(Baonghean) -Những năm gần đây, Quỳnh Lưu được xem là địa phương nuôi ngao nhiều nhất tỉnh với diện tích 120 ha, hàng năm sản lượng ngao xuất ra thị trường khoảng hơn 4.000 tấn. Nhưng thời điểm này, nhiều hộ nuôi đang đứng ngồi không yên vì ngao rớt giá mạnh, trong khi vẫn còn hàng nghìn tấn chưa thu hoạch, đồng vốn chưa được thu hồi...
Anh Nguyễn Văn Nam - Xóm trưởng xóm 1, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) cho biết: "Vụ nuôi 2011 - 2012, năng suất ngao của các hộ nuôi ở đây đều đạt từ 25 - 30 tấn/ha (tùy theo mật độ thả con giống), đến vụ thu hoạch, hầu hết sản lượng ngao được thương lái về tận bãi thu mua với giá 25.000 - 28.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, thu lời khoảng 150 triệu đồng/ha. Đến vụ nuôi 2012 - 2013, tôi vay thêm tiền ngân hàng và anh em, đầu tư gần 2 tỷ đồng cải tạo bãi bồi, mua giống nuôi 2 ha. Vậy mà khi thu hoạch giá giảm mạnh, chỉ còn 14.000 đồng/kg loại 67 con/kg và 12.500 đồng loại 73 con/kg, nhưng cũng không có người mua. Hiện tại tôi còn gần 100 tấn ngao thịt đang bị “tắc” đầu ra. Chưa kể gần 8 tấn ngao giống ương nuôi trên 1,8 ha mới từ tháng 3/2013 đã bị chết một cách bất thường, nên tôi phải thuê 20 công nhân lọc chọn con sống gửi đi "lánh nạn" nhà bà con tận mãi Nam Định. Gia đình đang đứng trước nguy cơ nợ nần chồng chất".
Vùng bãi triều nuôi ngao xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu.
Theo ông Trần Ngọc Hoàng (xã Quỳnh Thuận) - là người khởi xướng đưa con ngao trắng Bến Tre về nuôi trên đất Quỳnh Lưu từ năm 2001 thì: "Trước đây, nghề nuôi ngao ở Quỳnh Lưu đòi hỏi chi phí lớn về giống vì phải nhập từ tỉnh Bến Tre về, thông thường thả 1ha ngao giống chi phí khoảng 200 triệu đồng (tùy mật độ thả, kích cỡ con giống); tuy nhiên, trong quá trình nuôi, ngao không phải chăm sóc, cho ăn nên bà con vẫn có lãi. Qua nhiều vụ, người dân đã biết cách ương nuôi ngay tại biển quê mình, do đó, chi phí về giống đã giảm, thu nhập ngày càng tăng.
Nhưng từ cuối năm 2012 đến nay, thị trường tiêu thụ ngao Trung Quốc đột ngột đóng cửa, thương lái không thu mua ngao số lượng lớn, bà con chủ yếu tiêu thụ lẻ. Hiện tôi đang ương nuôi ngao giống và ngao thịt trên diện tích 36 ha tại 3 bãi trên đất Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận và Sơn Hải. Riêng ngao thịt tôi còn tồn đọng hơn 700 tấn chưa có đầu ra”. Chị Nguyễn Thị Chung (ở xóm 4 - xã Sơn Hải), thuê 4 ha bãi triều tại xã An Hòa nuôi 4 ha ngao từ năm 2010 cũng cho hay: "Năm nay đầu ra lâm vào bế tắc, từ đầu năm đến giờ tôi mới chỉ xuất bán được 1/3 sản lượng, hiện vẫn còn hơn 100 tấn cả to lẫn nhỏ "ngâm" dưới cát. Vụ nuôi 2013 - 2014 tôi mới chỉ dám thả hơn 1 tạ ngao giống kích cỡ 10 vạn con/kg thuê sang bãi triều Quỳnh Thuận để gối vụ. Đã chuẩn bị đến mùa mưa bão, nếu không giải phóng hết số ngao ứ đọng, nước từ cửa sông ra bãi triều cuốn theo lượng lớn phù sa phủ kín diện tích nuôi. Nguy cơ ngao mất trắng là điều khó tránh khỏi".
Theo những hộ nuôi ngao Quỳnh Lưu, nguyên nhân giá ngao thịt rớt mạnh là do nguồn tiêu thụ đi vào miền Nam và lên biên giới phía Bắc (xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch) giảm mạnh trong thời gian gần đây. Bà Nguyễn Thị Lộc (ở xã Quỳnh Thuận) - một tư thương chuyên thu gom ngao cho biết: "Mọi năm, thời điểm này mỗi ngày cơ sở của tôi xuất bán hàng chục tấn ngao thịt để đưa đi Hải Phòng, Sài Gòn và Trung Quốc. Nhưng năm nay các tư thương đầu mối nhập hàng không thấy liên hệ về địa phương "ăn hàng".
Bước sang vụ mùa 2013 mỗi ngày cũng chỉ có vài ba thương lái đến thu mua với số lượng nhỏ giọt để nhập cho các nhà hàng trên địa bàn trong tỉnh". Chị Hoàng Thị Bích - một thương lái chuyên thu mua ngao ở xóm 2 xã Sơn Hải cũng cho hay: "Các năm trước cơ sở của chúng tôi thu mua 10 - 12 tấn ngao/ngày, nhưng vụ ngao này nhu cầu thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh nên chỉ dám nhập 1 tấn/ngày. Năm nay Trung Quốc lại đưa ra yêu cầu chỉ nhập loại ngao 70 con/kg và cũng chỉ mua với số lượng nhỏ giọt. Điều này cũng đồng nghĩa là các loại ngao to và nhỏ hơn kích cỡ trên đành chịu ế ẩm "...
Ngoài việc vụ nuôi 2012 - 2013 giá ngao xuống thấp kỷ lục, các hộ nuôi ngao đang phải đối mặt với một khó khăn khác, đó là tình trạng ngao chết nhiều một cách bất thường. "Từ trước tới nay, năm nào ở vùng nuôi cũng có gặp chuyện ngao chết, nhất là vào thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, tỷ lệ ngao chết nhiều lắm cũng chỉ khoảng 30% tổng sản lượng. Nhưng vụ nuôi 2013, cả 2 bãi triều tôi nhận khoán ở xã Quỳnh Thuận và Sơn Hải đều bị chết, tính trung bình 1m2 chết khoảng 300 con. Năm nay chắc chắn lỗ to”. - anh Nguyễn Văn Nam - người nuôi ngao cho biết như thế.
Đa số các ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính khiến ngao chết nhiều vừa qua do nguồn nước bị ô nhiễm, có lúc nước đen như bồ hóng, hoặc vàng màu chè xanh, cộng với việc mật độ nuôi ngày càng nhiều khiến ngao thiếu không gian sống, thiếu nguồn thức ăn. Tổng hợp hai yếu tố trên dẫn đến sức đề kháng của ngao bị giảm đáng kể. Đợt nắng nóng bất thường vừa qua cũng là nguyên nhân dẫn đến ngao chết hàng loạt với tỷ lệ lớn. Ở những bãi cao, lượng ngao chết nhiều hơn, được lý giải do nguyên nhân sống lộ thiên trong môi trường nắng nóng, đến đêm nhiệt độ thấp.
Trao đổi với ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, được biết: Sơn Hải có 1km bờ biển và khoảng 100 ha vùng bãi triều, nghề nuôi ngao đang trở thành thế mạnh của xã với tổng diện tích đang nuôi 50 ha. Ngoài diện tích cho các hộ nhận khoán, xã còn khoảng 30 ha để cho bà con khai thác ngao tự nhiên. Trường hợp mất mùa do thiên tai thì có thể miễn giảm thuế quỹ cho các chủ hộ nuôi ngao. Các năm vừa qua, ngao là đối tượng nuôi có lợi nhuận cao, riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, năng suất nuôi bình quân đạt khoảng 30 tấn/ha, chủ đồng ngao có lãi từ 150 - 200 triệu đồng/ha.
Năm nay ngao rớt giá, không tiêu thụ được, ngoài yếu tố đầu ra không ổn định cũng một phần do nhiều hộ dân thấy nuôi ngao lãi lớn đã tự phát vay vốn, thuê bãi, đầu tư cải tạo nuôi ngao khi chưa nắm vững quy trình kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi, thả giống mật độ quá dày, gây ra tình trạng dịch bệnh, thua lỗ. Đối với những hộ có kinh nghiệm nuôi ngao đã thả giống làm nhiều đợt, thu hoạch ngao nhiều lần trong năm, tuân thủ quy trình kỹ thuật khi ngao rớt giá cũng không bị thua lỗ do không phải chi phí thức ăn... Hiện Sơn Hải đang còn trên 1.000 tấn ngao thương phẩm quá lứa tồn đọng trong các bãi nuôi chưa có đầu ra...
Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, hiện tổng diện tích nuôi ngao của huyện là 120 ha. Một lứa ngao (tùy theo ngao giống to hay nhỏ mà thời gian có thể là 1 năm hay trên 1 năm) nuôi năng suất bình quân đạt khoảng 30 tấn/ha. Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà nghề nuôi ngao mang lại cho nhiều người dân ven biển Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, những thiệt hại mà thực tế họ đang phải gánh chịu do ngao rớt giá, ế ẩm là thêm cảnh báo về sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch - một thị trường mang tính bấp bênh cao sẽ không thể đem lại sự phát triển bền vững về lâu dài không chỉ đối với con ngao ở Quỳnh Lưu.