(Banghean.vn)- Với hơn 400 cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, mỗi năm huyện Quỳnh Lưu chế biến và xuất khẩu từ 35- 40 nghìn tấn thủy sản.
Tại xã Quỳnh Thuận, các nhà máy, cơ sở chế biến bột cá đang khẩn trương xử lý môi trường, sửa sang máy móc và đã bắt đầu hoạt động. Cùng với chế biến bột cá làm thức ăn chăn nuôi, nhiều cơ sở trên địa bàn huyện cũng đang nhộn nhịp vào vụ chế biến các loại hải sản xuất khẩu. Cơ sở chế biến mực một nắng của gia đình bà Nguyễn Thị Xinh ở Quỳnh Nghĩa thuê từ 5-7 lao động chế biến mực một nắng, tôm biển. Bà Xinh cho biết, hiện nay đang vào mùa khai thác mực xa bờ nên mỗi tháng bà thu mua 2 -3 tấn mực tươi về chế biến thành mực một nắng.
“Để chế biến mực một nắng đòi hỏi mực phải tươi, con to; sau khi thu mua về phải rửa sạch, xẻ dọc thân mực, sau đó phơi khoảng một nắng rồi đóng bao bì. Mực một nắng được tiêu thụ khắp nơi, trong các nhà hàng..” - bà Xinh cho biết.
Quỳnh Lưu hiện có 1.275 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 695 phương tiện đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác bình quân đạt từ 68- 70 nghìn tấn/năm. Cùng với đánh bắt, địa phương phát triển nghề chế biến với hơn 400 hộ tham gia thu mua, chế biến thủy sản, với phong phú chủng loại sản phẩm như nước mắm, ruốc, cá khô, tôm nõn, mực khô… Theo đó, mực khô được chế biến từ 1.000- 1.500 tấn/năm; nước mắm 4,7 triệu lít/năm; các loại cá khô từ 3.000 tấn- 5.000 tấn/năm và hàng chục nghìn tấn bột cá.
Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm được xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, một số loại đã qua chế biến như cá phi lê, đông lạnh xuất sang Nga và các nước EU. Tổng sản lượng chế biến, xuất khẩu thủy sản hàng năm đạt từ 35- 40 nghìn tấn/năm.
Việt Hùng