(Baonghean)-Chủ trương vận động xã hội hóa trong ngành Giáo dục được xem là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần cùng nguồn ngân sách xây dựng, củng cố cơ sở vật chất trường lớp. Thế nhưng, quá trình thực hiện, một số trường học làm sai quy trình khiến cho chủ trương nhiều ý nghĩa này bị dư luận phản ứng, phụ huynh cảm thấy bị “ép buộc” chứ chưa phải “vận động”. 
 
images888437_1b.jpgGiờ ra chơi ở Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 (TP. Vinh).
 
 
Trong vòng 5 năm gần đây, cụm từ “xã hội hóa” trở nên quen thuộc trong ngành Giáo dục, nhất là từ khi thực hiện chủ trương của Chính phủ không thu tiền xây dựng trường học của học sinh. Vậy nên, các trường học muốn xây thêm phòng học, tu sửa trường lớp, thay thế bàn ghế, mua sắm thêm trang thiết bị… mong chờ rất nhiều vào nguồn huy động xã hội hóa, trong đó phần lớn từ đóng góp của phụ huynh học sinh.
 
Từ năm 2010 đến 2013, cùng với nguồn kinh phí kiên cố hóa trường học, Ban Giám hiệu Trường THPT Nam Đàn 1 đã kêu gọi các doanh nghiệp, hội cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng trường. Tổng nguồn kinh phí xây dựng 3 năm qua trên 12 tỷ đồng, trong đó, có khoảng 2,5 tỷ đồng “đối ứng” phải huy động từ phụ huynh. Ban giám hiệu nhà trường đưa ra phép tính cho phụ huynh khi vận động là tính trung bình mỗi học sinh đóng 400.000 đồng/năm thì mất 3 đến 4 năm mới thu đủ; còn nếu thu 300.000 đồng/em thì từ 4 đến 5 năm, trường mới trả hết nợ xây dựng cơ bản. Quá trình vận động phụ huynh đóng góp, năm học 2011 - 2012, trường thu được trên 300 triệu đồng; năm 2012 - 2013 thu trên 367 triệu đồng và năm học 2013 - 2014 thu được trên 450 triệu đồng.
 
Như vậy, để trả hết nợ, trong vòng 2 đến 3 năm tới, Trường THPT Nam Đàn 1 phải tiếp tục huy động phụ huynh học sinh thuộc địa bàn 15 xã phía Tây của huyện đóng góp. Đó là chưa kể những nguồn phát sinh khác phải tiếp tục huy động xã hội hóa. Hiệu trưởng nhà trường, thầy Hồ Việt Hùng cho biết: “Chúng tôi biết nhân dân vùng nông thôn còn nhiều khó khăn nhưng để đối ứng với các nguồn đầu tư từ ngân sách và doanh nghiệp, không có cách nào khác là phải huy động sự đóng góp của phụ huynh. Tuy nhiên quá trình đó, có những gia đình nghèo chúng tôi không thu và mức thu là tùy vào khả năng từng phụ huynh, chúng tôi chỉ đưa ra mức vận động cần thiết để cân đối nguồn trả nợ…”.
 
Qua tìm hiểu thực tế, hầu hết các trường học từ cấp mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh đều huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh (trừ một số trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn). Và mức huy động ở vùng đồng bằng, thành thị cao hơn ở các vùng trung du, miền núi. Điều này phù hợp với thực tế mức sống của người dân của các vùng miền. Tuy nhiên, có nhiều trường học ở Thành phố Vinh, mức kêu gọi đóng góp quá cao khiến cho dư luận chưa đồng tình.
 
Chị Nguyễn Hà Linh, ở phường Quán Bàu nhưng có con xin học ở Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 để gần với cơ quan làm việc, thuận lợi khi đưa đón. 3 năm học tại trường, chị Linh đã đóng góp gần 2 triệu đồng cho nhà trường và các khoản hội phí khác. Chị cho biết: “Hai năm nay, trường đưa ra cách vận động học sinh ngoài phường thu mức xã hội hóa cao hơn trong phường. Mặc dù trường không có công văn nhưng tại buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm đã thông báo chủ trương của trường, mong phụ huynh ủng hộ. Như đầu năm học này, qua giáo viên, trường thông báo học sinh ngoài phường thu 850.000 đồng/em. Như vậy là quá cao, tôi chỉ đóng 750.000 đồng. Chúng tôi cũng chia sẻ với khó khăn của trường, vì bản thân tôi là giáo viên nhưng mức huy động như thế là cao so với mặt bằng thu nhập của cán bộ, công nhân viên…”. 
 
Tìm hiểu thông tin, được biết năm học 2013 - 2014, Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 chủ trương vận động thu xã hội hóa đối với học sinh trong phường thấp nhất 600.000 đồng, còn ngoài phường là 850.000 đồng. Thấy thông tin từ giáo viên đưa ra như vậy, hầu hết phụ huynh phàn nàn và thảo luận đóng bằng mức năm ngoái là 530.000 đồng/em, học sinh ngoài phường đóng cao hơn. Bên cạnh việc huy động đóng góp của phụ huynh học sinh xây dựng lớp học, mua sắm trang thiết bị, bước vào năm học 2013-2014, trường còn thay đồng phục học sinh. Rất nhiều phụ huynh phản ứng vì chủ trương này không được bàn bạc, trong lúc đó, bộ đồng phục mới mua năm trước còn mặc tốt. Lý giải những thông tin trên, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xuân Hiền cho hay: “Trường đâu có áp đặt mà chỉ đưa ra mức vận động và tùy khả năng đóng góp của từng phụ huynh. Còn thay đồng phục là do quần năm ngoái màu trắng bẩn, nay thay bằng bộ sọc…”.
 
Lý giải trên của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập cũng chính là “cách làm” của rất nhiều trường học trên địa bàn Thành phố Vinh và các phường lân cận. Đó là thông qua giáo viên chủ nhiệm và chi hội cha mẹ học sinh, trường đưa ra thông điệp cần huy động đóng góp của phụ huynh, tùy vào khả năng nhưng không quên đề ra mức thấp nhất. Ngay sau đó, trường phát phiếu để trống chỗ số tiền đóng góp là “…”. Cũng vì con em mà nhiều phụ huynh miễn cưỡng ghi vào chỗ “chấm chấm chấm” số tiền như ban đầu đưa ra.
 
Cách làm này nghe có vẻ phù hợp với những nguyên tắc khi vận động xã hội hóa từ phụ huynh học sinh được ngành Giáo dục ban hành theo nguyên tắc: Tự nguyện, đúng mục đích, không cào bằng và dân chủ, công khai, minh bạch. Thế nhưng, thực tế đã có những áp đặt dựa trên tâm lý cả nể, “qua sông thì phải lụy đò” của cha mẹ học sinh. Những năm trước, qua thanh, kiểm tra, Sở GD-ĐT đã phát hiện nhiều trường học đưa ra mức tối thiểu khi huy động đóng góp của phụ huynh bằng văn bản nên đã xử lý. Rút kinh nghiệm, năm nay các trường lại thông báo bằng “khẩu dụ” thông qua giáo viên chủ nhiệm và chi hội cha mẹ học sinh. Chính vì vậy, ông Trần Hữu Hy - Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT thừa nhận: “Đầu năm học này, chúng tôi cũng nhận được thông tin phản ánh của phụ huynh về đóng góp đầu năm nhưng qua kiểm tra một số trường học chúng tôi không phát hiện sai phạm về quy trình. Về mặt hồ sơ, cách thức thực hiện đúng với quy định của ngành, không có trường nào đưa ra văn bản quy định mức đóng tối thiểu…”.
 
Tự nguyện, không cào bằng và phải công khai
 
Qua trao đổi, ông Lê Văn Ngọ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao và trân trọng sự đóng góp của phụ huynh học sinh để xây dựng, củng cố cơ sở vật chất của hệ thống trường lớp. Nhưng quá trình vận động xã hội hóa phải đảm bảo đúng nguyên tắc: Tự nguyện, không cào bằng và phải công khai, minh bạch. Năm nào cũng vậy, bước vào năm học mới, Sở quán triệt sâu sắc, tổ chức tập huấn đến các cơ sở giáo dục về thực hiện đúng nguyên tắc, quy định vận động xã hội hóa. Ngay như đầu năm học 2013-2014, ngày 7/8/2013, Sở đã ban hành Công văn 1421/SGD&ĐT-KHTC “Về việc thực hiện các khoản thu chi năm học 2013 - 2014”, trong đó nêu rõ những Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Công văn của Bộ GD-ĐT, Sở Tài chính và các thông báo của UBND tỉnh về thực hiện xã hội hóa giáo dục. Quá trình thực hiện, Sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nếu cơ sở nào sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo các quy định… Chúng tôi cũng khẳng định rằng, trong sự khó khăn, thiếu thốn của nguồn ngân sách cho ngành Giáo dục thì sự đóng góp của các doanh nghiệp, phụ huynh học sinh là nguồn lực quý giá để các trường nâng cao điều kiện về cơ sở vật chất, phục vụ tốt nhiệm vụ dạy học”. 
 
Về cơ bản, xã hội hóa giáo dục được xem là một chủ trương đúng để huy động sự tham gia của doanh nghiệp, phụ huynh xây dựng trường lớp khang trang, mua sắm cơ sở vật chất, nâng cao điều kiện dạy và học. Chủ trương này nhất quán từ Trung ương đến địa phương và hoạt động này còn phải diễn ra trong nhiều năm tới do những thiếu hụt kinh phí xây dựng trường lớp học, mua sắm trang thiết bị dạy học của ngành Giáo dục. Vấn đề đặt ra là các trường phải tổ chức thảo luận, bàn bạc thấu đáo với cha mẹ học sinh để đi đến thống nhất những công trình, phần việc cần hỗ trợ, sau đó mới kêu gọi phụ huynh đóng góp. Phần đóng góp này chính là khoản thu xã hội hóa mà văn bản Sở GD-ĐT đã hướng dẫn và nguồn thu này phụ thuộc vào sự tự nguyện và điều kiện kinh tế của phụ huynh, các trường không được đặt ra khoản theo kiểu “thấp nhất” cho mỗi phụ huynh học sinh. Cùng đó, các trường cũng cần nghiên cứu có thể huy động sự đóng góp của phụ huynh vào giữa hai học kỳ để tránh sức ép về chi phí cho các gia đình vào đầu năm học mới.
 
Trao đổi về vấn đề xã hội hóa giáo dục, chúng tôi thấy có nhiều phụ huynh đồng thuận, chia sẻ nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn trái chiều. Trong những ý kiến đó, chúng tôi muốn trích tâm sự của một phụ huynh thay cho lời kết rằng: “Ban giám hiệu các trường phải xác định rõ đây là vận động chứ không có nghĩa là đi xin hay áp đặt. Tránh hiện tượng một số trường còn giao chỉ tiêu số tiền quyên góp xã hội hóa cho giáo viên chủ nhiệm dựa trên sỹ số học sinh và đưa ra mức tối thiểu. Như vậy, vừa gây áp lực cho cả giáo viên và gây khó chịu cho phụ huynh khi đóng góp. Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh người giáo viên, gây ra những hiệu ứng không hay về chủ trương “xã hội hóa” của ngành Giáo dục cũng như các lĩnh vực khác…”.
 
Bài, ảnh:Nguyên Nguyên