Cảnh sát Indonesia bắt đầu điều tra nghi vấn nạn rút ruột là nguyên nhân làm sập cây cầu treo dài nhất nước này hồi tháng 11 khiến hàng chục người thiệt mạng.
 
AFP cho biết cuộc điều tra được mở sau khi Ủy ban chống tham nhũng Indonesia cáo buộc vật liệu được dùng để xây cầu rẻ tiền và có chất lượng thấp hơn nhiều so với báo cáo của công ty xây dựng. “Vụ sập cầu là một điển hình cho thấy chất lượng các công trình đang bị rút ruột, nơi những vật liệu hạng A bị thay thế bằng những loại kém hơn” - Suryo Bambang Sulisto, chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia, khẳng định.

771008_small_69062.jpg

Hàng chục chiếc xe rơi xuống nước khi cây cầu dài nhất Indonesia ở Kutai Kartanegara bị sập - Ảnh: Reuters 

Theo báo Jakarta Post, ngày 26-11 cây cầu Mahakam II bắc qua sông Mahakam thuộc vùng Kutai Kartanegara, tỉnh Đông Kalimantan bất ngờ bị sập vào giờ cao điểm làm hàng chục chiếc xe đang lưu thông rơi xuống nước. Hơn 20 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Cây cầu dài 720m, nối liền hai thành phố Tenggarong và Samarinda, đi vào hoạt động cách đây 10 năm.
 
“Chắc chắn có sai phạm bởi cây cầu còn rất mới”, một nguồn tin cảnh sát khẳng định trên tờ Jakarta Globe. Ngay sau tai nạn, các quan chức Indonesia đã yêu cầu lập tức thanh tra toàn bộ các cây cầu lớn trên toàn quốc. Chỉ riêng ở Tây Java đã phát hiện chín cây cầu “có vấn đề”.
Nạn rút ruột các công trình phổ biến một cách đáng lo ngại ở mọi cấp dự án tại Indonesia. Theo Ủy ban chống tham nhũng Indonesia, 40% tiền đầu tư vào các dự án chính phủ đã bị giới quan chức ăn chặn và 70% các hợp đồng chính phủ đều có dính líu đến tham nhũng. Ngân hàng Thế giới ước tính tham nhũng làm tăng chi phí các dự án lên thêm 20%. Để bù đắp chi phí, các nhà thầu thường chọn các vật liệu rẻ tiền.
 
Không chỉ đe dọa đến sinh mạng con người, hệ thống cơ sở hạ tầng kém cũng là nguyên nhân đẩy phí vận chuyển lên cao kinh khủng ở Indonesia, có thể chiếm đến 15% chi phí sản xuất. Các công ty làm ăn ở Indonesia thường phải tự xây dựng cầu, đường... Vận chuyển khó khăn cũng có thể đẩy giá một bao ximăng 50kg từ mức 9 USD ở Jakarta lên đến 130 USD ở các vùng xa.


Theo Tuổi trẻ