(Baonghean) - Trong hoạt động dạy học, viết sáng kiến kinh nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn là hoạt động quan trọng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo. Công tác này được ngành giáo dục đưa vào một trong những tiêu chí đánh giá năng lực chuyên môn của giáo viên ở các bậc học. Thế nhưng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, chất lượng của nhiều sáng kiến kinh nghiệm của ngành giáo dục còn ở mức khiêm tốn.

 Hơn 10 năm dạy môn Văn, cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Trường THCS Anh Sơn có nhiều trăn trở và đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học. Một trong những phương pháp hiệu quả là sử dụng các hình ảnh minh họa liên quan đến đề tài tiết học để kích thích tư duy của học sinh. Từ một bức tranh cùng với sự gợi mở của giáo viên, học sinh có thể mở rộng liên tưởng đến chủ đề bài học. Với phương pháp này những năm qua, chất lượng các tiết học môn Văn luôn đem lại hào hứng cho mỗi học sinh.
 
Em Nguyễn Quỳnh Anh- Lớp 8A cho biết: “Những buổi học Văn như thế có nhiều thú vị lắm. Từ bức tranh, nhiều bạn có những ý kiến khác nhau nhưng chung một đề tài đã đem đến cho chúng em nhiều góc nhìn về một vấn đề. Điều đó vừa giúp chúng em có cái nhìn vừa toàn diện, vừa cụ thể về bài học cũng như những vấn đề trong cuộc sống”. Qua đúc rút từ những tiết học, cô Hà đã tổng hợp thành “sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) dạy học” và được tổ bộ môn của trường triển khai, áp dụng có hiệu quả. Đây cũng là một trong những đề tài SKKN được nhiều trường trên địa bàn huyện Anh Sơn đang ứng dụng và từng đạt giải cấp tỉnh trong năm học 2010-2011.
 
images887988_2.jpgMô hình học cụ “cơ chế hoạt động tim người” đạt giải cấp tỉnh năm 2012 của cô Lê Thị Mỹ (Trường THCS Anh Sơn).
Còn với cô Nguyễn Thị Loan (Trường THCS Lĩnh Sơn) và thầy Nguyễn Hữu Hào Quang (THCS Anh Sơn) dạy bộ môn Sinh học lại có SKKN về “Sử dụng bản đồ tư duy để phát huy tính tích cực, sáng tạo, độc lập của học sinh” được Hội đồng xét Sáng kiến kinh nghiệm Sở GD-ĐT năm 2013 xếp giải cấp tỉnh. Công trình này mới đầu được hai tác giả nghiên cứu, đúc rút từ việc dạy môn Sinh học lớp 6 nhưng ngay sau đó được ứng dụng rộng rãi ở tất cả các cấp. Khi sử dụng bản đồ tư duy vào dạy học, giáo viên sẽ hệ thống được nội dung bài dạy một cách  trực quan, khoa học và lôgic mà không bị bỏ sót ý, tạo ra được các phương pháp dạy học, phối hợp sử dụng các thiết bị với nhau… góp phần thiết thực vào đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Còn với học sinh, việc tự vẽ Bản đồ tư duy có ưu điểm là phát huy tối đa tính sáng tạo, tính tổng hợp - khái quát, lôi cuốn được các em tham gia vào bài giảng một cách tích cực, tự giác… qua đó tự chiếm lĩnh kiến thức mới một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.
 
Tính hiệu quả của những sáng tạo, SKKN vào dạy học của các thầy, cô giáo còn thể hiện ở nhiều bộ môn, lĩnh vực và ở nhiều cấp học khác nhau. Mục tiêu xuyên suốt của SKKN là nhằm đổi mới phương pháp dạy - học; bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên; đem lại sự hứng khởi, dễ tiếp thu và kích thích sự sáng tạo cho học sinh. Các SKKN được đánh giá dựa trên các yếu tố: Tính mới, tức là phát hiện, xây dựng được nội dung; phương pháp có tính đột phá, phù hợp và nâng cao được hiệu quả, chất lượng trong quá trình dạy học; Tính khoa học- nội dung phải hợp lý, có quan hệ chặt chẽ giữa các vấn đề được nêu, có sử dụng các phương pháp để phân tích, so sánh, tổng hợp; Tính ứng dụng thực tiễn- tính khả thi, có khả năng áp dụng đại trà và tính hiệu quả trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập.
 
Là một người nhiều năm tham gia hội đồng chấm điểm SKKN của Sở GD-ĐT, thầy Vũ Thế Hải - Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp cho biết: “Ngoài những yêu cầu trên, các công trình SKKN còn phải đảm bảo về hình thức trình bày, đảm bảo dễ hiểu, phù hợp với thực tế, góp phần tích cực đổi mới phương pháp dạy học ở tất cả các bậc học, các bộ môn cũng như nâng cao công tác quản lý chất lượng giáo dục và đào tạo, quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, công tác văn phòng... Nếu trước đây, các SKKN chủ yếu chỉ tập trung vào những môn học tự nhiên, xã hội thì những năm qua, các thầy, cô còn chú trọng về lĩnh vực rèn kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, giáo dục môi trường, giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh”.
 
Sáng kiến kinh nghiệm trở thành một trong những hoạt động sôi nổi, rộng khắp ở các cấp, bậc học. Quy trình của hoạt động này là xuất phát từ thực tế dạy học được các thầy, cô giáo triển khai có hiệu quả rồi mới đúc rút thành công trình báo cáo lên các cấp. Có những SKKN phải mất nhiều năm mới đúc rút được, nhưng cũng có những SKKN chỉ từ một khía cạnh của một tiết học, một bài Toán, bài Văn cụ thể. Cái cốt yếu nhất là tính hiệu quả và khả năng ứng dụng rộng rãi của SKKN. Cô Hoàng Thị Thư- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) cho hay: “Quá trình dạy học đòi hỏi mỗi giáo viên phải luôn đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp truyền đạt.
 
Trong điều kiện hiện nay, với sự ứng dụng công nghệ thông tin, các thầy, cô có thể tăng thêm sự tương tác với học sinh bằng hình ảnh, âm thanh đưa kiến thức đến cho các em bằng trực quan sinh động. Với cấp tiểu học càng phải ứng dụng theo hướng đó. Vì vậy, ở trường chúng tôi bên cạnh tăng cường cơ sở vật chất, các thầy, cô cũng đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp dạy học mới hiệu quả. Quá trình đó, có những sáng kiến hiệu quả được đúc rút thành công trình báo cáo lên phòng, sở nhưng cũng có những kinh nghiệm chỉ phục vụ dạy học tốt hơn chứ không báo cáo. Cái quan trọng nhất và đọng lại chính là sự đánh giá của học sinh và chất lượng giáo dục được khẳng định...”.
 
Những năm qua, ngành Giáo dục luôn coi trọng, khuyến khích những SKKN hiệu quả của giáo viên các cấp. Chính vì vậy, số lượng các công trình tham gia SKKN cấp tỉnh hàng năm lớn. Riêng trong năm 2013, có 1.162 công trình SKKN, Sở GD-ĐT thành lập 25 tiểu ban tiến hành thẩm định, đánh giá, xếp loại các SKKN. Thế nhưng, trong số đó, chỉ có 29,6% (344 công trình) được xếp loại, trong đó, chỉ  2,32% (27 công trình) đạt loại A. Con số này cho thấy, tính hiệu quả, hiệu ứng của những SKKN ”đi thi” (dự thi cấp tỉnh) chưa cao. Nhiều SKKN chỉ là sự tập hợp kết quả từ các tài liệu khác nhau, thiếu tính thực tiễn và chưa thể hiện được sự sáng tạo của tác giả.
 
Khả năng áp dụng vào thực tế của một số SKKN còn hạn chế, nặng về lý luận chung, chưa đề ra được các giải pháp thực hiện cụ thể. Điều này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do sức ép dạy học theo nhiều chương trình mới nên giáo viên các trường đang đúc rút SKKN theo phong trào. Chính vì vậy, còn có những SKKN làm vội, thậm chí là sao chép trên mạng (năm 2013 có 4 trường hợp sao chép bị Sở GD-ĐT phê bình); Thứ hai, nhiều công trình chưa có sự ”lan tỏa” mà chỉ là những kinh nghiệm nhỏ nhiều nơi từng làm; Thứ ba, việc thi SKKN được tổ chức hàng năm nhưng chưa có chính sách khuyến khích về kinh phí tổ chức thực hiện đề tài cũng như giá trị giải thưởng chưa hấp dẫn.
 
Trong thực tế, có nhiều công trình SKKN của ngành Giáo dục đã vượt qua những tồn tại nêu trên, được xã hội đánh giá cao và đang phát huy hiệu quả trong nhiều năm nay ở nhiều vùng miền. Theo đánh giá của Thạc sỹ Nguyễn Đức Vĩnh- Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Anh Sơn, một người từng có 6 công trình SKKN được Sở GD-ĐT đánh giá cao thì: ”Muốn có những sáng kiến kinh nghiệm hay đổi mới giáo dục hiệu quả đòi hỏi cá nhân mỗi giáo viên phải trăn trở. Cùng với đó là sự cổ vũ, đồng hành của đồng nghiệp, tổ chuyên môn, của ban giám hiệu các trường. Giá trị vật chất của giải thưởng chỉ là một phần thúc đẩy hoạt động SKKN nhưng cái quan trọng hơn là vinh dự và sự ghi nhận của học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp khi sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Phải xác định rõ động lực mới có những SKKN hiệu quả thực tiễn cao...”.
 
Nguyên Sơn