(Baonghean.vn) Lâu nay người nông dân xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) hàng năm chỉ trồng lúa được vụ đông xuân, nhưng cũng bấp bênh, năng suất không quá 1 tạ/ sào, thời gian còn lại trong năm là bỏ đất hoang vì hạn hán, đất nhiễm mặn. Từ khi có phong trào nuôi tôm nuôi cá, nhiều hộ khá lên, nhà cao tường mới.

ụ đông xuân, nếu trời thương còn cho mỗi sào non tạ thóc. Đến vụ hè thu, nắng như đổ lửa, nước nông giang từ Đô Lương dẫn xuống, về đến đầu làng chẳng còn mấy giọt. Đất phèn chua, đã thế mặn càng thêm mặn. Lúa Khang Dân khi trổ bông đứng như cắm cờ. Mùa thu hoạch, chất cả xe lúa đầy mà nhẹ tênh tênh… Làm cực mà chẳng có, một nhà bỏ, nhiều nhà bỏ, rồi cả làng bỏ làm vụ hè thu. Một số nhà quay sang trồng rau, trồng màu, nhưng cũng chỉ được một ít ở những cánh đồng cao không nhiễm mặn.

Anh Hồ Xuân Xuyên – Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách nông nghiệp, tâm sự: “Làm nông nghiệp ở Quỳnh Thanh vất vả lắm anh ạ. Cả xã có trên 870 ha thì chỉ có 295 ha làm được hai vụ lúa ổn định nhờ có nguồn nước từ Đô Lương về, nhưng năng suất không quá 1 tạ mỗi sào, còn lại thì chỉ làm được một vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì bấp bênh lắm vì thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn, năng suất chưa nổi 6 yến thóc mỗi sào. Cho nên vụ này người dân trồng rau màu là chủ yếu, nhưng cũng chỉ có 22 ha.

769651_small_67544.jpg

Ông Nguyễn Đình Khai - người có thâm niên trên 10 năm nuôi tôm ở vùng này.

Đất Quỳnh Thanh có 3 vùng: vùng cao, vùng bằng và vùng trũng. Vùng thấp trũng có đến 150 ha bị nhiễm mặn. Từ những năm 1990, xã đã cho thí điểm nuôi tôm ở vùng chân đê sông Mai Giang, từ đó, Quỳnh Thanh có thêm nghề mới: nuôi tôm nước mặn lợ. Sau hàng chục năm, mô hình nuôi tôm thâm canh phát triển lên 40 ha, năng suất khá ổn định: từ 3,5 đến 4,5 tấn/ha /vụ. Tuy vậy, cũng chỉ có hơn 80 hộ (trong tổng số 2.048 hộ) có đủ điều kiện đầu tư chăn nuôi tôm, chiếm 4% dân số trong xã. Không bằng lòng với đói nghèo, người Quỳnh Thanh lại đi tìm cách làm mới: nuôi cá trong lúa, nuôi tôm quảng canh ruộng trũng.

Cánh đồng Quyết Thắng có nhiều diện tích nhiễm mặn. Từ trước những năm 2002 - 2003, nhiều hộ nông dân ở đây đã nuôi thử tôm quảng canh trên ruộng của mình và cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Như hộ ông Yến Thông (đội 8) có 5 sào nuôi tôm, hộ ông Hồ Tuân (đội 8), ông Tín (đội 7), ông Cai (đội 11),… Hộ này làm theo hộ khác, diện tích nuôi tôm lên đến trên 10 ha.

Thấy người nông dân chuyển trồng lúa sang nuôi tôm có hiệu quả, chính quyền xã Quỳnh Thanh đã khẩn trương ra chủ trương dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng đồng Quyết Thắng thành vùng nuôi tôm chuyên canh. Dự án do xã Quỳnh Thanh làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt số 4346/UBND, ngày 03/12/2008. Dự án nuôi tôm này có diện tích 25 ha, với vốn đầu tư 6,9 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và huyện, xây dựng các hạng mục kiến thiết cơ bản ban đầu: đắp 2.000m bờ bao, xây 1.400m kênh cấp nước mặn, 500m kênh nước ngọt, 2.000m kênh tiêu, 7 cống điều tiết,…

Anh Lê Văn Giáo – cán bộ Khuyến nông khuyến ngư xã dẫn tôi đi thăm khu hồ nuôi tôm mới. Cơn bão số 6 vừa tan nhưng trời vẫn lất phất mưa. Đi qua những thửa ruộng ngập nước đến gối, người nông dân hối hả gặt, chất những bó lúa sũng nước lên thuyền đưa vào bờ. Đằng kia, bờ ao tôm phủ bạt trắng, nối nhau dài tít. Người có thâm niên trên 10 năm nuôi tôm ở vùng này là ông Nguyễn Đình Khai (đội 11), cho biết: Ông đã nuôi tôm quảng canh trên đồng đất này từ những năm 1996. Đến năm 2003, sau khi dồn điền đổi thửa, ông có 4 sào mặt nước nuôi tôm. Ông còn mua thêm đất để mở rộng diện tích, đến nay đã có 1ha. Năm 2010, vụ 1 ông thu hoạch được gần 5 tấn tôm, vụ 2 ông thu trên 4 tấn tôm, sang vụ 1 năm 2011 ông thu được 6,3 tấn tôm. Vụ 2 này ông đã thả tôm giống được 31 ngày. Tôm phát triển khá nhanh, hiện trọng lượng của tôm khoảng 200 con/1 kg, sau một tháng nữa là ông có thể thu hoạch tôm thương phẩm khoảng 90 con/1 kg.



Phải kiểm tra, nâng cấp các tuyến đê bao ngăn cách giữa vùng trồng lúa và nuôi tôm.

Ông Khai nói: Đất này phù hợp với nuôi tôm, nếu người nuôi chịu đầu tư đúng mức, tuân thủ quy trình kỹ thuật chặt chẽ, thì mỗi năm 1 ha thả 2 vụ tôm, trừ chi phí giống, bạt và dầu cũng thu về trên 1 tỷ đồng”.

Qua 2 năm nuôi tôm chuyên canh trong vùng quy hoạch mới đã khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả kinh tế của dự án chuyển ruộng lúa nhiễm mặn sang nuôi tôm chuyên canh của xã Quỳnh Thanh.

Theo ông Hồ Xuân Xuyên: “Những hộ dân thực hiện chuyển đổi đất dựa trên nguyên tắc tự thoả thuận, theo 3 hình thức: đất đổi đất; bán đứt; cho thuê trả khoán. Đã có nhiều cặp hộ thoả thuận trả khoán luôn một lúc 5 năm, hết hạn thì thỏa thuận lại mức trả khoán. Tuy vậy, đến thời điểm này vẫn còn hơn 3 ha người nông dân không chịu nuôi tôm, cũng không chịu chuyển đổi đất. Chúng tôi cũng chưa rõ nguyên nhân, có lẽ do họ chưa hiểu”.

Theo chân anh Lê Văn Giáo ra thăm vùng nuôi tôm của dự án. Trước mắt chúng tôi là vùng giáp ranh giữa những hồ nuôi tôm và ruộng trồng lúa. Những đê bao còn đắp dang dở, những thửa ruộng đã khoanh không còn trồng lúa nhưng chưa đào thành ao, những chiếc lán canh tôm dựng tạm, những con đường nội đồng ngập sâu trong nước,…

Trở lại vùng giáp ranh giữa những hồ tôm và ruộng lúa, men theo bờ ao nuôi tôm mới đắp, chúng tôi thấy nhiều đoạn bị lún sụt, mặt bờ ao bị nứt rộng và sâu, nhiều chỗ chân ao bị rò nước mặn ra ngoài. Nguyên nhân là do các công trình hạ tầng chưa hoàn thiện, đê bao chưa khép kín, chưa đảm bảo cho việc khu biệt giữa vùng nuôi tôm và vùng trồng lúa.

Những điều trắc trở của dự án mà chúng tôi được nhìn thấy thì đã rõ. Nhưng còn việc gần 150 hộ có đất trong vùng quy hoạch không có khả năng nuôi tôm nên đã phải chuyển đổi đất cho 150 hộ còn lại. Với hình thức thứ nhất - đất đổi đất, thì hợp tình hợp lý. Còn hai hình thức chuyển đổi: bán đứt và cho thuê trả khoán thì sẽ dẫn đến một số vấn đề lâu dài về xã hội, đó là khi đất trồng lúa đã đào thành ao nuôi tôm thì không thể trở lại trồng lúa được nữa, số hộ trồng lúa cho thuê trả khoán coi như đã mất đất. Số hộ đã bán hoặc cho thuê này nếu không mua lại được đất chỗ khác hoặc không tìm được ngành nghề phù hợp thì việc người nông dân thiếu đất sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ tái nghèo. Đó là những việc mà các nhà hoạch định kinh tế cần phải tính đến các vấn đề xã hội. Đừng để “con tôm làm phiền lòng cây lúa“!

Trở lại UBND huyện Quỳnh Lưu, chúng tôi gặp ông Phạm Chí Diên – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, Ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích của xã Quỳnh Thanh, nhưng địa phương phải tuân thủ nghiêm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành với tầm nhìn có tính phát triển bền vững về kinh tế và tính chất xã hội, hạn chế các tác động mang tính tiêu cực. Theo tôi, việc đầu tiên cấp uỷ, chính quyền xã Quỳnh Thanh cần làm ngay là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản lý đất đai; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; cần điều tra, nghiên cứu, xây dựng bổ sung điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hàng năm và nhiều năm để trình cấp trên phê duyệt (nếu nhu cầu thực tế thấy cần thiết cho việc chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm để tăng giá thu nhập trên một đơn vị diện tích).

Trong khi triển khai dự án phát triển diện tích nuôi tôm, hệ thống đê bao ngăn cách giữa khu nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ và vùng sản xuất lúa chưa khép kín, và hệ thống bờ ao không đảm bảo là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến vùng trồng lúa lân cận. Để giải quyết vấn đề này phải bằng giải pháp quản lý, kết hợp giải pháp kỹ thuật. Nghĩa là cần phải khẩn trương hoàn thành các hạng mục công trình của dự án, thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng các tuyến đê bao, các tuyến kênh cấp - tiêu giáp ranh giữa vùng nuôi tôm và trồng lúa; tăng cường công tác thau chua, rửa mặn cho vùng trồng lúa; chọn các giống lúa chịu chua mặn và đưa lại năng suất cao cho bà con nông dân.


Minh Thông