Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nghe lãnh đạo huyện Con Cuông báo cáo tình hình thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Theo đó, việc xả lũ của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Lam từ ngày 30/8 đến ngày 1/9 đã làm sạt lở đất dọc 2 bên bờ sông Lam đi qua địa bàn huyện làm vùi lấp, ngập diện tích đất sản xuất nông nghiệp, ngập lụt các khu dân cư.
Trong đó nhà dân bị ngập 203 nhà và phải di dời 96 nhà; ngập lụt trường THCS nội trú Con Cuông và Trường Tiểu học Bồng Khê; sạt lở đất mố cầu treo Chôm Lôm với 10.000m3; tổng giá trị thiệt hại trên địa bàn huyện ước tính 15,2 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc, đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc xả lũ của các thủy điện cần xả nước chủ động có tính đề phòng, xả trước khi lũ về, tránh tình trạng dồn khi đầy hồ.
Nhiệm vụ trong thời gian tới đồng chí yêu cầu huyện Con Cuông đảm bảo cuộc sống cho nhân dân, chăm lo môi trường dịch bệnh. Chuẩn bị đảm bảo thật tốt cho khai giảng năm học mới, tập trung nhanh chóng khắc phục các công trình dân sinh bị hư hỏng, đồng thời thống kê thiệt hại do mưa lũ.
Các kiến nghị của huyện Con Cuông về vấn đề hỗ trợ kinh phí khắc phục cầu treo Chôm Lôm, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải quan tâm hỗ trợ để tu sửa, khắc phục cấp bách cầu treo Chôm Lôm cho nhân dân đi lại.
Về việc di dời khẩn cấp Trường Tiểu học 2 Bồng Khê và Trường THCS Nội trú, huyện Con Cuông cần làm tờ trình lên UBND tỉnh để tính toán cụ thể, cũng như sớm trình lên Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Giáo dục Đào tạo tính phương án xây mới. Về việc xây cầu cứng qua sông Lam, huyện cũng cần làm hồ sơ để tỉnh đề xuất với Bộ GTVT xin vốn.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan của tỉnh, các thủy điện rà soát lại quy trình vận hành liên hồ chứa để điều chỉnh những bất cập.
Về phía Thủy điện Chi Khê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cùng với địa phương hỗ trợ cho nhân dân vùng ngập lụt.