Lao động “ngược” về quê
Những năm trước, sau Tết nguyên đán, hình ảnh người lao động “rồng rắn” ra Quốc lộ 1 bắt xe vào Nam để làm việc khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Nghệ An và thường kéo dài đến hết tháng Giêng. Thế nhưng, trong hơn một năm trở lại đây, lao động vào Nam vẫn đang còn nhưng không nhiều, chủ yếu rơi vào những trường hợp đã có nhiều năm làm việc, có gia đình và công việc ổn định lâu dài.
Có nhiều lý do để người lao động Nghệ An lựa chọn quê nhà để lập nghiệp thay vì vào làm ở các tỉnh phía Nam như trước. Chị Hà Thị Diên (xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương) cũng là một trong số đó. Ba năm trước, sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị văn phòng – Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, chị đã quyết định vào Bình Dương tìm việc. Tại đây, chị được nhận vào làm văn phòng ở Công ty TNHH Esin Vina Bình Dương với mức thu nhập trung bình gần 7 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, chị bảo nếu “tằn tiện” thì vẫn có thể tích cóp mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng vì chi phí ở các tỉnh phía Nam không cao. Tuy nhiên, hiện tại, sau khi lấy chồng ở huyện Nghĩa Đàn, Tết này chị quyết định xin nghỉ việc và tìm cơ hội ở quê nhà. Nói về kế hoạch hiện nay, chị Diên cho biết: Tôi đã nộp hồ sơ vào Công ty TH cũng với vị trí văn phòng. Mặc dù mức lương ở quê có thể thấp hơn so với trước nhưng bù lại tôi lại được gần nhà, không phải đi đi về về vất vả.
Khoảng 80% lao động đến làm các thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An trong dịp này là lao động từ các tỉnh phía Nam về. Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, phụ trách bộ phận một cửa Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An thì: Xu hướng này ngày càng nhiều trong khoảng 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân bởi hiện tại, không chỉ các doanh nghiệp ở phía Bắc mà các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động khá nhiều. Vì thế, chỉ những người thực sự sống nhiều năm ở phía Nam thì họ còn gắn bó lâu dài. Còn lại đối tượng là độc thân, đặc biệt là lao động nữ họ đều mong muốn được làm việc tại quê nhà.
Theo tổng hợp, trong bốn ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, có khoảng 800 lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc báo cáo tình trạng lao động. Con số này, so với các thời điểm khác của năm trước chỉ chiếm khoảng 50% nhưng ngược lại số lao động thất nghiệp đến tìm cơ hội việc làm lại khá cao.
Anh Phạm Ngọc Quyền đã có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh ở Công ty TNHH Tân Mỹ (thành phố Vinh) với mức lương trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng. Mặc dù thu nhập không nhỏ nhưng sau Tết anh vẫn quyết định xin nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội khác. Nói về lý do, anh chia sẻ: Hiện nay, cơ hội việc làm khá nhiều. Bản thân tôi lại có nhiều năm làm lĩnh vực maketting nên tôi không lo lắng. Mong muốn của tôi là tìm công việc ngoài mức lương ổn định thì phải có đãi ngộ tốt và có nhiều cơ hội phát triển.
Doanh nghiệp “chờ” lao động
Do nhu cầu về lao động rất lớn nên ngay trong phiên giao dịch việc làm đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp đến sàn giao dịch việc làm để tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, tranh thủ những ngày người lao động về quê ăn Tết, từ ngày mùng 7 Âm lịch, trung tâm cũng đã tổ chức ngày hội tuyển dụng lao động tại các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ các tỉnh phía Bắc như Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam, Tập đoàn Quốc tế Brother Việt Nam...
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, mặc dù nhu cầu tuyển dụng rất lớn nhưng số lao động trực tiếp đến phiên giao dịch việc làm đầu năm chưa đạt như kỳ vọng. Như với Khách sạn giao tế Vinh, đầu tháng 3, đơn vị khai trương nhà hàng mới nên đang cần khoảng 30 lao động cho các vị trí như nhân viên ánh sáng, nhân viên IT, đầu bếp, phục vụ bàn. Nhưng, qua gần 2 tuần thông báo tuyển dụng ở đơn vị và gần một buổi sáng tham gia phiên giao dịch chỉ mới có vài lao động đến ứng tuyển.
Mặc dù chỉ cần khoảng 10 lao động nhưng do yêu cầu của công việc nên đích thân Phó Giám đốc của Công ty TNHH Mavin AustFeed cũng đã đến sàn để phỏng vấn người lao động. Sau gần một buổi sáng làm việc, ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc kinh doanh của công ty cho biết: Trong 4 hồ sơ ứng tuyển thì có 3 hồ sơ có trình độ đại học và 1 hồ sơ có trình độ trung cấp. Hiện tại, chúng tôi có hai hồ sơ sẽ tiếp tục xem xét nhưng tôi đánh giá cao hơn hồ sơ của một lao động chỉ có bằng trung cấp, bởi tôi thấy đây là một người có kinh nghiệm, có mong muốn gắn bó lâu dài và sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp.
Nói về chất lượng lao động, ông cũng nói thêm: Năm nay, chúng tôi chỉ cần công nhân kỹ thuật nhưng có khá nhiều hồ sơ của người đã tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, đây không phải là ưu tiên hàng đầu. Không ít lao động cứ nghĩ rằng nếu có bằng cấp cao thì lương phải tương xứng. Trong khi đó, để tuyển dụng yêu cầu đầu tiên phải là tay nghề, trách nhiệm với công việc và ý thức lao động. Việc trả lương cũng sẽ căn cứ vào hiệu quả và năng suất lao động thực tế.
Công ty TNHH Thanh Thành Đạt cũng đã có 2/3 hồ sơ loại giỏi cho vị trí kế toán. Nhưng, đại diện công ty cũng thừa nhận: Bằng cấp chỉ là một tiêu chí để ưu tiên. Ngoài phỏng vấn ở sàn, chúng tôi sẽ có thêm một buổi thi tay nghề để lựa chọn ra những người có năng lực thực sự.
Lệch “pha” cung - cầu
Thực tế cho thấy thời gian qua thị trường lao động Nghệ An vẫn có nhiều chênh lệch giữa cung và cầu. Như trong năm 2017, dù có 49 phiên giao dịch việc làm (cố định và lưu động) với hơn 11.000 người tham gia nhưng chỉ có khoảng 2.300 lao động được tuyển dụng.