Quy chế Tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non dự kiến cơ bản vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như các năm trước là sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển; sử dụng kết quả tuyển sinh riêng của một số trường; xét học bạ THPT và sử dụng một số kết quả chứng chỉ quốc tế (SAT/ICT); kết quả thi học sinh giỏi.

Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện thực tế cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, năm nay sẽ có một số điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, đồng thời hạn chế tối thiểu những sai sót không đáng có.

Thí sinh được đăng ký xét tuyển nguyện vọng trực tuyến

Một trong những thay đổi đáng chú ý trong dự thảo Quy chế là việc đăng ký xét tuyển. Thí sinh được phép đăng ký xét tuyển nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến (tại các nơi có đủ điều kiện) theo quy định của Sở GD&ĐT kèm theo lệ phí đăng ký xét tuyển thay vì chỉ có thể đăng ký trực tiếp trên phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển như những năm trước.

Với những địa bàn khó khăn về thiết bị, đường truyền, các trường THPT, đại học, cao đẳng trên địa bàn sẽ tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh về kỹ thuật khi đăng ký trực tiếp.

image_5312162_15102020.jpegMột tiết tiếng Anh của Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên). Đây là trường có sự tiến bộ vượt bậc về kết quả môn tiếng Anh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh tư liệu Mỹ Hà.

Cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần

Nếu như những năm trước, sau khi có kết quả thi THPT thí sinh chỉ có một lần điều chỉnh nguyện vọng. Sau khi điều chỉnh, nếu muốn thay đổi, bổ sung, thí sinh không thể thực hiện thì năm nay, dự kiến thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần.

Bộ GD&ĐT cho biết, việc cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần là phương án đã có trong lộ trình đổi mới thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Mục tiêu của điều chỉnh này là tạo điều kiện cho các thí sinh có thêm cơ hội điều chỉnh quyết định. Chính sách tuyển sinh cũng sẽ bắt nhịp cùng quy trình tuyển sinh của các nước, tạo môi trường thuận lợi, hạn chế áp lực cho thí sinh.

“Việc điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần cũng không làm ảnh hưởng đến việc lọc ảo của hệ thống. Lọc ảo và điều chỉnh nguyện vọng là 2 quy trình ở các giai đoạn khác nhau”, Bộ GD&ĐT thông tin.

Đoàn kiểm tra trò chuyện và động viên các thí sinh trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Điều chỉnh trách nhiệm của các bên

Nếu như năm trước, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng, vận hành cổng thông tin để hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh, bao gồm các thông tin về: Chỉ đạo, điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả thi tốt nghiệp THPT; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh;… thì năm nay, Bộ GD&ĐT dự định sẽ chỉ hỗ trợ các cơ sở đào tạo xây dựng, duy trì và vận hành cổng thông tin. Bộ sẽ đóng vai trò quản lý, thống nhất cơ sở dữ xét tuyển chung quốc gia.

Cũng do năm nay thí sinh được đăng ký xét tuyển nguyện vọng trực tuyến nên UBND tỉnh, thành phố, Sở GD&ĐT còn có trách nhiệm chỉ đạo các điểm thu nhận hồ sơ triển khai để thí sinh chỉ được chọn 1 trong 2 phương thức là đăng ký trực tiếp trên Phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng hoặc đăng ký trực tuyến (tại các nơi có đủ điều kiện), hướng dẫn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng theo phương thức trực tuyến.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến phản biện của chuyên gia và xã hội và sẽ chốt phương án tuyển sinh 2021 sau khi cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng các ý kiến góp ý.