Do ảnh hưởng của những cơn bão vừa qua, nước lũ đổ về thủy điện Bản Vẽ rất lớn.Tại thời điểm cao nhất vào ngày 30/8 vừa qua, lượng nước đổ về từ thượng nguồn vào lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có lúc lên đến 4.200 m3/s.
Cơn lũ đã cuốn trôi nhiều nhà cửa và đồ đạc của người dân thượng nguồn sông Nậm Nơn ở một số bản: Xiềng Tắm, Xốp Tụ, Xăng Trên… ở xã Mỹ Lý huyện Kỳ Sơn. Ngoài ra, lũ cuốn theo nhiều cây gỗ lớn nhỏ đổ xuống lòng hồ thủy điện Bản Vẽ khiến hồ thủy điện này như một bãi rác khổng lồ. Một số địa điểm tập trung nhiều rác nhất như đoạn hồ ở xã Hữu Khuông, xã Mai Sơn, Nhôn Mai …(Tương Dương)
Anh Lương Văn Bù - một lái thuyền có kinh nghiệm gần 10 năm trên lòng hồ bản Vẽ cho biết: Từ trước tới nay, mỗi khi có lũ về là rác lại về theo. Rác bủa vây lòng hồ khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chưa có năm nào gỗ, rác lại trôi về nhiều như năm nay. Ngày thường, để chạy từ bến thượng lưu lên trung tâm xã Hữu Khuông thuyền của anh Bù chạy hết 80 phút. Thời điểm này phải mất từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ mời có thể đến nơi.
Là thầy giáo có thâm niên công tác trên địa bàn xã Hữu Khuông, anh Hà Văn Huấn, giáo viên trường tiểu học Hữu Khuông vẫn thường xuyên phải đến trường bằng thuyền. Anh cho hay, thời điểm này, anh và những người đi thuyền trên sông Nậm Nơn đã có nhiều phen hú vía khi thuyền va phải những cây khô nổi lênh đênh trên mặt nước. Vào mùa lũ, các thầy cô phải đi sớm hơn vì thuyền chạy chậm do vướng cây cối trên mặt nước rất nhiều.
Rác bủa vây lòng hồ bản Vẽ. Ảnh: P.V |
“Mặc dù biết nguy hiểm từ rác trải dài trên lòng hồ nhưng không thể không đi, vì đây là con đường ngắn nhất và duy nhất để đến được UBND xã. Vì lý do an toàn cho người dân, chính quyền xã và lực lượng công an địa phương đã phối hợp và thường xuyên tuyên truyền cho người dân và chủ thuyền khi tham gia giao thông đường thủy nội địa. Về vấn đề rác quá nhiều, phía xã cũng đã phản ánh lên chính quyền cấp trên qua các cuộc họp.” – ông Tùng nói.