Như đã biết, tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf ban đầu có tên gọi S-300PMU-3 do nó chia sẻ khá nhiều công nghệ với các biến thể S-300 đời trước bao gồm S-300PMU-1 và S-300PMU2.

Đáng kể nhất chính là việc S-400 Triumf ngoài loại đạn tầm siêu xa 40N6 tầm bắn 400 km, hay đạn tầm xa 48N6E3 tầm bắn 250 km thì nó còn phóng được cả 2 loại đạn 48N6E và 48N6E2 cũ hơn.

Tương tự như vậy, các thế hệ S-300PMU-1/2 cũng có khả năng bắn đạn 48N6E3 tuy rằng khả năng dẫn bắn chính xác ở tầm giới hạn có thể thua kém một chút so với S-400, vậy khi đã có chung nhiều thành phần cơ sở thì liệu tổ hợp S-300PMU-1 của Việt Nam có thể nâng cấp lên chuẩn Triumf?

083916-1.jpgĐài radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6 của tổ hợp S-300PMU-1 Việt Nam.

Cần lưu ý thêm rằng trong tổ hợp S-300PMU-1 của Việt Nam, chúng ta đang sử dụng một thành phần của S-400 đó chính là radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6 thay vì loại 64N6E Big Bird như cấu hình cơ bản.

Điều này đã chứng minh rằng các thành phần của S-300 và S-400 đều có thể làm việc chung với nhau, mở ra triển vọng rất lớn trong việc nâng cao sức chiến đấu của S-300PMU-1 lên tiệm cận S-400 hay chí ít cũng ngang ngửa S-300PMU-2.

Nếu có ý định triển khai, Việt Nam có thể tính tới việc trang bị cho tổ hợp S-300 của mình các loại đạn đánh chặn tầm xa 48N6E2/E3, bổ sung thêm các thành phần của S-400 hay nâng cấp gói phần mềm điều khiển để tạo sự đồng bộ giữa các khí tài, điều này là hoàn toàn khả thi.

Xe mang phóng tự hành với đạn 48N6E thuộc tổ hợp S-300PMU-1 Việt Nam.

Tuy nhiên có một điều cần lưu ý rằng Nga hiện tại không sẵn sàng cung cấp các gói hiện đại hóa cho S-300 tương tự như S-75 Volga (SA-2) hay S-125 Neva/Pechora (SA-3) bởi vì vũ khí này chưa hề lạc hậu như hai tổ hợp trên.

Ngoài ra nguyên nhân quan trong nhất cần nhắc tới đó là nếu như khách hàng có ý định nâng cấp S-300 lên ngang tầm S-400 thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số bán Triumf của Nga, trong khi đây lại là mặt hàng chủ lực.

Thực tế cũng cho thấy Nga còn không bán kèm cả đạn 9M96 kèm theo S-400 cho các khách hàng, bất chấp việc thiếu nó S-400 sẽ khó đánh chặn mục tiêu bay thấp để giữ thị phần cho Pantsir-S1 và đặc biệt là S-350E Vityaz.

Do vậy, viễn cảnh hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-1 của Việt Nam được hiện đại hóa sánh ngang S-400 Triumf sẽ khó mà xảy ra trong tương lai gần.

Giải pháp khả thi nhất hiện chỉ có thể là bổ sung cho nó các loại đạn đánh chặn có tầm bắn xa hơn như 48N6E2 200 km mà thôi.