Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở chuyên khoa mắt để điều trị, không được tự ý mua thuốc, đắp lá, xông hơi tại nhà.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tuần qua, mỗi ngày có khoảng 10 trẻ tới khám đau mắt đỏ. Dịch đau mắt đỏ thường xuất hiện vào mùa hè. Năm nay, dù thời tiết bắt đầu sang thu nhưng nhiều trẻ em vẫn mắc phải bệnh này.
Chia sẻ trong chương trình Cuộc sống thường ngày (VTV2), bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Phó trưởng khoa Tai - Mũi - Họng - Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay: "Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều ở Việt Nam, đặc biệt thời điểm giao mùa, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với thời tiết, miễn dịch yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh đau mắt đỏ.
Trẻ mắc bệnh thường xuất hiện những triệu chứng: mắt đỏ kèm theo kéo nhử nhèm, đau, quấy khóc ở trẻ bé và cộm, rát ở trẻ lớn. Ngoài ra, các em có thể ho, sổ mũi, sốt nhẹ, viêm đường hô hấp trên, sưng hạch ở mang tai".
Đặc biệt, bác sĩ này lưu ý các bậc phụ huynh không nên tự chữa bệnh cho trẻ tại nhà. Một số người mua thuốc tự nhỏ, đắp lá, xông hơi cho trẻ ảnh hướng rất lớn đến quá trình điều trị, gây biến chứng nguy hiểm. Các em cần được đưa đến các bệnh viện chuyên khoa mắt để khám, chữa trị sớm.
Nếu không điều trị đúng cách, bệnh đau mắt đỏ có thể dẫn đến những biến chứng như viêm giác mạc, viêm loét gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
Để phòng tránh căn bệnh về mắt trên, gia đình cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách rửa tay, rửa mặt thường xuyên. Trẻ đã mắc bệnh nên ở nhà, không tới trường, lớp tránh lây cho mọi người xung quanh.
Theo Zing.vn