(Baonghean.vn) - Ngày 15/3 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ chọn là "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam". Thế nhưng, trên thực tế, nhiều người chưa biết về ngày này.
Trên 40% người tiêu dùng im lặng khi bị xâm hại quyền lợi |
Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1035/QĐ-TTg (ngày 10/7/2015), chọn ngày 15/3 hàng năm làm "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam".
Theo đó, có những hoạt động bảo vệ quyền của người tiêu dùng; phát huy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2017, có chủ đề Doanh nghiệp vì người tiêu dùng. Theo đó, mỗi người dân, tổ chức cá nhân sản xuất- kinh doanh không tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe và môi trường; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là bảo vệ doanh nghiệp chân chính...
Các khuyến cáo cũng được đưa ra với người tiêu dùng là: Hãy sử dụng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo an toàn cho mình; người tiêu dùng hãy hành động khi quyền lợi bị vi phạm.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đa số người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam". Một trong những nguyên do cơ bản là lâu nay, chưa có những tổ chức, cá nhân đứng ra bảo vệ thành công cho người tiêu dùng khi bị ảnh hưởng đến quyền lợi.
Năm nay, UBND tỉnh Nghệ An đã sớm ban hành kế hoạch 781/KH-UBND (ngày 22/12/2016) về các chuỗi sự kiện đẩy mạnh công tác thực hiện "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam". Thế nhưng, sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa chặt chẽ nên sự kiện này cũng chưa tạo được dấu ấn trong người tiêu dùng.
Điều 8, Luật bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng, quy định quyền của người tiêu dùng: 1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. 2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng. 3. Lựa chọn hàng hoá, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thoả thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. 4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và các nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. 5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. 7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. |
PV