Mới sáng sớm, chị Nguyễn Kim Thành ở làng Thuật Lý, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương đã có mặt trên cánh đồng. Vụ đông năm nay gia đình chị trồng 3 sào cây rau màu và cây lấy quả.
Những luống đất chị trồng rau bù đã cho thu nhập khá, bởi chị là người có kinh nghiệm trong việc trồng bù lấy ngọn và lấy quả đã nhiều năm nay. Chị Thành cho biết: “Vụ đông ở xã Thuận Sơn năm nào cũng trồng bù, bí, tiếp theo trồng dưa chuột, đậu cô ve, nói chung thu nhập cũng kha khá. Vụ đông năm nay gia đình tôi trồng 2 sào bù, 1 sào cây dưa chuột. Vừa rồi thu hoạch rau bù đi chợ bán 10 ngàn đồng/bó, còn bù quả 10 ngàn đồng/kg. Thu hoạch được giá nên tôi rất phấn khởi”.
Tuy nhiên, không vì thu nhập cao mà chị Thành trồng bù với diện tích nhiều, bởi theo chị, gia đình chị và các hộ trồng nhiều thì dễ bị rớt giá, việc hái bán ở chợ cũng không kịp thời gian. Theo kinh nghiệm của người dân xã Thuận Sơn trong sản xuất vụ đông đó là “nhìn hàng ở chợ để trồng cây”, nghĩa là mặt hàng gì ở chợ còn thiếu, hoặc ít thì bà con sẽ trồng để bán.
Phong trào trồng cây vụ đông hiện nay ở xã Thuận Sơn nói riêng và nhiều xã khác ở huyện Đô Lương như: Trung Sơn, Lưu Sơn, Nam Sơn, Đại Sơn, Tràng Sơn, Đặng Sơn… đang phát triển mạnh.
Tại xã Trung Sơn, toàn xã có 163 ha cây trồng vụ đông, trong đó diện tích ngô 110 ha, bí xanh - bí đỏ 20,5 ha, dưa chuột - dưa hấu 9,5 ha, số diện tích còn lại trồng rau màu và đậu cô ve. Nét nổi bật trong sản xuất vụ đông năm nay của xã Trung Sơn đó là chú trọng cây rau màu vụ đông với thời vụ ngắn, nhiều lứa, nhiều giống rau cao cấp như: bí đỏ, đậu cô ve, bù lấy ngọn, dưa chuột.
Riêng trên địa bàn xóm 3 ưu tiên sản xuất cây giống rau màu các loại cung cấp thị trường các huyện miền núi Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông.
Ông Đoàn Văn Canh - một hộ dân ở đây cho biết: “Vụ đông năm nay làm thì khó nhưng thu nhập thì khá, ví dụ như bí quả hiện nay 15 ngàn đồng/kg, bù quả cũng 10 ngàn đồng/kg, dưa chuột 10 ngàn đồng/kg. Tôi thấy hiệu quả vụ đông năm nay rất tốt. Bây giờ người dân đã rất kinh nghiệm trong trồng cây vụ đông, những vùng đất thấp, trũng dễ bị ngập khi trời mưa sẽ không trồng ở đấy”.
Để đạt được kết quả trong sản xuất vụ đông, huyện Đô Lương đã luôn chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất sớm, cụ thể sát với điều kiện tình hình thực tế tại từng địa phương. Phân công thành viên ban chỉ đạo bám sát các xóm.
Riêng đối với cây rau và cây lấy quả các loại phải dựa trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường và kinh nghiệm canh tác để gieo trồng các loại rau, đậu cho phù hợp. Trong đó, chú trọng các loại rau cao cấp để tăng hiệu quả kinh tế, trồng làm nhiều lứa.
Đồng chí Trần Danh Trung - Phó Bí thư Đảng ủy xã Lưu Sơn cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, diện tích cây trồng vụ đông ở Lưu Sơn đạt 70 ha vụ đông trên đất 2 lúa đã sản xuất và cho thu hoạch. Hiệu quả cho thấy rằng, 1 sào ước tính thu nhập đạt 60 đến 70 triệu đồng”.
Vụ đông năm nay, toàn huyện Đô Lương gieo trồng 3.300 ha cây trồng các loại, trong đó cây ngô trên 1.700 ha, số diện tích còn lại trồng rau, đậu, lạc, bầu, bí, khoai lang và một số cây trồng khác. Huyện tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao, gia tăng giá trị sản xuất.
Ông Lê Văn Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đô Lương cho biết thêm: “Vụ đông ở Đô Lương đã trở thành vụ sản xuất truyền thống, bởi hiệu quả sản xuất trên đất 2 lúa gấp 3 đến 5 lần so với trồng lúa. Năm nay, Trung tâm cũng đã tiến hành tuyên truyền phổ biến để bà con đẩy mạnh sản xuất vụ đông. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều diện tích vụ đông của một số xã đã cho thu hoạch rất khả quan”.
Để sản xuất vụ đông thắng lợi, trước đó huyện Đô Lương cũng đã đề nghị các xã tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng vùng và diễn biến mưa lũ để các địa phương xem xét, tính toán có kế hoạch gieo trồng sát với tình hình thực tế, vừa giảm thiểu được thiệt hại do mưa lũ, vừa đảm bảo cho năng suất cao và không ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng cây trồng vụ xuân 2021.