(Baonghean) - Về Quỳnh Lương một ngày đông, đang là mùa rau chính vụ, khắp các cánh đồng ngút ngát một màu xanh...

Làm giàu trên vùng đất cát


Rau, bạt ngàn rau với một màu xanh ngút mắt. Đó là cảm nhận đầu tiên của bất kỳ ai khi đến với Quỳnh Lương. Còn nhớ, cách đây chừng chục năm, lần đầu đến đây, tôi đã rất ngỡ ngàng trước hình ảnh những vòi phun tưới đồng loạt trên bạt ngàn rau xanh. Cách sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp hiếm hoi ở thời đó và vẫn rất ít kể cả bây giờ.

Năm 1998 được coi như cái mốc quan trọng khi chính quyền và người dân Quỳnh Lương chung sức, đồng lòng chuyển đổi đồng loạt diện tích trồng màu sang trồng rau các loại. Nhưng để nói, rau Quỳnh Lương xuất hiện từ bao giờ, thì lại phải ngược thời gian về những năm 70 của thế kỷ trước. Ngày đó, cả 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đều do Quỳnh Lương cung cấp giống rau, với đủ chủng loại phong phú, từ su hào, bắp cải, cà chua, đậu...

Cả một vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu dù không được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, nhưng những cánh đồng rau Quỳnh Lương vẫn xanh tốt 4 mùa. Lý giải về điều này, ông Hồ Cảnh Sáu- Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương chia sẻ: Đồng ở đây toàn đất cát, nhưng nhờ nguồn nước dồi dào từ lòng đất, kể cả những ngày nắng hạn khô cháy, ở đây chỉ cần đào 2- 4m là đã gặp ngay nguồn nước sạch, Quỳnh Lương có được yếu tố thuận lợi đầu tiên trong phát triển rau hàng hóa. Thế nhưng, để có được những thành quả như ngày hôm nay, phải khẳng định trước hết là nhờ yếu tố con người. Năm 1998, từ các nghị quyết chuyên đề của xã về chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, trên 240 ha đất của Quỳnh Lương đã diễn ra một cuộc ‘cách mạng” thực sự. Người dân dùng công nông, thậm chí cả xe bò lốp đi mua đất từ các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng..., dùng phân hữu cơ thay thế các loại phân hóa học để cải tạo chất lượng đất, xã cũng trích ngân sách hỗ trợ bà con xây dựng hệ thống mương thoát nước nội đồng. Nhắc lại những ngày đó, ông chủ tịch xã không giấu niềm tự hào: Trước khi có điện, bà con đã bỏ công đào giếng để tưới rau, tính bình quân một ngày mỗi lao động gánh khoảng 200 gánh nước, tương đương 7 tấn!

788033_small_88878.jpg

Cây rau đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho bà con nông dân Quỳnh Lương.

Từ năm 1994, người dân Quỳnh Lương đã kéo điện ra đồng, và đến những năm 2005- 2006, khi nguồn thu nhập từ rau đã khá cao và ổn định, phong trào xây dựng hệ thống điện để phục vụ tưới càng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, trên những cánh đồng rau, hệ thống đường điện đã cơ bản khép kín, với khoảng 4.000 cái giếng, vài nghìn máy bơm, trong dân có khoảng 700 máy phát điện, những ngày mất điện, tiếng máy nổ vang cả cánh đồng để tưới cho 180 ha rau. Cũng chính nhờ vậy, những ngày hè bỏng rát, đất khô nóng, đồng rau vẫn luôn xanh mướt, năng suất nhiều loại còn đạt cao hơn trong vụ thu đông. Người trồng rau tuy vất vả vì có khi phải tưới 4-5 lần/ngày, khâu chăm sóc cũng cầu kỳ hơn, nhưng bù lại, sâu bệnh ít và không lo bị nấm, sương muối như mùa đông, nhất là giá bán luôn ở mức rất cao do là rau trái vụ.

Rau... lên mạng và vào siêu thị

“Chỉ cần nhấp chuột vào địa chỉ www.quynhluong.gov.vn, khách hàng ở khắp nơi trong cả nước và trên thế giới đều có thể yên tâm giao dịch với nguồn cung cấp rau sạch, chất lượng cao, số lượng lớn”. Đó là lời khẳng định đầy tự hào và đã được chứng minh về sự chân thực qua nhiều năm của nông dân xã Quỳnh Lương. Từ năm 2000, thực hiện phong trào dồn điền đổi thửa, bà con đã mở rộng diện tích trồng rau lên 100ha. Cũng trong năm đó, làng rau Quỳnh Lương vinh dự đoạt giải Nhất cuộc thi Năng suất xanh (NSX) của tỉnh Nghệ An, năm 2003 tiếp tục đạt Giải C tại Hội thi giới thiệu sản phẩm rau an toàn toàn quốc do tổ chức NSX Việt Nam và tổ chức NSX châu Á phối hợp tổ chức. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh nhất, đó là là ngay từ năm 2002, khi những phóng viên báo chí như chúng tôi vẫn còn chưa “chạm” được đến cái máy vi tính, bài vở gửi về tòa soạn vẫn còn là... viết tay, thì những người nông dân ở xã miền biển này đã mạnh dạn tiếp cận với công nghệ thông tin, quảng bá và thậm chí giao dịch mua bán rau do chính mình trồng ra... trên mạng.

Ông Hồ Cảnh Sáu, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Tháng 10/2003, rau Quỳnh Lương chính thức lên mạng, với một trang Web của riêng mình. Để phát huy hết hiệu quả của trang mạng thông tin, Quỳnh Lương cử hẳn cán bộ phụ trách trang web để tìm hiểu, phổ biến cho bà con về các tiến bộ kỹ thuật trong sử dụng thuốc BVTV, về quy trình chuẩn trong sản xuất rau, truy cập các đơn đặt hàng của khách hàng để người dân triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp nhu cầu bạn hàng, đồng thời giao các cơ sở đại lý tiến hành thu gom.

Ngay sau khi đưa sản phẩm rau quảng bá ra thị trường rộng lớn trong nước, lượng rau tiêu thụ của Quỳnh Lương đã tăng lên rõ rệt, từ 10-15 tấn/ngày lên 60-70 tấn/ngày, và với “màn” giới thiệu sản phẩm qua mạng internet, ngày càng nhiều bạn hàng truy cập, giao dịch, đặt hàng nên thị trường không còn bó hẹp ở các vùng phụ cận, mà nhanh chóng trải rộng từ Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, vào tận Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, đặc biệt, có cả lời chào mời tham gia xúc tiến xuất khẩu rau sạch sang tận nước Mỹ xa xôi. Bây giờ ở Quỳnh Lương, những người nông dân chân chất đều bán hàng qua điện thoại, qua mạng Internet, làm ăn dựa vào uy tín, mọi thanh toán qua chuyển khoản hoặc trực tiếp mà không cần có mặt chủ hàng.

Đặc biệt, ngay từ khi có định hướng sản xuất hàng hóa, Quỳnh Lương đã rất quan tâm đến sản xuất rau an toàn, người dân nhận thức rất rõ, sự tín nhiệm của người tiêu dùng chính là yếu tố đảm bảo nhất cho sự phát triển bền vững của mình. Năm 2010, sau khi vượt qua vòng kiểm tra nghiêm ngặt, khắt khe của siêu thị Metro - Thăng Long về chất lượng, mẫu mã, đảm bảo các quy chuẩn về dư lượng thuốc BVTV, nitrat.., rau Quỳnh Lương đã chính thức có chỗ đứng trên thị trường Hà Nội. Xã đã ký hợp đồng với hệ thống siêu thị Metro, quy hoạch 10 ha ở xóm 3 trồng rau an toàn cung cấp cho siêu thị.

Dù hiện mỗi năm, siêu thị Metro mới chỉ tiêu thụ khoảng 200- 300 tấn rau, trong tổng sản lượng 15 - 16 nghìn tấn/năm của Quỳnh Lương, nhưng chính quyền và người dân nơi đây vẫn quyết tâm làm, vừa để chứng tỏ khả năng, khẳng định về mặt thương hiệu, vừa tạo thói quen tạo sản phẩm sạch trong sản xuất. Tháng 7/2010 HTX Phú Lương- HTX trồng rau an toàn đầu tiên ở Quỳnh Lương và cũng là HTX đầu tiên của tỉnh ta sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được thành lập. Người dân được hướng dẫn sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất theo nhu cầu của khách hàng ở từng thời điểm, nhờ đó, năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như vấn đề tiêu thụ được đảm bảo. Đến đầu năm 2011, HTX ký thêm được một hợp đồng mới cung cấp rau cho hệ thống siêu thị BigC. Ông Sáu cho biết thêm: Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo thành lập thêm 2 HTX sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, phấn đấu đưa Quỳnh Lương trở thành vùng sản xuất rau an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.


Phú Hương