(Baonghean) - Mỏ than Khe Bố (huyện Tương Dương) được phát hiện và khai thác từ trước cách mạng Tháng Tám năm 1945. Lao động từ nhiều địa phương khác nhau về đây làm nghề khai thác than. Có người đem theo cả vợ con, có người về đây mới lập gia đình, sinh con, đẻ cái, dần dần hình thành một cái làng và họ đặt tên là làng Mỏ. Làng có những gia đình nhiều đời nối nhau gắn bó với nghề than, có những con người gần trọn cả cuộc đời sống phần nhiều dưới hầm lò. Cứ thế cuộc sống nơi đây dần khởi sắc, đổi thay...
Những thế hệ thợ lò
Những ngày cuối năm Nhâm Thìn, tôi về thăm làng Mỏ than (Khe Bố - Tương Dương), ngoài đường hay ở bãi sang than hầu như không có bóng đàn ông, chỉ còn lại phụ nữ, trong nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ... Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Hoàng Văn Ngọc - Bí thư Chi bộ làng Mỏ, giải thích: "Hầu hết công nhân ca một đã xuống lò cả rồi, thời điểm cuối năm đẩy cao tiến độ, ai đi làm thì dưới đó cả, chị em phụ nữ thì sàng tuyển than; còn lại anh em ca hai thì tranh thủ vào trang trại chăm cây trồng, vật nuôi, có số thì tranh thủ ngủ chờ ca. Đặc thù lao động mỏ than Khe Bố này là thế". Hỏi thăm các anh lãnh đạo Công ty cổ phần than Khe Bố được biết, mỗi ca làm việc hơn 6 tiếng đồng hồ; ca 1 bắt đầu tư 6 giờ sáng đến 13 giờ 30 thì ca 2 vào thay và làm việc cho đến 18h30.
Khai thác than dưới hầm lò.
Theo chỉ dẫn của anh Dương Trọng Sơn - Phó phòng Kỹ thuật, tôi đến thăm bác Trần Trí Nhiên (74 tuổi), quê ở Nam Liên, Nam Đàn. Năm 1964, bác Nhiên về làm công nhân mỏ sau hơn 4 năm phục vụ quân đội và đã gắn bó với mỏ từ đó cho đến tận ngày nghỉ hưu. Đã 74 tuổi đời, lại mắc căn bệnh tiểu đường, nhưng khí chất của người thợ mỏ vẫn nguyên trong trái tim người thợ già: "Người ta nói nghề mỏ là nghề nguy hiểm là không sai chút nào. Dưới hầm lò, rủi ro là không thể lường trước được. Những ngày đầu được đưa xuống hầm lò, tôi cũng sợ. Ngày xưa an toàn lao động đâu có tốt như bây giờ. Nhưng rồi vượt qua sự sợ hãi ấy là niềm tự hào, khi được lao động đưa "vàng đen" phục vụ đất nước. Có lẽ chính vì lòng yêu nghề mới đủ sức níu giữ bác Nhiên và bao thế hệ công nhân ở lại với mỏ than Khe Bố, với nghề than lâu đến như vậy. Đến lúc tuổi tác đã không còn cho bác xuống lò nữa, thì người con trai đầu của bác là Trần Thanh Chung lại nối nghiệp cha mình. Anh Trần Thanh Chung, tốt nghiệp THPT năm 1985, sau đó đi học cơ điện mỏ, công tác ở Quảng Ninh 1 năm, năm 1987 đến làm việc tại Mỏ than Khe Bố và hiện nay là quản đốc phân xưởng cơ điện - chế biến, dẫu không trực tiếp khai thác than nhưng không ngày nào anh Trần Thanh Chung không chui xuống lò để kiểm tra an toàn các thiết bị điện.
Dây chuyền tuyển than.
Có đến làng Mỏ mới biết được nhiều gia đình, khi người chồng vừa tan ca ra khỏi lò, trở về nhà thì vợ con đã vào công trường. Đến khi chồng quay trở lại hầm thì vợ con mới về nhà. Anh Hoàng Văn Ngọc, trước đây là Trạm trưởng Trạm Y tế mỏ than Khe Bố, nay là Bí thư chi bộ làng Mỏ cho biết, có những gia đình hai cha con làm cùng mỏ nhưng khác ca, ở trong cùng một mái nhà nhưng cả tuần không gặp nhau là chuyện thường.
Tình người đất mỏ
Cuối giờ làm buổi sáng. Mưa phùn lất phất. Gió đông hun hút lùa lạnh buốt. Lẩn khuất giữa những đống than cao vút nối nhau chạy dài từ cửa hầm ra đến đầu đường là bóng dáng những người phụ nữ, khẩu trang kín mít, phía sau những vệt than lấm lem, tôi vẫn nhìn thấy những khuôn mặt tê tái vì lạnh. Họ tất tưởi lượm những cục đá lẫn trong trong than, sau đó xúc than bỏ vào thùng xe rồi hò nhau đẩy vào khu xử lý. Cô thợ sàng trẻ tuổi Trần Thị Nga, quê ở Hà Tĩnh, giải thích: “Cái nghề bốc than, lựa than là công việc dành riêng cho phụ nữ. Phụ nữ cần mẫn, dẻo dai, cánh đàn ông không bằng được. Hơn nữa, anh em nam giới sức dài vai rộng, nếu đến với nghề than thì tất cả đều xuống dưới mỏ chứ không ai làm cái công việc "vặt vãnh" này đâu”. Tôi đáp lại chị Nga “Sao lại vặt vãnh ạ, nếu không có bàn tay cần mẫn và khéo léo của các chị thì làm sao chúng ta có than sạch được”.
Mỗi cái xe goòng phải tập trung đến 3-4 người mới đủ sức đẩy cho nó lăn bánh. Ai không đẩy xe thì gánh. Bình quân một gánh than nặng tới 40-50kg, vậy mà có chị gánh cả trăm chuyến mỗi ngày. Theo báo cáo của lãnh đạo công ty, bình quân mỗi năm sản lượng than khai thác được khoảng 14000 tấn, như vậy mỗi ngày các chị phải xúc, đẩy, gánh trên 38 tấn than. Làm việc cực nhọc, nhưng những người phụ nữ vẫn nói rằng cánh đàn ông mới thật vất vả vì họ phải đảm trách công việc đầy hiểm nguy. Chị Nga tâm sự: "Năm qua, mỗi khi xem trên ti vi thấy đưa tin các vụ sập hầm lò ở đâu đó mà giật mình thon thót, càng thương chồng con, thương đồng nghiệp nam giới hơn". Một chị trông nhiều tuổi hơn cả (có lẽ là tổ trưởng), vừa buộc lại cái khăn trên đầu vừa khoe: “ Chúng tôi có vất vả lấm lem cả ngày, nhưng nghĩ mình còn hơn nhiều chị em ở các mỏ phía Bắc, thấy trên ti vi họ phải xin làm "phu" gánh than, bán sức lao động cho những chủ mỏ than nhỏ. Tết nhất công nhân nhà nước như bọn tôi còn có thưởng, chứ họ thì chắc chẳng có gì”. Được nghe chị em ở phân xưởng sàng tuyển than tâm sự, tôi hiểu thêm về cuộc sống của họ. Những năm gần đây, dẫu thu nhập có khá lên rất nhiều, nhưng hầu hết hoàn cảnh gia đình thợ mỏ là khó khăn, nhưng có lẽ vì vậy mà thương nhau lắm. Theo họ, tuy có vất vả nhưng còn có công việc, còn có sức khoẻ để mà làm là hạnh phúc lắm rồi. Nhìn cái cảnh chị em giúp nhau từng gánh than khi làm việc, nhường nhịn từng bát cơm, miếng thịt, chia nhau từng mẩu bánh quy trong giờ nghỉ giữa ca, tôi càng thấm thía câu nói của chị tổ trưởng “Sống... dại gì mà không thương lấy nhau!".
Người dân Làng Mỏ khai thác nứa hàng hóa.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Làng Mỏ vào những năm 70 của thế kỷ XX chỉ lèo tèo hơn chục căn nhà lợp tranh, vách đất, bây giờ làng Mỏ trở nên trù phú, đông vui với 175 hộ, tất cả các con đường đều đã được bê tông hóa... Bác Dương Trọng Ký (68 tuổi) kể lại: "Làng Mỏ than Khe Bố không phải ai muốn đến ở cũng được đâu. Ai có thành tích lao động tốt mới được cơ quan, chính quyền địa phương xét cấp đất. Công nhân than bây giờ thu nhập khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Khi mỏ lâm vào tình cảnh khó khăn, một số thợ mỏ đã phải bỏ nghề, nhưng phần đông người dân nơi đây vẫn bám trụ lại với nghề than". Theo bác Ký, điều đáng tự hào nhất của làng Mỏ bây giờ là ít có sự va chạm, to tiếng trong gia đình cũng như hàng xóm láng giềng. "Ở chỗ khác, người ta ồn ào náo nhiệt, riêng ở đây không khí lúc nào cũng yên bình. Đàn ông xuống mỏ, đàn bà con gái thì bốc, gánh than. Hết ca, mệt mỏi người ta về nhà đóng cửa ngủ, yêu nhau còn chẳng kịp, nói gì cãi cọ"- anh Hoàng Văn Ngọc, Bí thư Chi bộ tiếp lời bác Ký. Theo anh Ngọc, hầu hết công nhân mỏ khi nghỉ hưu, vì quá yêu nghề mỏ, yêu mảnh đất này mà họ không về quê, bám trụ ở cái làng Mỏ này. Bên những con đường bê tông là những ngôi nhà san sát, bình yên dưới những hàng nhãn, hồng xiêm. Nhà văn hóa của làng nằm bên sân vận động rộng gần 5.000m2. Đây là kết quả của một quá trình vận động, là công sức của 175 hộ gia đình. Theo anh Ngọc, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Chi bộ và Ban cán sự làng Mỏ còn phải tiếp tục vận động nhân dân quyên góp công sức, tiền của để xây dựng nhà văn hóa, sân vận động và đường làng, hệ thống thoát nước, nơi xử lý rác thải... mức tối thiểu là 200.000 đồng/hộ, những gia đình khó khăn thì miễn hoàn toàn, có nhà tự nguyện đóng trên 1 triệu đồng; ngoài ra, con em làng mỏ xa quê, hay đang công tác ở các lĩnh vực khác cũng gửi tiền về đóng góp xây dựng quê hương. Anh Ngọc cho biết thêm, bây giờ bình quân mỗi hộ làng Mỏ thu nhập 22 triệu đồng/tháng. Sang năm 2013, làng phấn đấu đưa mức thu nhập trên lên 30 triệu đồng và không còn hộ nghèo. Điều đó là hoàn toàn có thể, vì ngoài thu nhập từ nghề than, bà con ở đây còn kinh doanh dịch vụ, trồng rừng, chăn nuôi. Nhà ít cũng dăm hec-ta vườn đồi, dăm chục con bò, dê, lợn, gà thứ gì cũng có. Điển hình như vợ chồng anh Thịnh, sau khi về nghỉ hưu, anh chị bắt tay vào tăng gia sản xuất. Vừa chăn nuôi lợn, gà, vừa trồng rừng, trồng chè. Đàn lợn của anh gần 60 con, 2 con đực là lợn rừng nguyên chủng, 5 con lợn nái đen địa phương và gần trên 50 con lợn sọc dưa có trọng lượng từ 15-30 kg; đàn gà ta trên 300 con. Cộng cả lương hưu, mỗi tháng anh Thịnh thu về gần 30 triệu đồng.
Từ chuyện làm ăn, tôi chuyển sang chuyện học hành của con em làng mỏ. Anh Ngọc "khoe" ngay: “Các cháu bây giờ ngoan lắm, chịu khó lắm, không có ai bỏ học. Tối về nghe tiếng trống làng, cháu nào cũng tự giác ngồi vào bàn học bài, cháu nào cũng học tốt, vì thế năm nào làng Mỏ cũng có học sinh giỏi tỉnh, thi đậu tốt nghiệp THPT, thi đậu đại học cao nhất xã Tam Quang đấy”.
Xế chiều, xe chúng tôi lăn bánh, trời đang ấm dần lên, mùa Xuân đang đến rất gần với người dân làng Mỏ, nhưng dưới độ sâu hàng trăm mét hay trên bãi sàng tuyển than, những người thợ mỏ vẫn đang miệt mài làm việc. Họ vẫn đang nỗ lực cho mẻ than thứ 15.000 tấn của năm 2012. Xin chúc cho những người dân làng Mỏ than Khe Bố có một cái Tết Quý Tỵ thật đầm ấm.
Làng Mỏ, ngày cuối năm 2012
Làng Mỏ ngày cuối năm
Vi Hợi