Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giới thiệu với đoàn về những tiềm năng, thế mạnh cũng như kết quả đạt được trong phát triển kinh tế nông nghiệp chế biến nông sản của tỉnh Nghệ An. Trong đó đáng chú ý tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh Nghệ An đạt 4,7%, giá trị nông lâm ngư nghiệp năm 2020 ước đạt trên 27.500 tỷ đồng.
Với những tiềm năng, thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, cùng nỗ lực của tỉnh, hiện nay Nghệ An có 14.829 cơ sở chế biến nông lâm sản, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động; năm 2019 giá trị sản xuất chế biến nông lâm sản đạt gần 14.600 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng nêu khái quát một số thông tin về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 cả nước, Sơn La có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản như diện tích rừng lớn, đa dạng các loại cây ăn quả, chăn nuôi phát triển…
Với tổng diện tích nông sản, cây ăn quả đạt 70.000 ha, sản lượng ước đạt 350.000 tấn, Sơn La trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước và là Trung tâm cây ăn quả của miền Bắc.
Nông sản của tỉnh Sơn La đã tạo được thương hiệu tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang 15 thị trường nước ngoài, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Hiện tỉnh đang tập trung xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của miền Bắc.
Khẳng định Nghệ An và Sơn La có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, lãnh đạo hai tỉnh đã trao đổi một số kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản nhằm khai thác tốt tiềm năng sẵn có. “Sự có mặt của doanh nghiệp là một trong những điều kiện cần, có vai trò cực kỳ quan trọng để phát triển chế biến nông lâm sản, nhất là doanh nghiệp có tiềm lực mạnh; trong đầu tư phải tập trung, tránh dàn trải để đạt hiệu quả tối đa; chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến. Đặc biệt, bên cạnh các cơ chế chính sách phù hợp, tỉnh phải xây dựng cơ chế làm việc hiệu quả, chấn chỉnh, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp” - đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh cảm ơn những chia sẻ kinh nghiệm của Nghệ An trong phát triển chế biến nông lâm sản, giao các thành viên trong đoàn tiếp thu, xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chế biến sản phẩm của tỉnh Sơn La.