(Baonghean) - Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống nằm trên địa giới hành chính của 12 xã thuộc 5 huyện: Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông và Tương Dương. Trong đó, 2 xã Nga My và Xiêng My chiếm diện tích nhiều nhất với hơn 15.000ha. Chúng tôi đã thực hiện cuộc hành trình vào vùng lõi Pù Huống để được trải nghiệm những vất vả gian nan nhưng đầy thú vị của Khu Bảo tồn thiên nhiên nơi miền Tây xứ Nghệ.
Gian nan hành trình Pù Huống
Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình vào một ngày thượng tuần tháng 7. Mới đầu buổi sáng nhưng những tia nắng chói chang xiên qua hàng cây ven đường báo hiệu một ngày khắc nghiệt nơi miền Tây xứ Nghệ. Đi cùng chúng tôi trong hành trình ngược lên vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Huống là anh Nguyễn Quế Hải, cán bộ kiểm lâm của Hạt kiểm lâm Pù Huống. Sợ các vị khách không quen đường, chốc chốc anh này lại dừng xe đợi. Chúng tôi dừng xe tại bìa rừng, khu vực này có một số lán trại của người dân bản Piêng Ồ vào làm nương rẫy. Tại đây, mọi người cùng lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi. Theo đó, chúng tôi sẽ vào vùng lõi Pù Huống với sự dẫn đường, hỗ trợ của anh Nguyễn Quế Hải và 2 người dân bản địa. Trước khi xuất phát, chúng tôi được mời uống một loại nước, mà như người bản địa nói là thuốc bổ máu, chống mệt mỏi...
7g 30’ cuộc hành trình bắt đầu. Lúc này xe máy đã được gửi lại, cuốc bộ là cách duy nhất để vào vùng lõi Pù Huống. Theo chỉ dẫn của những người dẫn đường, chúng tôi đi dọc theo khe Hạng. Đây là một trong những dòng suối chính chảy cắt ngang rừng Pù Huống, gom nước của rất nhiều khe phụ lưu trước khi đổ ra Nậm Nơn và hòa vào dòng sông Cả. Đi được gần 30 phút, đến một ngã 3, những người dẫn đường cùng dừng lại để xác định nên đi đường thẳng hay đường vòng. Đường vòng sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ đỡ phải leo vách đá nhiều nguy hiểm. Thế rồi mọi người quyết định đi đường vòng, xa hơn một chút nhưng an toàn hơn. Lúc này tôi mới để ý thấy hầu như những người dẫn đường, ngoài chiếc dao cài lưng, ai cũng có một cái lọ nhỏ...
Chưa kịp hỏi thì chẳng mấy chốc chúng tôi đã biết về công dụng của cái lọ nhỏ được mọi người treo bên cạnh con dao ấy...Trong lọ chứa một loại hỗn hợp dung dịch để những người đi rừng “hạ gục” sên, vắt. Khu vực này rừng ẩm thấp nên rất nhiều vắt. Chúng lổm ngổm bò dưới đất, ngo ngoe “mai phục” trên những cành cây. Loài nhuyễn thể bé nhỏ ấy luôn mang đến cho nhiều người một nỗi ám ảnh sởn da gà. Chính vì vậy, những người thường xuyên đi rừng đã “chế tạo” ra một loại hỗn hợp dung dịch gồm: dầu hỏa, bọ hóng, vôi, xà phòng... để chống sên, vắt.
Trở lại với cuộc hành trình. Mục đích của chúng tôi trong lần này là muốn tìm hiểu, khám phá về Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống - trung tâm của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Điều quan trọng hơn là qua chuyến đi này, chúng tôi cũng muốn tìm hiểu xem việc bảo vệ rừng đặc dụng đã và đang được thực hiện ra sao. Sau khi men dọc theo khe Hạng, chúng tôi tiến sâu vào rừng. Trời vẫn chói chang nắng. Chúng tôi luồn thấp dưới những tán tre nứa. Có lúc ngỡ mình đang đi trong đường hầm. Không gian bị bao bọc bởi độ ẩm cao nên oi bức, khó chịu vô cùng.
Dường như hiểu được cái cảm giác bứt rứt của mọi người, vả lại đoàn cũng đã đi được khoảng 1 tiếng đồng hồ nên anh Nguyễn Quế Hải chủ động dừng lại. Trong lúc nghỉ, tôi mới có quan sát kỹ 2 người dẫn đường bản địa. Người thứ nhất là Lô Văn Toán, năm nay 31 tuổi, đã từng đi lao động tận trong miền Nam. Trở về quê với sự thất vọng về một miền đất hứa, anh quyết định làm lại từ đầu bằng việc chăn nuôi và trồng trọt. Hiện nay Toán nuôi 20 con dê, ngoài ra đàn gà, lợn cũng vài chục con. Người thứ hai là anh Mộng Văn Phở, nguyên là người gốc Xiêng My, sinh sống ở xã Bình Chuẩn (Quỳ Hợp), mới trở lại quê cũ hơn 1 năm nay. Cả Lô Văn Toán và Mộng Văn Phở đều là thành viên của lực lượng nhận giao khoán bảo vệ rừng ở bản Piêng Ồ, xã Xiêng My, huyện Tương Dương.
Cũng cần nói thêm, hiện nay tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có 486 hộ của 6 bản và 2 xã là Nga My và Xiêng My (Tương Dương) nhận giao khoán bảo vệ rừng. Tổng diện tích giao khoán cho các hộ dân bảo vệ là 7.758 ha. Trong đó riêng bản Piêng Ồ có 85 hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng. Trong khi mọi người ngồi bệt xuống thảm lá mục giữa rừng và thở dốc, thì Lô Văn Toán rút con dao Mẹo phắt lấy một cây nứa. Rồi với con dao sắc lẹm, chỉ cần vài động tác Toán đã hoàn thành cái điếu cày. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một cái điếu cày dài đến vậy. Cỡ 1,2m. Thực ra với kinh nghiệm của người đi rừng nhiều năm, cây nứa tươi trong tay Toán không chỉ để thỏa mãn cơn nghiện thuốc lào.
Cây nứa có 3 lóng, lóng trên dùng làm điếu, 2 lóng dưới được khoét lỗ nhỏ để trở thành bương đựng nước uống. Và cả đoạn nứa còn trở thành cây gậy hỗ trợ leo dốc. Vừa tỉ mẩn dùng dao tiện một đoạn mắt nứa để làm nõ điếu, Toán cười phô hàm răng vàng xỉn: “Biết làm chi ạ! Dân trên ni. Cái chi cũng khó cả! Tháng mô em cũng đi tuần.” Như chợt nhớ ra điều gì, Toán liếc nhanh về phía đại ngàn rồi nhíu mày nghiêm trọng: “Ở rừng ni có ông nớ 3 chân!!!” Toán hạ thấp giọng gần như thầm thì: “Ông Hổ! chỉ có 3 chân thôi nhưng tinh lắm...” Mấy người đi cùng cũng túm lại hùa vào làm cho câu chuyện về “ông” hổ 3 chân trở nên vô cùng ly kỳ giữa thâm u rừng già. Cuối cùng vẫn là Toán chốt một câu chẳng ăn nhập vào đâu: “Nhưng từ nhỏ đến dừ chưa khi mô em chộ ông ở Pù Huống. Chỉ chộ ở Đầm Sen trong “Xài Gòn”. Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có 461 loài động vật với 99 họ và 28 bộ. Trong đó có 66 loài quý hiếm như: vượn đen bạc má, vọoc xám, trĩ sao, gà lôi trắng và tất nhiên cả hổ nữa.
Kỳ vĩ Pù Huống
Mọi người trở lại cuộc hành trình. Càng vào sâu phía trong vùng lõi, dốc càng cao. Có những đoạn độ dốc lớn lại không có bụi, cành thấp để bám tay, chúng tôi gần như phải úp mặt xuống lưng núi, dùng tay cào vào lớp đất đá để nhích từng bước một. Cứ khoảng 10 phút chúng tôi buộc phải nghỉ một lần để thở. Anh Nguyễn Quế Hải và Lô Văn Toán luôn thay nhau dẫn đầu. 2 phóng viên đi giữa còn anh Mộng Văn Phở đi chốt phía sau. Thỉnh thoảng chúng tôi mới tìm thấy vị trí tương đối bằng phẳng để đứng cân bằng lực cho đôi chân. Những lúc như thế, Hải và Toán lại nhìn chúng tôi thênh thênh cười: “Mới được 1/3 chặng đường thôi.” Lúc này khoảng 10h trưa. Chúng tôi đang đứng giữa ngút ngàn tầm mắt của khu rừng nguyên sinh - trung tâm của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây xứ Nghệ được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9 năm 2007.
Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, tại Pù Huống có 1.137 loài thực vật của 585 chi với 116 họ. Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có những loài cây quý hiếm như pơ mu, sa mộc dầu... và nhiều nhất có các loại: trai, dạ hương, táu... Qua quan sát chúng tôi thấy, các cây lớn mọc cách nhau khoảng trên dưới 10m. Có những cây đường kính vài người ôm mới xuể. Tôi để ý thi thoảng lại thấy anh Phở cúi nhặt cái gì đó, chà vội vào áo rồi bỏ mồm nhai. Hóa ra là sấu. Sấu rụng rải rác trên lối đi. Đưa cho tôi mấy quả còn xanh, anh Phở hồn nhiên: “Quả chín thì bọn chim nó ăn hết rồi, chỉ còn mấy quả xanh ni. Cũng đỡ khát nước lắm”.
Vậy là không phải ở Hà Nội, mà ngay tại cánh rừng nguyên sinh này tôi được ngước nhìn những gốc sấu cổ thụ cao ngút tầm mắt và được nhấm nháp vị thanh thanh, chua chua giúp giải quyết cái miệng khô và cổ họng gần như khan đặc. Đem chuyện đời, chuyện sinh kế hỏi Mộng Văn Phở, anh lành hiền: “Có chi mấy, cái việc bảo vệ rừng ni à! Một năm được ba “tiệu” với 2 tạ gạo. Nhà nước nói thì ta cũng làm thôi!”. Được biết, theo quy định, 1 ha rừng nhận giao khoán bảo vệ mỗi hộ dân được Nhà nước hỗ trợ 200 nghìn đồng/năm. Bình quân mỗi hộ dân ở Nga My và Xiêng My (Tương Dương) nhận bảo vệ 10 ha, hộ nào nhiều nhất cũng chỉ 30ha. Trong khi đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có tổng diện tích hơn 92.009,8ha, trong đó diện tích của vùng lõi đặc dụng là 40.127,7 ha. Pù Huống nằm trên địa giới hành chính của 12 xã thuộc 5 huyện là: Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông và Tương Dương. Trong đó, 2 xã Nga My và Xiêng My chiếm diện tích nhiều nhất với hơn 15.000ha. Chính vì vậy, công tác bảo vệ khu rừng đặc dụng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về khoa học thực nghiệm, về bảo tồn nguồn đa dạng sinh học, dự trữ sinh quyển của nhân loại và là nhân tố quyết định trong việc giữ gìn sự cân bằng của môi trường sinh thái khu vực đầu nguồn.
Nỗi niềm Khu bảo tồn
Mất 4 tiếng đồng hồ cả đoàn mới đến được phần ngang lưng của đỉnh Bùa Cốp. Anh Nguyễn Quế Hải lôi cái máy định vị tọa độ chuyên dụng của lực lượng kiểm lâm ra bấm bấm: “Ta đang ở trên độ cao 725m. Muốn lên đỉnh Bùa Cốp ta phải leo cao khoảng 400m nữa.” Chỗ chúng tôi dừng chân địa hình dốc thoải. Lúc này tôi nhìn thấy những đường lõm kéo dài ngang lưng núi. Đó là những vệt gỗ được tạo ra bởi trâu kéo. Có những đoạn vách cheo leo, người ta dùng cọc đóng ken dày hoặc dùng ván gỗ nẹp thành máng dọc theo sườn núi để khi trâu kéo gỗ không bị văng xuống vực. Nhiều gốc cây lớn bị đốn ngã nằm ngổn ngang giữa rừng. Nhiều gốc cây khác đã bị cưa xăng hạ, bị cắt thành từng đoạn, xẻ ra thành phiến. Thi thoảng anh Mộng Văn Phở dừng lại dùng dao đẽo một mẩu gỗ rồi đưa lên mũi: “trai”, “dạ hương”, “trai”, “dạ hương”, “lát”. Có những thân cây sau khi bị đốn ngã nằm chóc ngược trên vách, lâm tặc không cách gì lấy được nên nằm trơ ra cùng mưa nắng. Lại có những cây dạ hương, đoạn gốc nhựa rỉ ra khô quánh như màu máu. Tôi nhìn thấy trên những thân gỗ tròn, gỗ phiến có chữ “KL” được viết bằng sơn đỏ. Có những phiến ghi ngày tháng, như: “14/6/2014, 19/6/2014, 02/7/2014”. Theo cách giải thích của anh Nguyễn Quế Hải, cán bộ kiểm lâm Trạm Quản lý bảo vệ rừng Nga My - Hạt Kiểm lâm Pù Huống thì đó là cách đánh dấu của cán bộ, nhân viên kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng mỗi khi phát hiện gỗ bị lâm tặc đốn hạ. Và đây là cách duy nhất mà lực lượng kiểm lâm có thể làm được mỗi khi đi tuần tra. “Kể cả khi họ đang cưa chúng tôi đi lên thì cũng không thể bắt được. Chỉ có gặp cây ngã, còn người thì không thể. Ở đây họ có thông tin. Nếu phát hiện lực lượng kiểm lâm ngoài cửa khe thì trong này đã biết. Bất cập lớn nhất ở đây là không thể thu giữ, vận chuyển tang vật. Chúng tôi chỉ còn cách đánh dấu, báo cáo và cài cắm thông tin để khi nào họ kéo về dưới khe thì đón lõng.”
Chúng tôi tiếp tục bò ngược lên đỉnh Bùa Cốp. Tôi đã thực sự choáng bởi số lượng cây bị lâm tặc cưa đổ. Trong lòng con khe cạn trên đỉnh Bùa Cốp với độ cao khoảng 1000m có hàng chục phiến gỗ đã được xẻ nằm ngổn ngang. Phần lớn các phiến gỗ dài hơn 3m, rộng 50 - 60cm, thành gỗ cao 20 - 30cm. Dọc theo lòng khe chếch xuống dưới khoảng 20m là nơi tập kết hơn 10 cây gỗ tròn. Đây chủ yếu là các loại gỗ quý như trai, dạ hương, táu. Qua quan sát có thể thấy, những đối tượng khai thác lâm sản trái phép đã tuyển cây, cưa gỗ quanh Bùa Cốp sau đó dùng trâu kéo dồn về một chỗ để chờ thời cơ tuồn ra khỏi rừng. Điều đặc biệt, ngoài số gỗ tròn và phiến được đánh dấu bằng sơn đỏ bởi lực lượng kiểm lâm, phần lớn khối lượng gỗ tập kết tại đỉnh Bùa Cốp đều ghi dòng chữ màu trắng (bằng bút xóa): “CSMT 27/6/2014”. Thực ra số gỗ này được lực lượng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nghệ An sau nhiều tháng mai phục đã phát hiện và bắt quả tang. Theo như thông tin ban đầu, số lượng gỗ bị lâm tặc đốn hạ đang trên đường vận chuyển ra khỏi rừng có khối lượng trên dưới 20m3. Đến nay công tác điều tra vẫn đang được tiến hành và kẻ cầm đầu được xác định là đối tượng từ địa bàn khác đến Tương Dương thuê người dân địa phương khai thác trái phép. Điều đáng nói, qua dấu vết để lại có thể thấy số gỗ kể trên đã bị các đối tượng chặt rải rác từ nhiều tháng trước đó nhưng mãi đến khi lực lượng Cảnh sát môi trường lặn lội cắt rừng giữa đêm 26 rạng ngày 27 tháng 6 mới bắt quả tang, thu giữ. Sau này khi trở ra khỏi rừng, gặp gỡ trao đổi với anh Võ Minh Sơn - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Pù Huống, anh này nói rằng Trạm Kiểm lâm Nga My có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ một diện tích lớn Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, nhưng do lực lượng mỏng, chỉ có 6 người nên việc triển khai công tác rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc xác định đối tượng vi phạm là không thể. Lực lượng kiểm lâm cũng không có đủ phương tiện, nhân lực để vận chuyển gỗ, tang vật vi phạm ra khỏi rừng.
Chúng tôi ngồi trên đống gỗ giữa rừng Pù Huống mà vô cùng ngao ngán. Nguyễn Quế Hải mở lời rằng, để đưa được từng này gỗ ra đến cửa khe, cửa rừng phải mất khoảng 1 tháng rưỡi. “Điều khó khăn nhất là mình thuê dân kéo, dân không bao giờ dám kéo. Con trâu kéo đó sẽ không sống quá 1 tháng...” - Hải cho hay. Anh Mộng Văn Phở nói thêm: “Dân trên ni không dám đối diện. Nhiều khi tui đi tuần, phát hiện gỗ bị chặt, nói với họ, nhưng họ nói gỗ nhà nước chớ gỗ chi của ông... Nhiều khi hắn cũng dọa đó”.
Sau 1,5 tiếng đồng hồ ghi chép, quay phim, chụp ảnh hiện trường bãi gỗ trên đỉnh Bùa Cốp, chúng tôi bắt đầu trở ra. Lần này chúng tôi không đi theo dường cũ mà dò theo những con dốc thẳng đứng - tuyến vận chuyển gỗ mà lâm tặc thường sử dụng. Anh Nguyễn Quế Hải cho biết, đây là con đường duy nhất để đưa lâm sản ra khỏi vùng lõi. Vậy sẽ có bao nhiêu mét khối gỗ được phát hiện và bị lực lượng kiểm lâm Pù Huống bắt giữ? Tỷ lệ gỗ bị tịch thu so với số lượng phát hiện và đánh dấu là bao nhiêu? Câu hỏi không ai dễ trả lời được.
Vào lúc 14h của một ngày hè oi ả nắng, ve rừng kêu chói tai, trên sườn Bùa Cốp, chúng tôi ngồi gặm xôi trắng, lương khô và uống nước khe. Không ai nói câu nào. Miếng xôi mắc nghẹn cùng với tiếng thở dài. Lòng trĩu nặng. Pù Huống vẫn kỳ vĩ và nhiều bí ẩn.
Đào Tuấn - Hồ Quý