(Baonghean.vn) - Để từng bước xóa bỏ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại theo hướng công nghiệp và an toàn sinh học, huyện Anh Sơn có những giải pháp xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Cách làm này đã mở hướng cho bà con phát triển chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh và tăng hiệu quả sản xuất.
Trước đây, do tập quán, thói quen, người dân xã Vĩnh Sơn thường chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khuôn viên gia đình để tiện chăm sóc nên hầu hết các chất thải không được xử lý, xả thẳng ra ao hồ, kênh mương gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp...
Khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó thực hiện quy hoạch và xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa dân cư xã đã giải quyết được thực trạng trên.
Anh Nguyễn Hữu Ngọc ở thôn 1, xã Vĩnh Sơn là một trong những hộ tiên phong xây dựng trang trại VAC tại khu quy hoạch tập trung của xã ở khu vực đồng Cửa Đình. Hiện trên diện tích đấu thầu 1,3 ha đất, anh nuôi 100 con lợn thịt, 11 con trâu, bò và đào hơn 3 sào ao thả cá. Không chỉ cho thu nhập ổn định mà điều quan trọng nhất là trang trại của anh đảm bảo vệ sinh môi trường.
“Chăn nuôi trong khu dân cư mặc dù đã áp dụng các biện pháp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhưng mùi hôi vẫn không giảm. Vì vậy, khi xã có chủ trương xây dựng khu chăn nuôi tập trung tôi đã đăng ký đấu thầu đất... Để xây dựng trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, tôi đầu tư hơn 600 triệu đồng quy hoạch hệ thống khép kín. Chất thải được thu gom chảy vào hệ thống bể lọc, hầm bioga trước khi xả ra môi trường. Nước ở bể lắng sau cùng được tận dụng để tưới cho vườn cây ăn quả. Nhờ đó, không khí xung quanh không có mùi hôi” - anh Cường cho biết.
Năm 2015, xã Vĩnh Sơn đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung tại vùng đồng Ông Thượng, Cửa Đình với diện tích 10 ha để cho các hộ chăn nuôi lớn đấu thầu. Sau hơn 1 năm triển khai có 5 trang trại, gia trại trên địa bàn ra khu chăn nuôi tập trung với diện tích gần 6 ha. Ông Phan Bá Khanh - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: "Để khuyến khích các hộ chăn nuôi, xã đã tín chấp với ngân hàng cho mỗi hộ vay 100 triệu đồng 1 năm không tính lãi suất; huyện cũng hỗ trợ 30 triệu đồng làm tuyến đường ra khu chăn nuôi tập trung".
Từ nhiều năm nay, người dân xã Hoa Sơn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhờ đó nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhưng do diện tích đất nhỏ hẹp, việc đầu tư công trình xử lý chất thải chưa được quan tâm đúng mức nên hầu hết các nguồn chất thải chưa được xử lý, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và an toàn sinh học, năm 2015, xã xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường giai đoạn 2015- 2020. Theo đó, xã đã khảo sát, thu hồi diện tích đất trước đây giao cho các hộ dân sản xuất không có hiệu quả quy hoạch thành khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Đến nay, toàn xã có 7 trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả vào khu quy hoạch, thực hiện quy trình xây dựng chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường.
Xây dựng khu chăn nuôi tập trung tại các địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ dân cùng nhau phát triển kinh tế, học hỏi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, giảm chí phí trong chăn nuôi và tăng khả năng cạnh tranh (cùng nhau nhập con giống, thức ăn, vật tư sẽ hạ giá thành sản phẩm; số lượng xuất bán lớn, tập trung cũng hạn chế tình trạng bị tư thương ép giá).
Cùng đó, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Qua đó đã góp phần làm cho kinh tế của huyện phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 12,37%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,3% năm 2015 xuống còn 10,6% năm 2016. Toàn huyện Anh Sơn hiện có 23 trang trại lớn, 286 gia trại chăn nuôi với tổng đàn trâu 17.796 con, bò 19.997 con, lợn 60.301 con...; năm 2016, tổng sản lượng xuất chuồng 9.981 tấn, đạt 101,9% kế hoạch.
» Giáo dân Nghệ An vạch trần sự biến chất của linh mục Nguyễn Đình Thục
Thái Hiền