Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, năm 2017, số ca mắc, chết và đi viện do ngộ độc rượu tăng đột biến. Rượu gây ra 10 vụ ngộ độc, 119 người mắc, 115 đi viện và 11 người chết.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết ngộ độc rượu vẫn luôn là một vấn đề đáng lo ngại và rất dễ xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội. Dù đã được cảnh báo, số lượng bệnh nhân nhập viện thường xuyên được ghi nhận có liên quan tới ngộ độc rượu.
Trong đó, hai loại ngộ độc thường gặp là ngộ độc rượu ethanol và methanol. Khi bị ngộ độc cấp, người bệnh có dấu hiệu kích thích, nói nhiều, phản xạ rối loạn, mất khả năng tập trung và giãn mạch ngoại vi (với ngộ độc rượu ethanol), thậm chí mù lòa, tử vong (với rượu chứa methanol).
Tuy nhiên, nhiều người dân có thói quen lạm dụng rượu do chưa thấy những tác động tức thời. Theo bác sĩ Nguyên, uống rượu kéo dài sẽ dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da xanh do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần.
TS.BS Vũ Trường Khanh, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, cũng đưa cảnh báo vài năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân bị xơ gan do bia rượu phải nhập viện điều trị tăng nhanh.
“Khoảng 10 năm trước, bệnh nhân xơ gan chủ yếu do virus còn hiện nay, trung bình mỗi năm trong số 3.500-3.700 bệnh nhân tiêu hóa nội trú tại bệnh viện, 60% là bệnh gan, trong đó xơ gan chiếm chủ yếu, với khoảng 50% nguyên nhân là uống rượu bia. Bệnh nhân chủ yếu là nam ở lứa tuổi 40-50, nhưng có không ít người mới ở tuổi ngoài 30”, bác sĩ Khanh cho biết.
Tại khoa Tiêu hóa, các bác sĩ ngày nào cũng tiếp nhận từ 5-7 trường hợp bệnh nhân xơ gan dù ban đầu họ chỉ bị gan nhiễm mỡ do uống quá nhiều rượu bia. Không ít bệnh nhân bất ngờ khi bác sĩ đọc kết quả bệnh. Điều này cũng xuất phát từ quan điểm sai lầm trong việc sử dụng rượu.
Nhiều người cho rằng uống rượu “xịn” hoặc rượu tự nấu sẽ không hại gan. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thủy, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu Trung ương khẳng định: “Kể cả với rượu bia đạt chuẩn cũng có tác hại đến sức khỏe nếu bị lạm dụng. Không có một loại rượu nào được xem là an toàn với người uống”.
Thậm chí, rượu nấu thủ công còn có chứa các chất độc hại vượt quá hàm lượng cho phép như Aldehyd, Methanol, đặc biệt là Furfurol, chất rất độc hại cho bộ máy tuần hoàn, hô hấp, thần kinh, là nguyên nhân của nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, mất trí nhớ và dị tật thai nhi.
Chuyên gia này cũng cảnh báo việc tự ngâm rượu cho các loại cây, con, được cho là vị thuốc bổ cũng không thực sự “bổ” như nhiều người nghĩ.
“Các loại rượu đều gây tác động không tốt, chúng có thể gây xơ gan, ung thư gan,… Việc ngâm lá cây hoặc vị thuốc đi cùng cũng không có tác dụng giảm bớt tác hại từ rượu”, bác sĩ Thủy nói.
Ngoài ra, quan niệm uống bia hoặc rượu vang thay cho rượu vì nghĩ nồng độ cồn thấp ít ảnh hưởng đến sức khỏe hơn cũng là một sai lầm.
Theo các chuyên gia, không có ngưỡng uống rượu bia nào được coi là tuyệt đối an toàn, đặc biệt là với những người đã có tổn thương ở gan. Do đó, người dân nên thực hiện lối sống lành mạnh, không dùng các chất kích thích, bỏ hẳn hoặc hạn chế dùng rượu bia.
Trường hợp có sử dụng rượu bia cần lưu ý kiểm soát men gan, bảo vệ gan đúng cách, tránh để men gan cao gây tổn thương gan, suy giảm chức năng gan, gây nhiễm độc cho cơ thể. Tình trạng nhiễm độc này có thể mạn tính âm thầm, khi phát hiện thì đã muộn.