Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính tại buổi họp báo về việc thu bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên năm học 2015-2016.
 
Tại buổi họp, ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT cho rằng năm học 2015-2016 là năm bản lề, có những sửa đổi - năm đầu tiên triển khai luật bổ sung BHYT. Ngay từ 1/1/2015 những vấn đề về BHYT đã rất nóng. 
 
Vấn đề trở nên nóng bởi năm học 2015 - 2016, là năm đầu thực hiện Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ và Thông tư số 41/2014/TTLT- BTC-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Y tế, nên trong quá trình thu BHYT học sinh sinh viên đã gặp một số khó khăn, bởi mức đóng BHYT đối với học sinh sinh viên từ ngày 01/01/2015 là 4,5% mức lương cơ sở theo quy định hiện hành của Nhà nước và năm 2015 thay vì thu và phát hành thẻ theo năm học, khóa học thì thu theo năm tài chính. 
 
 
images1384216_3_2.jpgToàn cảnh cuộc họp báo chiều 16/9 tại trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Ảnh: Thùy Linh)
Bắt đầu từ năm 2011, Việt Nam chính thức bắt đầu thực hiện Luật BHYT và đối tượng học sinh, sinh viên chính thức đưa vào diện BHYT bắt buộc. 
 
Một trong những điểm thay đổi trong Luật sửa đổi bổ sung BHYT là đưa ra giải pháp về mặt cơ chế hết sức quan trọng, quy định toàn bộ hệ thống chính trị, có điều khoản quy định rõ ràng. 
 
Trước ý kiến cho rằng “giáo viên chủ nhiệm phải làm hộ ngành BHYT”, ông Sơn khẳng định:  “Luật sửa đổi quy định Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn thực hiện với học sinh sinh viên, hướng dẫn lập danh sách học sinh sinh viên tham gia tại nhà trường theo mẫu biểu do bảo hiểm xã hội ban hành, quy định rõ việc thu đóng theo năm tài chính.
 
“Luật BHYT, Nghị định 105, thông tư 41 nêu rõ trách nhiệm các đoàn thể, trong đó có nhà trường đứng ra hỗ trợ thu. Theo khoản 8 quy định rõ cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách học sinh sinh viên tham gia BHYT tại Nhà trường. Tuy nhiên một số hướng dẫn chưa được sâu rộng nên có nhiều vấn đề chưa đủ thông tin như việc giáo viên phải thu hộ bảo hiểm” – ông Trần Đình Liệu – Trưởng ban thu BHYT cho biết thêm. 
 
“Chúng tôi cũng có lỗi một phần, đáng lẽ từng giáo viên, hiệu trưởng phải hiểu sâu hơn về tính chất của quỹ BHYT  học sinh sinh viên, nhưng chưa có điều kiện để họ hiểu thấu đáo khiến họ trả lời với báo chí như vậy”- bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận khuyết điểm. 
 
Theo ông Sơn: “Một số trường coi tỉ lệ mua BHYT của học sinh sinh viên là mục tiêu thi đua. Tôi cho rằng đây là giao ước rất có trách nhiệm. Chính phủ đã chấp nhận chỉ tiêu tham gia BHYT được xem là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương, là một trong các chỉ tiêu tính vào thi đua các ngành, địa phương vừa mang tính nhân văn lại vừa thực hiện theo đúng cơ chế mới”. 
 
Về việc triển khai, năm học 2015-2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai ký hợp đồng đến 25.425 trường học cả nước. Chỉ còn 5 tỉnh thành tổ chức thu theo năm học như các năm học trước. Còn lại 58 tỉnh thành triển khai phối hợp thu theo năm tài chính. 
 
Tuy nhiên vẫn có 8 tỉnh thành triển khai thu 15 tháng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời trao đổi qua điện thoại với TP.Hồ Chí Minh triển khai thu theo năm tài chính nhưng có phân kỳ. 
 
Ngành GD&ĐT cũng đã ban hành công văn chỉ đạo sở GD&ĐT phân kỳ thu 6 tháng, tránh dồn thu tập trung vào đầu năm học tránh áp lực đầu năm cho phụ huynh
 
Bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính giải thích: “Giá như thông tin về việc này được sớm thì sẽ được xã hội chia sẻ, đồng hành hơn. Tuy nhiên chính sách mới thì phải có thời gian “thấm” vào người dân, có quá trình nhận thức và kiểm nghiệm thực tế”.
 
Theo bà Minh, BHYT là nhu cầu an sinh thiết yếu, sau chuyện cơm ăn nước uống, thì chuyện đi lại học hành và sức khỏe là vấn đề quan trọng nhất của một con người được Đảng và Nhà nước, Luật pháp hết sức quan tâm.
 
 
Theo bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Tài chính, BHYT là nhu cầu an sinh thiết yếu, sau chuyện cơm ăn nước uống ( Ảnh: Thùy Linh)
Bà Minh dẫn ví dụ, nhiều nước như Úc mức đóng BHYT bắt buộc là 2000 USD/năm, Thái Lan thu BHYT từ 6% – 8%, Singapore là 11%, Trung Quốc 11,5%; Đài Loan 13,5% và tính theo thu nhập thực tế, cao hơn mức lương cơ sở tối thiểu như mức Việt Nam đang áp dụng. 
 
Tăng từ 3% lên 4,5% có thể xem là cao, nhưng số tuyệt đối thì thấy rằng chỉ hơn những năm trước hơn 100.000 đồng, điều quan trọng hơn là nhóm khó khăn, yếu thế đều được hỗ trợ. 
 
“Nếu so với Úc, chúng ta không so được nhưng phải hiểu tại sao người ta làm như thế. Úc được khen là chăm sóc y tế tốt nhưng nước ta bỏ ra một đồng dân cũng kêu. Chúng tôi rất hiểu tâm lý đó, nhưng Nhà nước đã hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo, con em quân nhân thì những người bình thường cũng phải tham gia đóng góp” – bà Minh phân trần. 
 
Bà Minh khẳng định việc điều chỉnh này đã được tính toán rất kỹ: “muốn nâng cao chất lượng y tế vươn bằng thế giới thì đương nhiên phải nâng mức đóng lên. Chúng ta khen người ta tiến bộ, văn minh thì mình cũng phải hội nhập. Bác sỹ của ta trình độ đâu phải kém gì bác sỹ quốc tế”. 
 
Bà cũng thẳng thắn nói lên quan điểm của mình về việc thu bắt buộc BHYT. “Cách đây mấy năm bàn giá dịch vụ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rất ngại và chùn.Nhưng nếu cứ chùn thì không bao giờ nâng chất lượng dịch vụ được? Quỹ BHYT cho học sinh sinh viên không phải thu chi theo kiểu “đồng mắm đồng tương”. Nếu không may bị bệnh, học sinh sinh viên sẽ được hưởng dịch vụ cao do mức đóng cao và chất lượng y tế chắc chắn được cải thiện”. 
 
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm: Dịch vụ y tế thấp, phim không tốt thì làm sao chẩn đoán bệnh chuẩn. Ngân sách Nhà nước chỉ có vậy nên cách duy nhất để nâng cao dịch vụ y tế  là huy động vốn của cả xã hội.
 
Nói ngành giáo dục thu hộ ngành bảo hiểm là không đúng vì đây là chính sách an sinh nên cần sự chung tay của toàn xã hội. 
 
Theo GDVN