(Baonghean) - Tháng 8, khi năm học mới đã cận kề cũng là lúc tin vui từ các trường đại học đến với nhiều học trò xứ Nghệ. Và cùng với những huy chương vàng, huy chương bạc ở các cuộc thi Olympic quốc tế thì những thủ khoa, á khoa của các trường đại học đã một lần nữa khẳng định truyền thống hiếu học của mảnh đất giàu thành tích này...
 
images1025048_img_2582.jpgLãnh đạo Sở GD&ĐT tặng hoa chúc mừng em Cao Ngọc Thái giành HCV Olympic Vật lý quốc tế. Ảnh: Đào Tuấn
Đất nghèo… đón thủ khoa
 
Bốn mươi năm xây dựng, trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, trải qua biết bao buồn vui nhưng có lẽ chưa năm nào thầy và trò Trường THPT Thanh Chương 3 lại trải qua những ngày nhiều cảm xúc như năm nay. Bởi lẽ, dù chỉ là một ngôi trường nằm trên vùng bán sơn địa, dù ở một nơi xa xôi cách trở, dù có những năm phải “vét” đến tận cùng mới tuyển đủ học sinh, thế mà chỉ riêng trong kỳ thi đại học năm 2014, trường có đến 3 thủ khoa, 1 á khoa. Đó là em Dương Lê Toàn - Thủ khoa khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; em Hồng Thị Hương - Thủ khoa khoa Y dược, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; em Nguyễn Hữu Sơn - Thủ khoa khối A, Trường Đại học Vinh và em Trang Thị Giang - á khoa, khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Lớp 12 D, lớp của 3 thủ khoa cũng là lớp học có số lượng thí sinh thi đậu đại học cao kỷ lục, ngang với một lớp học ở một trường chuyên với 40/48 học sinh đã có kết quả báo đậu chính thức vào nguyện vọng 1. Niềm vui khiến cho cô giáo chủ nhiệm  Phan Thị Lý khi gặp chúng tôi đã không nói được lời nào dù cô biết rằng kết quả này không nằm ngoài dự đoán. Và cô tin rằng, đây sẽ là cánh cửa mở ra một tương lai sáng lạng hơn cho học trò của mình, cho những cô cậu học trò con nhà nông nhưng giàu lòng tự trọng và luôn mang một ước mơ, một khát vọng học để… thoát nghèo. 
 
Ở Thanh Chương, Trường THPT Thanh Chương 3 đến bây giờ vẫn là ngôi trường khó khăn nhất. Điều đó, không chỉ do  địa thế, địa hình mà ở ngay trong nội tại có đến gần 1/3 học sinh là con em hộ nghèo. Số còn lại bố mẹ cũng chủ yếu làm nông, nhiều em ở vùng miền núi, xa xôi phải đạp xe hàng chục cây số mới có thể đến trường. Ngay cả với những tân thủ khoa năm nay, mỗi em là một hoàn cảnh nhưng chung nhất vẫn là “hộ nghèo”, thuần nông. Nhưng khó là khó vậy, còn bản thân thầy giáo hiệu trưởng Phan Bá Tiến lại cho rằng, nhờ những cái “khó” đó mà tạo nên sức mạnh, tạo nên động lực để tập thể thầy và trò nhà trường phải luôn phấn đấu không ngừng nghỉ. Đơn giản như, triển khai chất lượng đại trà. Trước, vào mùa tuyển sinh, năm nào ban giám hiệu nhà trường cũng lo lắng vì điểm đầu vào của trường rất thấp (trung bình chỉ từ 12 - 15 điểm). Để khắc phục tình trạng này, nhà trường quán triệt với mỗi thầy cô giáo từ giáo viên chủ nhiệm đến giáo viên bộ môn phải tập trung mọi thời gian để tăng cường phụ đạo cho học sinh. Trường có chế độ khen chê rõ ràng, giáo viên dạy có chất lượng, có nhiều em đạt học sinh giỏi, nhiều em thi đại học được điểm 8 trở lên thì được khen thưởng. Thầy cô giáo nào học sinh không tiến bộ, thi điểm thấp thì bị khiển trách… Rồi thì thi đại học, nhà trường có chế độ cho những giáo viên có số học sinh thi đậu cao, có chính sách ưu tiên cho những giáo viên làm công tác định hướng vào đại học tốt. Học sinh chăm ngoan, học giỏi được ưu tiên giới thiệu vào Đảng, được hưởng các học bổng từ nguồn xã hội hóa hay được miễn các khoản đóng góp, dù đôi lúc chỉ rất nhỏ như tiền gửi xe…
 
Phong trào học tốt, dạy tốt còn là để tiếp nối truyền thống hiếu học của vùng. Bởi lẽ, đây là quê hương của nhà thơ nổi tiếng Đinh Nhật Thật, của thượng thư Đinh Bộ Cương, người khai khoa cho mảnh đất của vùng, của Tiến sỹ Nguyễn Thế Bình. Là một trong hai vùng quê của cả tỉnh còn hiếm hoi giữ lại được tấm bia văn chỉ hàng tổng, nơi ghi dấu thành tích của con em đỗ đạt trong vùng.  Sách địa lý còn ghi: Vùng đất này, ở trên dãy núi Đại Can còn nhìn thấy đỉnh Tháp Bút. Và ở đâu có đỉnh Tháp Bút, ở đó con cháu sẽ học hành thành đạt. Có thể, điều đó cũng đã giải  thích vì sao, dù rất vui mừng với những thành công mà giáo viên và học trò nhà trường đã đạt được trong năm nay nhưng thầy giáo Phan Bá Tiến - hiệu trưởng nhà trường lại không quá ngạc nhiên vì ông hiểu rằng: Thành công này không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải vì  may mắn mà có được. Đó là kết quả của  một quá trình phấn đấu lâu dài, là sự nỗ lực không mệt mỏi của cả thầy và trò, là của biết bao tâm huyết, gửi gắm và kỳ vọng… Ông cũng tin rằng, mạch nguồn đó rồi sẽ còn chảy mãi bởi không chỉ bây giờ mà sau này, tinh thần ấy, nghị lực ấy vẫn tiếp tục phát huy và trở thành động lực cho con em của vùng.
 
Tự hào đất học xứ Nghệ
 
Câu chuyện sau mỗi mùa thi đại học, học trò xứ Nghệ lại được nêu danh trên các bảng vàng dường như đã không còn xa lạ nữa. Và bản thân những người dân của vùng quê được mệnh danh là “cá gỗ”, là “sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa” cũng thấy tự hào khi đọc được dòng cảm xúc, những lời chia sẻ đầy mến phục của người dân cả nước trên các trang báo điện tử, trên các diễn đàn  trước một vùng quê mà “cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”. Trên thực tế, nhiều năm nay, năm nào học sinh Nghệ An cũng đứng đầu trong danh sách những tỉnh có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao nhất cả nước. Riêng năm 2014 này, với thành tích 9 thủ khoa, nhiều á khoa và hàng chục học sinh có điểm thi từ 26 điểm trở lên, chúng ta đang dẫn đầu địa phương có số thủ khoa cao nhất cả nước. Trong đó, có thủ khoa Phạm Đức Toàn hiện đang là thí sinh có  số điểm cao nhất với 29,5 điểm, thủ khoa của Trường Đại học Ngoại thương. Nhiều thủ khoa đến từ các trường huyện như Trường THPT Đặng Thúc Hứa, Trường THPT Thanh Chương 1, Thanh Chương 3, Trường THPT Yên Thành 2…
 
Học sinh Trường THPT Thanh Chương 3 trong giờ ôn bài.
 
Một điều cũng rất đáng tự hào nữa, đó là thủ khoa xứ Nghệ, đa phần là học trò nghèo. Chính cả Phạm Đức Toàn, dù là học sinh Thành phố Vinh, có bố mẹ làm giáo viên nhưng hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Hôm đến thăm gia đình Toàn, đúng ngày em vừa biết tin đỗ điểm cao nhất vào Trường Đại học Ngoại thương, mẹ của Toàn cứ ngậm ngùi mãi khi nói rằng: Năm lớp 11, đáng lẽ Toàn thi khối A1, nhưng rồi thấy học thêm môn Tiếng Anh hết nhiều tiền quá nên lại thôi vì sợ bố mẹ không lo đủ. Rồi nộp đơn thi đại học Toàn lại đắn đo, định thi vào Trường Quân sự để đỡ một phần học phí cho bố mẹ… Cũng bởi vất vả, nên các thủ khoa học thêm rất ít. Như Toàn, mẹ em nói rằng “tiền em nó học thêm 3 năm bằng con người ta học một tháng”. Còn các thủ khoa Thanh Chương 3, bí quyết học giỏi chính là nắm kỹ phần kiến thức ở trường rồi về nhà tự học, tự giải bài tập. Nhiều học sinh khác cũng cho rằng, học giỏi quan trọng là có cách học hợp lý, khoa học, biết tự phân tích bài, học theo dạng hiểu chứ không phải học thuộc lòng rồi làm theo những bài mẫu có sẵn. 
 
Thủ khoa đến từ những ngôi trường rất đỗi bình thường còn cho thấy khoảng cách giữa các trường thành thị và nông thôn, giữa các trường nhóm trên và nhóm dưới đang ngày càng được rút ngắn lại. Điều đó cũng chứng minh, chất lượng đại trà ở các trường học Nghệ An đang được củng cố và ngày càng có nhiều trường ở khu vực nông thôn, khu vực miền núi vươn lên để khẳng định chất lượng. Dù miền ngược hay miền xuôi, dù đồng bằng hay vùng biển, học sinh cũng phải được học trong những môi trường tốt nhất với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị dạy học được đảm bảo, có nhiều giáo viên có chất lượng, tâm huyết với học trò.
 
Nhận định về kết quả mùa thi đại học năm nay, ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng: Đây là thành quả sau một năm đổi mới của toàn ngành giáo dục. Đặc biệt, qua đây cho thấy sự trưởng thành của đội ngũ giáo viên rải khắp ở các trường, chứng tỏ rằng sự chỉ đạo đồng đều trong toàn tỉnh của các cơ sở giáo dục dù địa bàn của tỉnh ta rộng và trải khắp các vùng miền. Thành tích của các em còn cho thấy trong năm học vừa rồi, tất cả các em có năng khiếu, có sở trường, đều phát huy được khả năng và đó sẽ còn là tiền đề, là cơ sở để chúng ta tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.
 
Mỹ Hà