Vụ lật xe gỗ thảm khốc khiến 10 người chết, 7 người bị thương tại bản Tông xã Bình Chuẩn, Con Cuông đã bị đưa ra ánh sáng. Kẻ tham gia tiếp tay đắc lực cho hoạt động phá rừng, vận chuyển gỗ lậu lại chính là những cán bộ kiểm lâm. Những tưởng sau vụ đó rừng Nghệ An sẽ yên bình, nào ngờ hoạt động chặt phá rừng trái phép, vận chuyển gỗ lậu lại càng trắng trợn hơn. PV Báo Nghệ An đã xuyên sâu vào những cánh rừng nguyên sinh ở đầu nguồn biên giới Việt - Lào từ Thông Thụ - Quế Phong, Thanh Thuỷ - Thanh Chương, Xiêng My - Tương Dương… “cận cảnh” hình ảnh “lâm tặc” đang ngày đêm “làm thịt” những cánh rừng không thương tiếc. Rồi bằng những “xẻ thuật”, các loại gỗ quý hiếm đều “không cánh mà bay” trót lọt về xuôi…
Kỳ I: THÔNG THỤ - QUẾ PHONG
Những cánh rừng ngày đêm bị tàn phá
(Baonghean) - Từng đàn trâu nối đuôi nhau lầm lũi kéo gỗ trong bóng đêm, “lâm tặc” mang theo đồ nghề vào đại ngàn thi nhau đốn hạ gỗ rừng quý hiếm, trong khi chẳng thấy bóng dáng kiểm lâm. Đó là những gì mà chúng tôi “mắt thấy, tai nghe” ở vùng rừng nguyên sinh đầu nguồn Huồi Tang, giáp ranh với biên giới Việt - Lào xã Thông Thụ - Quế Phong.
Đột nhập Huồi Tang
Để đột nhập vào Huồi Tang không hề đơn giản chút nào, có 3 người dân “thổ địa” đã từng nhận lời dẫn chúng tôi vào đại ngàn Huồi Tang, nhưng cuối cùng lại từ chối, vì họ sợ bị “lâm tặc” trả thù. Phải đến lần thứ tư, Vi Văn K một người dân ở bản Mường Piệt –Thông Thụ mới đồng ý dẫn chúng tôi vào rừng nhưng với điều kiện phải cải trang thành dân đi mua trâu chọi để vượt qua các “cửa ải” kiểm soát của “lâm tặc”. K cho biết: Ở Huồi Tang “lâm tặc” đốn hạ gỗ rừng cả ngày lẫn đêm, muốn tiếp cận tuyệt đối phải cẩn thận, nếu không muốn ăn đạn “hoa cải”. 3h sáng, K bí mật dẫn chúng tôi lên đường đi tìm sự thật trong dãy rừng già thâm nghiêm, chỉ với hành trang cần thiết như nước, lương khô và máy ghi âm, máy ảnh nhỏ được dấu trong tay nải.
Vượt qua dòng Nậm Piệt rồi đến khe Huồi Tang, qua ánh đèn pin lờ mờ là gặp ngay một lối mòn dẫn lên núi, phía bên kia ngọn núi là bản Nậm Táy của Lào. Cả một vùng rừng tối om, gió thông thốc thổi se lạnh. Dốc dựng ngược trời, chúng tôi phải chống cây gậy nứa vót nhọn nhích từng bước nặng nhọc, đầu các ngón chân phồng rộp, rơm rớm máu. Trời mờ sáng lộ dần ra con đường khoét núi của “lâm tặc” ngoằn nghèo xuyên qua những cánh rừng đại ngàn, cứ y như giao thông hào thời chiến tranh. Con đường nhiều đoạn chỉ là những rãnh sâu trơn trượt, chi chít dấu chân trâu, họ đóng cọc tre và gỗ dọc ven đường để ngăn cho những khúc gỗ khi trâu kéo không bị lăn xuống vực thẳm. K chỉ tay nói: "Tại vùng rừng này có cả trên chục con đường kéo gỗ như “ma trận”, rất dễ bị lạc đường. Dọc đường đi chúng tôi thấy từng tốp khoảng gần 10 người, lỉnh kỉnh mang theo cưa xăng, can nhựa kèm theo đồ ăn, thức uống cứ theo đường trâu kéo gỗ thẳng tiến vào rừng. Trong đó có cả những phụ nữ và trẻ em từ 13-15 tuổi.
Gỗ lậu tập kết giữa rừng.
Đang lê những bước chân nặng nhọc thì nghe thấy tiếng quát tháo ầm ĩ. Phía trước là cả một đoàn trâu hơn 10 con, đen có, trắng có đang phì phò rướn mình, oằn lưng, kéo gỗ. Phía sau là những thanh niên dùng roi và que nứa quất không thương tiếc mỗi khi trâu vượt dốc. Đi sâu vào một đoạn nữa chúng tôi lại bắt gặp 7 con trâu kéo gỗ đang nghỉ tại một lán trại. K thì thầm: Đây là lán trại nghỉ ngơi của “lâm tặc”. Chúng tôi thấy có một người đàn ông trung niên đang đỏ lửa nấu cơm, có cả rượu và thịt lợn nướng treo bên vách phên. Phía trong lán có khá nhiều cưa xăng và can nhựa đựng đầy ắp xăng để phục vụ cho cưa đốn gỗ. “Lâm tặc” ăn uống no say rồi lại quát tháo trâu lên đường, trong tốp 7 con trâu ấy, con đi sau cùng gầy còm ốm yếu bỗng quỵ xuống vì khúc gỗ tròn quá nặng. Chủ nhân dùng cả cây gậy gỗ phang tới tấp khiến nó hoảng hốt dùng sức lực cuối cùng giật phăng cây gỗ đang mắc vào phiến đá nhô lên giữa rãnh đường rồi gục xuống. K kể: Thường mỗi chuyến trâu chỉ kéo được khoảng “2 tấc” gỗ, mỗi ngày kéo 2-3 chuyến, nếu con nào có biểu hiện ốm yếu là thịt ngay hoặc bán cho dưới xuôi. Ở Thông Thụ, để tìm ra những con bò là rất khó, người dân khắp các làng bản chủ yếu nuôi trâu béo khoẻ để phục vụ cho việc kéo gỗ lậu. Ngay từ khi những con nghé đang tuổi trưởng thành đã được dân bản huấn luyện vào rừng kéo những cây gỗ nhỏ.
Một điều khiến chúng tôi rất ngạc nhiên là, tại một số vùng rừng khai thác gỗ lậu, khi vận chuyển gỗ bằng trâu thì phải có sự “cảnh giới” an toàn mới vận chuyển. Nhưng tại Huồi Tang thì người ta rủ nhau í ới, quát tháo, đánh đập trâu chở gỗ náo loạn cả một miền rừng mà chẳng thấy bóng kiểm lâm. Thậm chí, ngay như "lâm tặc" làm cả các lán trại cố định nghỉ ngơi dọc đường, đem theo lương thực, nuôi cả lợn để làm thịt thì chứng tỏ không có sự kiểm tra của các ngành liên quan, đặc biệt là cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Thông Thụ, phải chăng họ không biết chuyện này ?
“Phanh thây” gỗ quý
Tiếp tục bám theo con đường trâu kéo gỗ nhẵn thín như sân xi măng dài hun hút, cuối cùng chúng tôi cũng đến được vùng lõi của rừng già. Nắng bỗng loá trên lưng núi, để lộ cả một vùng rừng nhôm nhoam đang bị tàn phá. Giữa rừng già, chúng tôi nghe những âm thanh rít lên xoèn xoẹt của những cỗ máy cưa ăn xăng pha nhớt. Tiếng những cây rừng chuyển mình gãy răng rắc, và tiếng chim non mất tổ kêu lên thảm thiết. Trước mặt chúng tôi hiện ra khung cảnh một “công trường” khai thác gỗ lậu thật nhộn nhịp. Hàng chục người trên tay lăm lăm cưa xăng sáng loáng đang triệt hạ những cây gỗ quý không thương tiếc. Chỉ một loáng, bao nhiêu là những pơmu, dổi, sến, táu… với đường kính từ 1-1,5m đã bị “lâm tặc” đốn hạ sõng soài nằm chồng gối lên nhau. Gốc và thân những cây gỗ quý vừa bị cưa bật ứa nhựa đỏ sẫm như “dòng máu”. "Lâm tặc" lại dùng cưa xăng xoèn xoẹt phanh thây “xẻ thịt” thân cây ra thành đủ loại, nào bìa làm phản, nào những tấm gỗ vuông thành sắc cạnh. Rồi cơ man là những cột gỗ được đẽo theo “đơn” đặt hàng để làm nhà sàn. Tất cả gỗ cưa xẻ đầu đều được vót nhọn xuyên những thanh sắt chờ trâu kéo về bãi tập kết.
Những cây gỗ lớn bị đốn hạ chưa kịp vận chuyển.
Muỗi và ruồi vàng nơi rừng già bay túa ra như ong vỡ tổ, nhiều "lâm tặc" vẫn đánh trần xẻ gỗ. Tôi giơ máy chụp lén đoàn trâu khốn khổ đang kéo gỗ thì có 2 "lâm tặc" dùng cưa xăng dài như đòn gánh lao tới. Một trong hai tên râu quai nón tướng mạo dữ dằn giằng lấy máy ảnh rồi lớn tiếng: “Mi muốn ăn đầu đạn à mà chụp ảnh?” K hoảng hốt thông cảm với “lâm tặc”: “Mấy người ni tui dẫn vô coi mua trâu chọi đó”. Một tên quắc mắt bắt tôi phải xoá hết những tấm hình trong máy rồi khoát tay chửi rủa. Chúng tôi rệu rã xuống núi, đoạn đường này thấy rất nhiều cây gỗ lớn đều bị người ta dùng dao làm dấu. K cho hay: Cây nào đã bị làm dấu thì không ai dám chặt hạ, sẽ thuộc về người làm dấu đầu tiên, vì tất cả đã chia phần. Tuy nhiên, cũng có vụ do tranh chấp “lãnh địa” của nhau nên cũng đã xảy ra ẩu đả. Thế mới biết lâm tặc ngang ngược đến mức nào.
Chúng tôi vẫn tiếp tục bám theo đoàn trâu kéo gỗ để tìm “bãi đáp” gỗ của “lâm tặc”. Dọc gần đến bìa rừng, tôi thấy cơ man là gỗ tròn, gỗ xẻ được tập kết đầy rẫy dọc dòng khe Nậm Piệt. Có tốp cho trâu kéo gỗ vào tập kết ngang nhiên tại bản Nậm Piệt. Hoặc dân bản chọn những con trâu khoẻ cho kéo gỗ vượt qua những đỉnh núi hiểm trở lao gỗ xuống vách núi bên con đường nhựa lên cửa khẩu Thông Thụ. Dọc con đường này có khá nhiều điểm vách núi bị lở loét, chi chít là những vết lằn lao gỗ từ trên xuống. Những đống gỗ tròn, gỗ xẻ tấp ngổn ngang trắng trợn bên đường đang chờ đưa về xuôi.
dễ dàng lọt trạm chốt
Một điều đáng ngạc nhiên là ngay tại địa bàn xã Thông Thụ có 2 điểm chốt của bộ đội biên phòng, 1 trạm chốt của Kiểm lâm Quế Phong ngay ngã ba xã Đồng Văn. Tuy nhiên, gỗ lậu vẫn trót lọt một cách dễ dàng. Minh chứng cho điều này là khoảng từ 6 giờ chiều, từng đoàn xe máy chở gỗ lậu lao như tên bắn dọc tuyến đường từ Cửa khẩu Thông Thụ về đến Phú Phương như giữa chốn không người. Khi màn đêm buông xuống, lượng xe máy chở gỗ lậu lao ra càng nhiều. Một người dân ở Thông Thụ cho hay: Trời tối thì tốt nhất không nên đi trên cung đường gỗ lậu này, vì rất dễ mất mạng, xe chở gỗ chạy liều, chạy ẩu, chạy càng nhanh càng được nhiều chuyến. Trong vai những người đi mua gỗ, khoảng 10 giờ đêm chúng tôi lân la tại các điểm tập kết gỗ, tại địa bàn xã Thông Thụ, Đồng Văn… thấy xe máy đang hối hả “ăn” hàng, trong đó có cả xe ô tô. Qua tìm hiểu được biết, những ô tô này cũng dễ lọt các trạm chốt là vì có lý do chở gỗ tận thu về làm nhà cho các khu tái định cư Thuỷ điện Hủa Na. Tôi hỏi mua gỗ về làm nhà sàn thì một đối tượng nói ngay: Cần mua bao nhiêu có hết. Ông ta rút thủ tục “Bảng kê chi tiết gỗ và đồ mộc chưa hoàn chỉnh, đơn vận chuyển nhà và lâm sản của hộ gia đình và cá nhân”. Trong đó có tên gỗ, dài rộng, dày, thanh, tấm… Thủ tục này có xác nhận của UBND xã, lâm nghiệp xã, kiểm lâm địa bàn và chủ lâm sản. Qua điều tra được biết: Nhiều dân bản đã bị các “lâm tặc” lợi dụng kẽ hở này nên “đồng loã” vận chuyển lẫn lộn cả gỗ tận thu di dời tái định cư và gỗ lậu trên xe ô tô trót lọt. Theo một “lâm tặc” tiết lộ: Nếu mua tại cửa rừng và tự đưa xe lên chở thì 1m3 gỗ dổi, táu giá 7 triệu đồng.
Chúng tôi lao cùng xe máy chở gỗ lậu trên cung đường cửa khẩu để tìm điểm tập kết và thấy trạm chốt ở Đồng Văn vắng hoe, xe máy ngang nhiên đi lại. Các xe này sau khi lọt qua các trạm về đến Phú Phương thì di tản vào các làng bản chủ yếu 2 bên đường QL 48. Loại gỗ này thường được xẻ hộp dài từ 1-2m, được nhét vào xe khách nguỵ trang đưa về xuôi. Theo một người dân địa phương bật mí: Chở xe máy chỉ là làm ăn nhỏ, anh coi những phiến gỗ lớn người ta sử dụng làm phản, cột gỗ làm nhà sàn cũng đều trót lọt được trên cung đường này bằng vận chuyển ô tô tải. Còn “đầu nậu” gỗ thì có một số ở Thị trấn Quế Phong và TP Vinh đưa xe lên vận chuyển. Có “đầu nậu” thì lại đi theo cách là thuê dân bản vào rừng chặt gỗ rồi đóng thành nhà sàn để đưa về xuôi. Rong ruổi sang xã Hạnh Dịch thấy những ngôi nhà sàn mới dựng đang được người ta rao bán. Một dân bản ở Hạnh Dịch nói thẳng với chúng tôi: Nếu anh chồng tiền đặt cọc thì chúng tôi sẽ vào Mường Đán chặt cột gỗ Pơ Mu theo yêu cầu …
Rời Huồi Tang, trên đường về tôi vẫn như nghe dội bước chân trâu đang thậm thịch kéo gỗ xuyên rừng. Những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi đang bị tàn sát. Rừng Quế Phong đang kêu cứu.
(Còn nữa)