồ nghề” ra làm. Những con rối, con búp bê, trò chơi ghép hình... ra đời từ những khoảng thời gian tranh thủ đó. Không phải ai cũng khéo tay để làm nên các sản phẩm đó, nhưng lòng yêu nghề mến trẻ, nhu cầu thực tiễn dạy học, muốn trẻ có đồ dùng, đồ chơi hấp dẫn thì mỗi cô giáo đều nỗ lực, cố gắng mày mò, tìm tòi. Những sản phẩm đó được làm bằng cả niềm đam mê và tâm huyết...”.
Phong phú về thể loại, sinh động về hình thức, mẫu mã, 84 bộ đồ dùng dạy học tự làm đều đẹp, rực rỡ màu sắc không kém vô số đồ chơi bày bán ở các cửa hàng, nhà sách. Đồ dùng dạy học tự làm đều do các cô giáo tận dụng từ những nguyên liệu, phế liệu dễ tìm, dễ kiếm và sẵn có trên địa bàn nên đảm bảo an toàn cho trẻ. Ví dụ, mô hình ngôi nhà có sân, vườn rau, hàng cây... đồ dùng dạy trẻ chủ đề “Gia đình” của Trường Mầm non Nam Thanh (Nam Đàn) được làm bằng đũa tre (sử dụng một lần) và cói; đồ dùng phương tiện giao thông đường thủy của Trường Mầm non Vân Diên (Nam Đàn) được làm từ bẹ ngô, mo cau; hấp dẫn hơn cả là “Miếng ghép kỳ diệu” sáng kiến của cô giáo Trường Mầm non Diễn Châu, chỉ với nguyên liệu là bìa, bút dạ, giấy màu, bộ miếng ghép giúp việc dạy các cháu làm quen với trò ghép hình, ô chữ, ghép vần, làm Toán hết sức thuận lợi...
Cô Nguyễn Thị Hường, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD – ĐT cho biết: “Dạy trẻ ở lứa tuổi mầm non, nếu chỉ nói suông các em sẽ không nhớ, không hình dung được, nhưng bằng các dụng cụ, đồ dùng dạy học minh hoạ trực quan, các em sẽ hiểu ngay. Đồ dùng dạy học ở bậc học mầm non không giống với các bậc học khác vì đòi hỏi số lượng phải tương ứng với học sinh. Chẳng hạn khi dạy trẻ học đếm từ 1 đến 10, giáo viên phải làm vài chục bộ đếm số, theo số lượng học sinh. Nếu chờ kinh phí hỗ trợ mua sắm thì không biết bao giờ mới đủ. Vì vậy, nhân rộng phong trào làm đồ dùng dạy học, đồ chơi tự tạo ở trường là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, cũng là cách để khơi dậy tinh thần sáng tạo, lòng yêu nghề của các cô đối với trẻ. Hội thi không chỉ để tìm ra những gương mặt xuất sắc trong phong trào làm đồ dùng, đồ chơi mà còn là dịp để chúng ta tôn vinh những tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, tinh thần sáng tạo vì tình yêu con trẻ...”.
Sáng tạo vì tình yêu trẻ thơ
Duy Nam