Rét căm căm, nông dân Nghệ An xuyên đêm 'đón nước' làm vụ Xuân
(Baonghean.vn) - Dưới cái rét căm căm, người nông dân đã phải lặn lội trong đêm khuya, "đón nước" để làm đất, chuẩn bị gieo cấy vụ Xuân.
19/01/2022 - 06:39
Do thời gian gần đây mực nước sông Lam (đoạn dưới bara Đô Lương) xuống thấp, nên nhiều địa phương trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã không có đủ nước để gieo cấy khi vụ Xuân đã bắt đầu. Không thể để chậm so với lịch nông vụ, nhiều người đã phải kéo máy bơm từ nhà ra ruộng, tận dụng mọi nguồn nước sẵn có để cày bừa. Ảnh: Tiến Đông Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, xóm Thanh Phúc (xã Đại Đồng, Thanh Chương), năm nay làm 4 sào. Do chờ mãi không có nước từ hệ thống thủy lợi nên anh đã phải kéo ống, đưa máy bơm ra hút nước tại giếng làng xả vào ruộng. Ảnh: Tiến Đông Vụ Xuân năm nay toàn xã Đại Đồng gieo cấy khoảng 600ha, do mấy ngày gần đây nước sông Lam xuống thấp nên nhiều trạm bơm trên địa bàn xã này không thể hút nước để phục vụ sản xuất. Vì thế ngay khi có nước, nhiều người dân đã phải thuê máy cày, máy bừa để làm đất ngay trong đêm. Ảnh: Tiến Đông Vụ Xuân đã bắt đầu, nhiều nơi đã cấy xong trong khi mấy sào ruộng của gia đình mình chưa đủ nước khiến ông Ngô Phúc Bình, xóm Văn Thượng (xã Đại Đồng, Thanh Chương) vô cùng sốt ruột. Nếu không có nước thì không thể làm đất đã đành, khi cấy mạ xuống cũng dễ bị chết rét. Vì thế mà mấy ngày nay, đêm nào ông Bình cũng phải túc trực trên ruộng, chờ có nước là dẫn vào ruộng của gia đình ngay. Ảnh: Tiến Đông Việc đưa máy móc vào để làm đất đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng sức lao động cho người nông dân. Tuy nhiên, do diện tích lớn, trong khi số máy trên địa bàn có hạn nên nhiều hộ đã phải chờ đến đêm khuya mới tới lượt cày bừa cho gia đình mình. Ảnh: Tiến Đông Ông Lê Thế Quang, xóm Văn Thượng (xã Đại Đồng, Thanh Chương), đầu tư 2 chiếc máy cày có giá trị 300 và 400 triệu đồng cách đây hơn 1 năm. Ngoài việc làm đất cho hơn 1 mẫu ruộng của gia đình, ông còn cày thuê cho người dân trên địa bàn. Trung bình 2 máy của gia đình ông Quang mỗi ngày cày bừa được hơn 10 mẫu ruộng. Tuy nhiên, do nước về chậm, lại chỉ trong một thời gian ngắn nên cả 2 máy gần như không có thời gian ngơi nghỉ. Hướng ánh mắt theo ánh đèn máy cày lấp loáng trên ruộng, dưới cái rét 14 độ C, giọng ông Quang run run "bữa nay chắc cũng phải xuyên đêm mới xong kịp được cánh đồng này". Ảnh: Tiến Đông Dù đã huy động rất nhiều máy cày, máy bừa, tuy nhiên do thiếu nước nên vụ xuân năm nay, dự kiến nhiều địa phương trên địa bàn huyện Thanh Chương sẽ bị muộn hơn so với lịch nông vụ. Ảnh: Tiến Đông Không riêng gì xã Đại Đồng, các xã Thanh Đồng, Thanh Phong, Đồng Văn của huyện Thanh Chương, người dân cũng đang phải trắng đêm làm đất để gieo cấy kịp thời. Với 8.600 ha gieo cấy vụ xuân, huyện Thanh Chương đang hy vọng sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch đề ra và hạn chế thấp nhất việc phải bỏ hoang ruộng do thiếu nước. Ảnh: Tiến Đông