(Baonghean) - Việc sáp nhập điểm trường lẻ Văn Hà vào điểm trường chính để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh là một chủ trương đúng. Thế nhưng, một số người dân và phụ huynh Làng Văn Hà đã dùng tương lai của con cái như một công cụ để gây sức ép, mặc cả với chính quyền, không cho con em đến học tại điểm trường chính. Đây là những việc làm vi phạm pháp luật…
 
Lẽ thường, điều mà các bậc làm cha, làm mẹ mong muốn, trăn trở nhất là việc học tập và tương lai con trẻ. Người xưa có câu “thua thầy một vạn không bằng thua bạn một ly”. Vì vậy, họ sẵn sàng hy sinh tất cả, vượt lên mọi khó khăn, chắt chiu, dành dụm để lo cho con cái ăn học. Không những thế, ai cũng cố gắng để con em mình được sống, học tập trong môi trường đủ đầy, sung túc, để có điều kiện phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ. Trên mảnh đất xứ Nghệ, hình ảnh những phụ huynh vùng cao trèo đèo, băng rừng, lội suối, với đầy rẫy những hiểm nguy để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho con trong hành trình đi tìm con chữ; hay những ông bố, bà mẹ vùng nông thôn áo ướt đẫm mồ hôi, gò lưng đạp xe giữa trời nắng chang chang hàng mấy cây số để chở con đến trường đã trở nên quen thuộc. 
image_3598022.jpgCon của anh Nguyễn Hàm Lục (SN 1971, xóm 9, xã Quang Sơn) phải nghỉ học đã hơn 1 năm qua, tự học ở nhà. Ảnh: D.H
Ấy thế mà, tại làng Văn Hà, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương - nơi vẫn luôn tự hào với truyền thống hiếu học, chỉ vì những lý do mang tính cá nhân, sự cố chấp ăn thua mà một số người dân và phụ huynh đã bắt con em nghỉ học hàng năm trời để phản đối chủ trương sáp nhập theo quy hoạch mạng lưới trường, lớp của huyện, của tỉnh. Họ khăng khăng đòi giữ điểm trường lẻ đã xuống cấp, xập xệ, được xây dựng cách đây 30 năm dù trong thâm tâm, nhiều người biết rằng, ở điểm trường chính con cái mình sẽ có điều kiện được học tập tốt. Vì sao vậy? Liệu có phải là vì lý do đường xa, khó đi; vì bận làm mùa, làm ăn, không có thời gian đưa đón con đi học, vì điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền xăng xe chở con đi? Điều này có thể nói là không thoả đáng, nếu không muốn nói là đầy mâu thuẫn. Bởi quãng đường đi từ đầu làng Văn Hà đến điểm trường chính là 1,8 km; từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính 2,3 km không phải là quá xa. Con đường tuy chưa có điều kiện đổ bê tông, nhưng cũng đã được chính quyền tu bổ, nâng cấp, rải đá dăm. Hơn nữa, thực tế có những gia đình hàng ngày vẫn chở con lớn học lớp 4, 5 đi học ở điểm trường chính, nhưng vẫn kiên quyết để đứa học lớp 2, lớp 3 ở nhà. Một số người nêu lý do không có tiền xăng xe chở con đi học, nhưng lại tuyên bố hùng hồn “nhân dân làng Văn Hà sẵn sàng đóng góp xây dựng nhà hai, ba tầng, mua máy vi tính đầu tư cho con em học tại điểm trường lẻ”. Họ còn sẵn sàng chở con vượt quãng đường 60, 70 cây số xuống Thành phố Vinh đứng mấy ngày trời trước cổng các cơ quan chức năng để đòi “quyền được đi học” bất chấp thời tiết mưa nắng thất thường, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của những đứa trẻ mới lên sáu, lên bảy. Và trong quá trình thâm nhập thực tế, chúng tôi còn chứng kiến những gia đình hoàn cảnh kinh tế rất khá giả, nhưng vẫn cho con nghỉ học cả năm trời, bởi “sống giữa cộng đồng, chúng tôi không muốn thế, nhưng buộc phải làm thế...”.
 
Trong một số cuộc đối thoại giữa chính quyền, nhà trường với người dân và các bậc phụ huynh mà chúng tôi tham dự, có thể thấy rằng, phần lớn ý kiến phát biểu tại các cuộc đối thoại này là của những người lớn tuổi và những người không có con đi học tại điểm trường lẻ. Họ luôn miệng nhân danh “đại diện nhân dân làng Văn Hà”, nhưng những ý kiến mà họ nêu ra không nhằm vào trọng tâm các vấn đề liên quan đến sự học của con em trong làng, mà là những nội dung nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ địa phương. Thực tế thì đây cũng không phải là lần đầu tiên một số người dân làng Văn Hà có thái độ bất hợp tác trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay cả việc thực hiện một số nghĩa vụ thuế, quỹ hàng năm như nộp sản phẩm hay chỉ đơn giản là việc bình xét hộ nghèo, cũng không được một số người hợp tác với xã, xóm để thực hiện. Từ những hiện tượng trên buộc chúng tôi phải đặt câu hỏi, đằng sau sự việc ngăn cản trẻ em làng Văn Hà đến trường là gì? Liệu có phải động cơ ở đây chỉ để thoả mãn tính cố chấp, máu ăn thua, thi gan với chính quyền cho “đã cơn nư” của một số người bất mãn với một số cán bộ ở chính quyền xã, xóm?
 
Dù bất cứ lý do gì, thì các hành động: ngăn cản con em đến trường học tập; chở trẻ nhỏ xuống Thành phố Vinh treo biểu ngữ đứng trước trụ sở các cơ quan công quyền để gây sức ép của một bộ phận người dân và phụ huynh làng Văn Hà là vi phạm Điều 8, Điều 9 Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hiệp quốc; Mục 8, Điều 7 (Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em Việt Nam) nghiêm cấm hành vi “Cản trở việc học tập của trẻ em”. Mục 1, 2, Điều 10, Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng chỉ rõ: Lợi dụng uy tín, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vật chất, uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học; Bắt buộc, dụ dỗ trẻ em bỏ học, nghỉ học để gây áp lực, khiếu kiện, biểu tình trái pháp luật là hành vi cản trở việc học của trẻ em. Bên cạnh đó, hành vi phá lúa, đốt rơm của một số gia đình có con, cháu đi học của một số đối tượng là có dấu hiệu của tội “huỷ họai tài sản” được quy định tại Điều 143, Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
 
Ai cũng biết rằng, quyền được học tập là quyền cơ bản và có ý nghĩa quan trọng đối với trẻ em được pháp luật bảo hộ. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc đưa tinh thần và nội dung của Công ước vào luật pháp quốc gia đã được ban hành hay sửa đổi, bổ sung đều quan tâm đến quyền lợi của trẻ em, trong đó có quyền học tập. Theo quy định của luật pháp Việt Nam: Mọi trẻ em, không phân biệt điều kiện, hoàn cảnh đều được bình đẳng về cơ hội học tập và được Nhà nước tạo điều kiện cho học tập. Luật Giáo dục năm 2005 cũng khẳng định mục tiêu của giáo dục Việt Nam là “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp… hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Với mục tiêu đó, trẻ em có quyền được tạo điều kiện tiếp cận với một nền giáo dục cơ bản, toàn diện và có chất lượng. Việc sáp nhập theo quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở Quang Sơn (Đô Lương) cũng không không nằm ngoài mục tiêu này. Và việc chăm lo, đảm bảo quyền học tập trong môi trường giáo dục tốt nhất cho trẻ em là trách nhiệm chung của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Do vậy, các bậc phụ huynh làng Văn Hà phải có nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc thực hiện quyền được học tập và phát triển lâu dài của con mình.
 
Chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ vào điểm trường chính tại xã Quang Sơn là hoàn toàn đúng, không chỉ tạo điều kiện cho học sinh tiểu học mà còn giúp cho các cháu ở lứa tuổi mầm non tại làng Văn Hà có cơ hội được học tập trong môi trường tốt hơn. Do vậy, vì tương lai lâu dài của con em, phụ huynh làng Văn Hà cần ủng hộ chủ trương sáp nhập của chính quyền và ngành Giáo dục. Không nên vì sự cố chấp, ăn thua của một bộ phận người lớn mà đẩy con trẻ vào nguy cơ thất học. Càng không thể vì mâu thuẫn của người lớn mà đem tương lai của con trẻ ra  “đánh cược”, “mặc cả” với chính quyền. Đành rằng, trong quá trình triển khai sáp nhập, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, lấy ý kiến cử tri của các cấp chính quyền có lúc, có khi chưa thật sự nhuần nhuyễn; một bộ phận người dân không đồng tình hoặc bất bình với một số cá nhân trong đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp. Nhưng không thể lấy cái sai này làm cái cớ để dẫn tới hàng loạt cái sai khác. Và một khi chính quyền các cấp, ngành đã làm hết cách để tạo điều kiện cho các cháu đến trường, mà các bậc cha mẹ vẫn bảo thủ, cố chấp thì không ai khác, chính họ phải chịu trách nhiệm trước tương lai của con em mình và cả trước pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật của mình.
 
Đối với các cấp chính quyền của huyện Đô Lương, xã Quang Sơn, việc sau 2 năm tuyên truyền, vận động, đối thoại mà vẫn không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân cho thấy những hạn chế trong công tác dân vận, mà nguyên nhân xuất phát từ sự yếu kém của hệ thống chính trị, nhất là ở cấp xã, xóm. Đây cũng là bài học mà cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Trong tình hình thực tế hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân và phụ huynh làng Văn Hà đồng thuận với chủ trương sáp nhập trường, lớp, sớm đưa con em đến trường học; huyện Đô Lương cần có các giải pháp cụ thể nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường đối thoại, lắng nghe, giải quyết thấu tình, đạt lý ý kiến của người dân, trên tinh thần cầu thị, xây dựng, qua đó tạo niềm tin cho nhân dân. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi xúi giục, kích động, uy hiếp, ngăn cản không cho học sinh làng Văn Hà đến trường để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật…
 
Nhóm P.V
Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi năm 1992) quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ công dân”. Cùng với Hiến pháp, quyền này còn được cụ thể hoá trong nhiều văn bản khác nhau của hệ thống luật pháp. Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em năm 2004 khẳng định tại Điều 16: “Trẻ em có quyền được học tập”. Tại Mục 1, 5 Điều 11, Nghị định số 338 – HĐBT ngày 26/10/1991 về thi hành Luật Phổ cập giáo dục tiểu học quy định: Cha mẹ, người đỡ đầu của trẻ em có trách nhiệm: Bảo đảm các điều kiện để trẻ em hoàn thành giáo dục tiểu học trước độ tuổi, bảo đảm cho trẻ em đi học đúng độ tuổi, bảo đảm không cho trẻ em bỏ học; trong trường hợp con, trẻ em được đỡ đầu không hoàn thành giáo dục tiểu học theo luật định, phải chịu các hình thức xử phạt thích hợp.
Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự:
Ở khía cạnh pháp lý, hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp học phổ cập đã vi phạm Công ước về quyền trẻ em 1989 mà Việt Nam phê chuẩn ngày 20/2/1990. Hành vi này còn vi phạm quy định tại Điều 94, Luật Giáo dục 2005: "Cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em hoặc người được giám hộ được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường; Mọi người trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em; người lớn tuổi có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con em, cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục”. Với hành vi này, những người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại Điều 22, Nghị định 138/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục: "1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi xúi giục không đi học, hoặc xúi giục bỏ học đối với người học các cấp học phổ cập. 2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp học phổ cập". 
 Tại Mục 2, Điều 30, Chương II, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cấm, cản trở quyền học tập của trẻ em như sau: "1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em; b) Cố tình không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc học tập của trẻ em theo quy định của pháp luật, không bảo đảm thời gian, điều kiện học tập cho trẻ em. 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học".
Ở khía cạnh xã hội, việc cản trở đi học của người học các cấp học phổ cập cũng đáng lên án, vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em, đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước, gây mất trật tự, an toàn xã hội và chính sách của địa phương.