(Baonghean.vn) - Về xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí hối hả, nhộn nhịp của bà con ngư dân trong mùa vụ đánh bắt hải sản.

 

Sau bão số 2, những chiếc tàu lớn đang được neo đậu để chỉnh tu, sửa chữa và chuẩn bị ngư cụ, lương thực, thực phẩm chờ ít ngày nữa sẽ ra khơi. Còn những chiếc tàu nhỏ hàng đêm vẫn ra lộng để câu mực, đánh cá và đem về một nguồn thu đáng kể.

 

Sáng sớm tinh mơ, chiếc tàu nhỏ của anh Nguyên Văn Tuấn ở thôn Quyết Tiến (Quỳnh Lập) cập bến. Dù còn mệt mỏi sau một đêm mưu sinh trên biển nhưng mọi người trên tàu đều vui, vì cá và mực đêm qua được khá nhiều. Số lượng hải sản ấy vừa được chuyển lên bờ đã có người tìm đến tận nơi để thu mua toàn bộ. Sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên trên tàu anh Tuấn được chia số tiền gần 400.000 đồng. Cùng với tàu anh Tuấn, hàng chục chiếc tàu khác của bà con ngư dân Quỳnh Lập lần lượt cập bến. Cảnh mua bán, trao đổi diễn ra trên bến thuyền mỗi lúc một nhộn nhịp.

798001_small_99816.jpg

Tàu neo đậu tại cảng Quỳnh Lập để tập kết và vận chuyển cá lên bờ bằng băng chuyền.


 

Trên chiếc thuyền lớn đang được neo giữa cảng, anh Nguyễn Văn Hướng đang tranh thủ khâu lại mấy tấm lưới và kiểm tra lại hệ thống đèn cao áp. Qua chuyện trò, chúng tôi được biết còn tàu này anh vừa mua chưa đầy 1 năm, giá trị lên tới gần 2,5 tỷ đồng. Tàu anh có 14 thuyền viên, chuyến ra khơi đánh bắt vừa rồi sản lượng thu được tương đối lớn. Trừ các khoản chi phí, mỗi người thu về được hơn 3 triệu đồng. Thời điểm “nghỉ trăng”, mọi người được nghỉ ngơi, dưỡng sức để ít ngày nữa lại ra khơi.

 

Anh Hướng cho biết: khoảng 5 năm trở về trước, bà con ngư dân Quỳnh Lập chủ yếu dùng thuyền nhỏ và thô sơ để ra biển đánh bắt thủy hải sản. Do hạn chế về công suất và độ bền của phương tiện đánh bắt nên bà con không dám vươn khơi, chỉ khai thác cách bờ khoảng trên dưới 10 hải lý. Điều này dẫn đến năng suất và sản lượng khai thác thường rất thấp, lại thường xuyên đối mặt với rủi ro. Vì vậy, sống gần biển, nguồn lợi thủy hải sản dồi dào nhưng đời sống người dân Quỳnh Lập vẫn nghèo khó. Mấy năm gần đây, nhờ đổi mới cung cách làm ăn, bà con đã mạnh dạn vay vốn và góp vốn để mua sắm tàu công suất lớn, hiện đại và cải tiến ngư cụ nên năng suất và sản lượng thủy hải sản đã tăng lên rõ rệt.

 

Đời sống bà con ngư dân đã được cải thiện, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà kiên cố khang trang và sắm sửa các tiện nghi phục vụ sinh hoạt. Tích lũy được nguồn vốn, bà con tiếp tục đầu tư mua sắm tàu thuyền hiện đại để nâng cao hiệu quả đánh bắt, khai thác thủy hải sản. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn xã Quỳnh Lập đã có khoảng 150 chiếc tàu công suất lớn (trị giá trên 2 tỷ đồng) và chưa kể hàng trăm chiếc tàu nhỏ khác.




                                         Cá được xử lý sạch khi vào kho.


 

Cùng với việc đầu tư hệ thống tàu thuyền phục vụ đánh bắt, các cơ sở chế biến hải sản ở Quỳnh Lập cũng đang được đầu tư và bước đầu mang lại hiệu quả. Dọc bãi biển đã xuất hiện 3-4 cơ sở chế biến hải sản, chủ yếu là chế biến cá khô và cá bột. Chúng tôi vào tham quan cơ sở chế biến cá khô (chủ yếu là cá cơm) của anh Lê Văn Châu. Cá được phân loại ngay trên tàu rồi mới tập kết về bến. Từ dưới bến, cá được vận chuyển vào kho bằng băng chuyền. Tại đây, sau khi được rửa sạch, cá được cho vào máy hấp kỹ, sau đó đem phơi. Khi đã khô khén, cá được đóng gói cẩn thận để các đối tác đến vận chuyển đến các địa phương trong và ngoài tỉnh tiêu thụ.




                                    Phơi cá khô.
 

Anh Lê Văn Châu cho biết, để hoàn thành dây chuyền chế biến cá này, anh đã huy động vốn từ anh em, bạn bè và vay ngân hàng với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Địa điểm này trước đây là bãi sình lầy, anh phải thuê máy hút cát, xây kè để xây dựng cơ sở chế biến. Rồi tiền đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, đào tạo công nhân vận hành... Hiện tại, cơ sở chế biến của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 60 nhân công với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Vì thế, trước đây phụ nữ Quỳnh Lập thường vào miền Nam làm công nhân hoặc xuất khẩu lao động nhưng nay hầu hết đều đã “bám” quê để làm ăn, sinh sống.

 

Từ bãi biển Quỳnh Lập, nhìn ra là cảnh tàu thuyền neo đậu san sát, cảnh buôn bán tấp nập, đông vui; nhìn vào làng là cảnh nhà cửa khang trang, sầm uất chạy men theo sườn núi. Nhờ bám biển và đổi mới cung cách làm ăn, cuộc sống người dân ở Quỳnh Lập đang từng ngày đi lên.


Tường Anh
;
Các tin khác
.
.