(Baonghean) - Cũng như nhiều địa phương khác, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương đang đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Điều mà người dân cũng như cán bộ địa phương nơi này ghi nhận là nhờ đọc báo đảng nên biết được những tấm gương tiêu biểu hiến đất làm đường, cách thức xây dựng NTM ở các nơi để rút kinh nghiệm, học tập và làm theo.

Con đường nội thôn ở bản Lau, xã Thạch Giám được mở rộng 6m. Từ ngày con đường được mở rộng, đồng bào trong bản đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Có được thành công đó là sự đóng góp của nhân dân. Trong đó, gia đình anh Xã Văn Vương là một điển hình đi đầu trong phong trào xây dựng NTM. Khi có chủ trương mở đường, gia đình anh đã tự nguyện hiến 500m2 đất làm đường giao thông. “Tôi đọc báo Nghệ An, xem tivi, nghe đài thấy tuyên truyền về phong trào xây dựng NTM rất rầm rộ, tôi nhận thức được chương trình này rất có ý nghĩa với nông dân nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số như chúng tôi. Để phong trào thành công cần huy động nội lực sức dân cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Tôi đọc báo thấy có rất nhiều tấm gương, họ là những người nông dân, đất đai là tài sản vô cùng quý giá nhưng khi Nhà nước cần mở đường hay xây dựng công trình dân sinh họ đã hiến hàng nghìn m2 đất mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Tôi rất cảm phục họ. Khi xã thông báo chủ trương mở đường, tôi đã tự nguyện hiến đất. Có con đường mới nên mọi việc đi lại của dân bản thuận lợi rất nhiều. Tôi thấy vui vì mình đã làm được điều có ý nghĩa”.

778765_small_78152.jpg

Đường nội thôn bản Lau xã Thạch Giám đã được mở rộng, nâng cấp
nhờ sức dân.

Là 1 trong 2 địa phương được huyện Tương Dương chọn làm điểm xây dựng NTM, xã Thạch Giám đang tích cực tìm ra những hướng đi phù hợp với điều kiện của địa phương để phát triển bền vững. Sau  khi có chủ trương xây dựng NTM, xã tổ chức họp cán bộ xã, bí thư, trưởng bản các ngành, đoàn thể giao nhiệm vụ cụ thể. Trước hết, xã xác định giao thông đi trước một bước. Toàn xã có 9/9 bản triển khai quy hoạch đường nội thôn, đường chính rộng 6m. Chủ trương được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, qua nhiều cuộc họp, các chi bộ, cán bộ xã đã minh chứng sống động cho đồng bào hiểu chủ trương của Nhà nước qua những bài đăng trên báo Nghệ An về kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh; các tiêu chí được công nhận xã đạt chuẩn NTM, đặc biệt là phong trào đang triển khai ở các địa phương, các điển hình tiên tiến trong phong trào này…, khơi dậy tinh thần phát huy nguồn lực trong nhân dân. Ông Vi  Xuân Quyết - Chủ tịch xã Thạch Giám cho biết: “Đây được đánh giá là một hình thức tuyên truyền có hiệu quả “mắt thấy tai nghe”, cách thức đi vào lòng dân, tạo niềm tin cho người dân về phong trào xây dựng NTM. Qua đó, nhiều người dân học tập nhau làm nhiều việc vì tập thể như hiến đất, hiến cây, tham gia tích cực hỗ trợ về ngày công mà không tính toán”.
 
Từ 1 hộ, 2 hộ đến các bản học tập nhau tạo nên sức lan tỏa rộng lớn trên toàn xã. Nhân dân đóng góp ngày công, cát sỏi, đá xây dựng đường giao thông, đồng thời vận động các doanh nghiệp đang đầu tư ở địa bàn hỗ trợ về máy móc, vật liệu như doanh nghiệp Phúc Đức, doanh nghiệp Thanh Lệ... Trước đây, đường vào bản Chắn rất hẹp, ngoằn ngoèo vì nhiều hộ dân làm bờ rào lấn chiếm, trời mưa thì đường lầy lội, nhưng khi có chủ trương xây dựng NTM, nhiều hộ đã hiến cây, hiến đất, nay đường vào bản đã được mở rộng, người dân đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Anh Lô Văn Thương ở bản Chắn cho biết: “Chúng tôi đọc báo đảng thấy nhiều hộ dân ở Anh Sơn, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu đến TP Vinh… đều hiến đất cho nhà nước làm đường, làm công trình phục vụ dân sinh. Điều đó cho thấy xã hội có nhiều người tốt, họ luôn trăn trở cho sự phát triển chung. Thạch Giám chúng tôi là địa phương ở miền núi còn nghèo, nhưng chúng tôi học tập các đơn vị khác, chúng tôi phải gương mẫu đi đầu để xứng đáng với đơn vị được chọn làm điểm của huyện Tương Dương về xây dựng NTM. Tôi thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Nếu chúng ta mỗi người có ý thức xây dựng quê hương đất nước, mỗi người góp một chút công sức của mình thì sẽ tạo thành sức mạnh to lớn, mọi việc dù khó cũng có thể thành công”.
 
Bên cạnh việc học tập các gương điển hình về hiến đất làm đường giao thông, đồng bào Thạch Giám còn đọc báo tích lũy kinh nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế mới.  Xã Thạch Giám tập trung đầu tư, duy trì phát triển các mô hình kinh tế đã có, như mô hình chăn nuôi lợn đen ở bản Phòng, bản Mác, bản Lau, bản Chắn; dự án rau sạch ở bản Phòng, phát triển nuôi trâu bò ở bản Khe Chi, bản Thạch Dương, bản Lau, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm cho người dân. Theo cách đầu tư của xã là chọn những giống cây, giống con phù hợp với nhận thức, kinh nghiệm, tay nghề của 90% người dân nông nghiệp, nhưng phải mang tính bền vững. Tính đến nay, trên toàn xã đã có hơn 10 mô hình phát triển kinh tế điểm, với tổng số vốn đầu tư là 730 triệu đồng.
 
Là xã nghèo của huyện Tương Dương, có 3 dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú sinh sống ở 9 bản làng, với điều kiện tự nhiên ruộng nước và đất bằng ít, diện tích đồi núi, khe suối chiếm tỷ lệ cao, để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới với Thanh Giám là rất khó. Nhưng bà con đã và đang vận dụng nhiều phương pháp, trong đó học tập và làm theo báo đảng để phát huy nội lực từ sức dân, từng bước thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, đưa xã ngày càng phát triển, đặc biệt là nâng cao đời sống bà con.


Lê Thanh