(Baonghean) - Lúa tái sinh (lúa chét) đang là sự lựa chọn của nhiều người dân vùng 5 nam (Nam Đàn) và đang có chiều hướng phát triển ở các xã có diện tích sâu trũng. Nhưng phải khẳng định đây chỉ là giải pháp tình thế, một phương thức canh tác mang nặng tính thủ công, nhỏ lẻ, kìm hãm sản lượng lương thực.
Phong trào để lúa chét
Trên vùng đồng Trang Nam, xã Nam Trung, ông Hoàng Văn Sơn (xóm 4) sau khi gặt xong 4 sào lúa vụ xuân vẫn tiến hành chăm bón gốc cũ để dưỡng lúa chét. Ông Sơn cho biết: “Trước đây, một số hộ dân trong xã cũng đã để lúa chét nhưng phần lớn không thu hoạch chỉ để nuôi vịt hoặc cho trâu, bò ăn... Nhưng qua theo dõi nhiều vụ của các xã giáp ranh thấy ở gốc rạ vụ trước vẫn tiếp tục đẻ nhánh khoẻ, trổ bông đẹp, có những hộ chăm sóc tốt đã cho năng suất 90 - 100 kg thóc/sào nên chúng tôi học làm theo. Để lúa chét không phải chạy đua trong khâu làm đất, tránh được lũ tiểu mãn và tiết kiệm được giống, phân bón. Muốn dưỡng lúa chét cho năng suất cao, khi lúa chín khoảng hơn 80% thì tiến hành gặt sâu, để lại khoảng 20cm gốc, chỉ khoảng 15 ngày sau lúa sẽ tiếp tục đẻ nhánh. Nếu có ý định dưỡng lúa chét cần phải lựa chọn giống ngay từ đầu mùa vụ; nên sử dụng những giống lúa dài ngày, có khả năng tái sinh mạnh, bụi to, trổ nhanh, như giống X21, X23, BTE1...”.
Nam Trung là xã thuộc vùng sâu trũng của huyện Nam Đàn, diện tích hè thu các năm gần đây thường không đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Như vụ hè thu năm 2012, theo kế hoạch xã gieo cấy 220 ha nhưng chỉ xuống giống được hơn 100 ha, ngoài ra bà con còn để 70 ha dưỡng lúa chét (tăng 30 ha so với năm 2011); năm 2013, toàn xã chỉ gieo cấy được hơn 80 ha, để lại 160 ha dưỡng lúa chét. Đến năm 2014, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của xã, diện tích gieo cấy lúa hè thu cũng chỉ được 105 ha (đạt 30% so với kế hoạch). Với lý do chi phí đầu tư tăng cao, khoảng 500.000 - 600.000 đồng/sào, tính ra đồng lãi chẳng bỏ công nên nhiều hộ dân để lúa tái sinh với tổng diện tích gần 100 ha.
Theo ông Nguyễn Như Khôi - Chủ tịch UBND xã Nam Kim (Nam Đàn), vụ hè thu 2011 người dân chỉ gieo cấy 160/447 ha, diện tích còn lại theo các xã huyện Đức Thọ để lúa chét. Đến vụ hè thu năm 2013, mặc dù xã đã xây dựng đề án về tận xóm để triển khai, đồng thời bơm nước ngay từ đầu vụ, tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống phát thanh nhưng người dân vẫn dưỡng lúa chét gần 200 ha, số còn lại bỏ hoang không sản xuất. Trước tình trạng trên, vụ hè thu năm 2014, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện phải về tận xã tổ chức hội thảo, đối thoại trực tiếp với người dân; về phía xã phối hợp với tất cả các ban, ngành, đoàn thể vận động bà con gieo cấy lúa hè thu. Sau một thời gian chỉ đạo, từ kế hoạch 300 ha xã rút xuống còn 100 ha để chỉ đạo quyết liệt hơn, làm cơ sở cho các mùa vụ kế tiếp. Ngoài phần hỗ trợ chung của huyện cho vùng 5 nam, xã còn hỗ trợ thêm 5.000 đồng/kg giống lúa P6 đột biến, bỏ kinh phí mua thuốc bả chuột sinh học (80.000 đồng/kg) để diệt chuột, 10 - 15 ngày tổ chức 1 lần. Đồng thời nhận 4,1 tấn lúa giống P6 về cung ứng cho bà con, giao cho từ cán bộ ủy ban xã cho đến các bí thư, xóm trưởng 21 xóm đều phải sản xuất lúa hè thu, trung bình 2 - 5 sào. Sau khi rút diện tích khoanh vùng ăn chắc xuống còn 100 ha, một số xóm đã khép kín diện tích được giao như xóm Hạ Tuy (10 ha), xóm Tam giác (10 ha).
Và những cảnh báo
Sản xuất lúa tái sinh tính toán sơ bộ thì có lợi cho kinh tế hộ gia đình, nhưng khi tính rộng ra hiệu quả xã hội tụt giảm, đòi hỏi kỹ thuật thâm canh áp dụng cho vụ đông xuân cao hơn. Lý luận của ông Đinh Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trung đưa ra cũng rất đáng suy nghĩ: “Lúa tái sinh có lãi nhưng nếu tính tổng thu nhập chung thì rất thấp. Chẳng hạn xã Nam Trung có 100 ha lúa tái sinh, nếu đạt năng suất bình quân 70 - 80kg/sào (từ 14 - 16 tấn/ha) thì có tổng sản lượng đạt 1.400 - 1.600 tấn thóc. Trong khi đó, sản xuất tập trung vụ hè thu cho năng suất trung bình 50 tạ/ha thì tổng sản lượng lương thực sẽ là 5.000 tấn. Con số chênh lệch này sẽ thành thu nhập của xã hội, vì đó là chi phí dịch vụ, nhân công, tức là tạo việc làm và có thu nhập cho một bộ phận không nhỏ người dân nông thôn. Chi phí bao gồm cả vật tư phân bón, thuốc BVTV... tức là đẩy mạnh khâu lưu thông hàng hóa... Khi bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Như Khôi cũng nhận định: Không phải năm nào lúa tái sinh cũng cho thu hoạch 70 kg/sào, có vụ người dân chỉ được khoảng 30 kg/sào, thậm chí có những diện tích chỉ toàn lúa lép, không có thu hoạch.
Lúa tái sinh có hai hạn chế cơ bản. Thứ nhất là không sử dụng được cơ giới hoá trong thu hoạch. Để làm lúa tái sinh thì trước đó vụ xuân phải gặt tay chứ không thể gặt bằng máy, bởi nó lệ thuộc rất lớn vào lúa bố mẹ, nếu gốc rạ gãy đổ sẽ sinh trưởng kém. Thứ hai là khó đưa các bộ giống chất lượng cao, gạo ngon, năng suất khá vào sử dụng vì những giống lúa này thường khả năng tái sinh kém.
Theo số liệu thống kê của phòng Nông nghiệp huyện, từ năm 2011 - 2013 chiều hướng sản xuất lúa hè thu giảm, một số xã bỏ trắng không gieo cấy như xã Nam Cường, Nam Kim; xã Nam Phúc gieo cấy được 12 ha/222 ha, Nam Trung gieo cấy được chưa đầy 100 ha/ 257 ha… Trước tình hình trên, UBND huyện đã giao phòng Nông nghiệp tổ chức hội thảo giữa lúa gieo cấy - lúa chét tại các xã Nam Kim, Nam Trung, Nam Cường, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sản xuất lúa hè thu, không để đất bỏ hoang. Tại cuộc đối thoại trực tiếp, bà con nhân dân các xã đã nêu những vấn đề khó khăn như thiếu nước sản xuất, chuột bọ gây hại, công tác bảo vệ khó khăn do làm không tập trung, manh mún; khả năng rủi ro cao, hạch toán lợi nhuận không cao so với đi làm các công việc khác. Để giải quyết rốt ráo các vấn đề trên, huyện đã đưa ra các giải pháp: về khâu nước tưới cam kết điều hành Xí nghiệp Thủy lợi sẽ cung cấp đủ nước cho vùng 5 nam; về phòng trừ dịch hại do chuột sẽ lấy kinh phí từ nguồn hỗ trợ “Bảo vệ và phát triển đất trồng lúa” cho địa phương trồng lúa theo Nghị định 42/2012 NĐ - CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ để hỗ trợ cho bà con, với mức hỗ trợ 25.000 đồng/sào. Đồng thời giao cho Trạm BVTV huyện theo dõi, phát động diệt chuột đúng thời điểm, làm tốt công tác dự tính dự báo; định hướng cho các xã nên quy hoạch thành vùng tập trung, không sản xuất riêng rẽ để thuận lợi cho công tác bảo vệ đồng ruộng... Cũng tại buổi hội thảo, phòng Nông nghiệp đã đưa ra tính toán giữa 2 phương thức sản xuất thì sản xuất tập trung cho lợi nhuận cao hơn 30%. Sau khi đối thoại trực tiếp, tư tưởng người dân đã ít nhiều có thay đổi nhận thức trong sản xuất vụ hè thu; hiện xã Nam Kim đã sản xuất được 100 ha/300 ha, Nam Cường 20ha/68 ha, Nam Phúc 50 ha/222 ha, Nam Trung 105/257 ha theo kế hoạch.
Anh Nguyễn Đình Thế - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết thêm: “Sản xuất lúa tái sinh là lối canh tác lâu nay huyện đã khuyến cáo người dân không nên thực hiện, bởi lợi ích trước mắt thì thấp mà hậu quả lâu dài. Lúa tái sinh là môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng; trong đó nặng nhất là chuột tàn phá, từ các chân ruộng tái sinh nạn dịch bệnh sẽ đe dọa lúa hè thu liền kề… Như ở vùng Bàu Nón, vụ hè thu năm 2012 bà con để hoang gần 200 ha đất đã phát sinh sâu keo với mật độ rất cao, từ 300 - 500 con/m2. Sang năm 2014, chủ trương của huyện ở những xã có diện tích sâu trũng không sản xuất được vụ hè thu thì bà con phải cày lật đất, để vừa tăng độ phì nhiêu cho đất vừa hạn chế sự phát triển của mầm bệnh”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh