Chỉ trong 5 năm, Trường Sĩ quan Không quân đã huấn luyện bay được 1.109 ban với 48.357 chuyến. Vậy để trở thành phi công, học viên khổ luyện thế nào?

images1382635_1.jpgĐó là một 'hành trình' mà tất cả những phi công trẻ thế hệ 7X, 8X của Trung đoàn Không quân 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) phải vượt qua trước khi làm chủ bầu trời Tổ quốc…
Từ lý thuyết đến thực hành bay huấn luyện, các phi công phải trải qua khoảng thời gian dài tích cực luyện tập, từ bay mô hình, chuyển qua bay cạn (tức là quá trình tập luyện dưới mặt đất với quy trình y hệt như sẽ thực hiện ở trên không).
Với mỗi phi công, yếu tố sức khỏe và bản lĩnh xử lý tình huống luôn được đặt lên hàng đầu. Đơn giản như trong một bài bay nhào lộn phức tạp, phi công ngồi trong buồng lái bị áp lực đè lên cơ thể. Quá trình nhào lộn, máu trên não sẽ dồn xuống chân gây thiếu máu não, có thể dẫn đến thiếu tỉnh táo.
Một số người trong quá trình tập luyện những bài bay này đã rơi vào trạng thái không kiểm soát được. Như thế không đủ điều kiện trở thành phi công lái chiến đấu cơ.
Vì vậy, để có thể tham gia các bài bay tốt, bản thân mỗi phi công phải tự đề ra cho mình kỷ luật thép trong rèn luyện thể lực bổ trợ tiền đình và nâng cao sức khỏe, sức bền đồng thời kết hợp với tự nghiên cứu học tập nâng cao trình độ, hoàn thiện bản thân. Tiêu chí về giỏi ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Nga) cũng là yếu tố bắt buộc.
Được biết, Khóa 39 vừa được Trường Sĩ quan Không quân tổ chức Lễ tốt nghiệp là khóa phi công quân sự thứ 2 được nhà trường triển khai rút ngắn chương trình đào tạo bậc đại học theo chương trình 4 năm và cũng là năm đầu tiên huấn luyện thực hành bay cho học viên phi công trực thăng không qua thực hành bay Yak-52.
Hiện nay, toàn bộ máy bay Yak-52 được biên chế trong Trung đoàn Không quân 920 (Trường Sĩ quan Không quân). Tất cả học viên phi công sau này muốn được bước lên những chiếc tiêm kích Su-27/30 hiện đại đều phải trải qua quá trình học tập trên chiếc Yak-52.
Máy bay huấn luyện sơ cấp Yak-52 trang bị một động cơ Vedeneyev M14P với cánh quạt 2 lưỡi. Yak-52 có thể đạt tốc độ tối đa tới 272km/h, vận tốc leo cao 7m/s.
Yak-52 đạt tầm bay tới 510km, trần bay 4km. Để có thể thực hành trên máy bay thật, học viên phi công tập lái trên buồng lái mô phỏng máy bay Yak-52.
Ngoài máy bay huấn luyện Yak-52, các phi công quân sự Việt Nam còn được huấn luyện với máy bay L-39. Đây là dòng máy bay huấn luyện đa tính năng được phát triển tại Cộng hòa Czech.

Theo Đất Việt