(Baonghean) - Đến năm 2020, tỉnh quy hoạch thành 547 mỏ vật liệu xây dựng thông thường. Đó là các sản phẩm: đá xây dựng, cát, đất sét... Riêng đá xây dựng hiện có 171 điểm mỏ, tổng tài nguyên hiện có là 10.867 triệu m3.
Xác lập từng cụm, điểm
Theo quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh đến năm 2020 được tỉnh phê duyệt, Nghệ An sẽ quy hoạch các mỏ thành từng cụm.
Một số huyện có trữ lượng đá xây dựng lớn được quy hoạch như sau: Vùng Quỳ Hợp quy hoạch 3 cụm khai thác hoàn toàn đá xây dựng thông thường, gắn với cụm công nghiệp làng nghề, với sản lượng 1 triệu m3/năm.
Vùng Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa tiếp tục quy hoạch cho khai thác các khối sau: Các khối đá vôi lèn Ngách, lèn Rút (xã Tây Hiếu, Nghĩa An); lèn Đức Long, lèn Bãi (xã Nghĩa Đức); lèn Cát Mộng, lèn Dài (xã Nghĩa Hiếu) và các khối đá vôi ở Nghĩa Lâm.
Vùng Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai: Sẽ hình thành khu khai thác sản xuất VLXD lớn nhất nằm ở phía Bắc của tỉnh, với sản lượng khai thác toàn vùng 600.000 - 800.000 m3/năm.
Vùng Tân Kỳ quy hoạch thành 2 cụm, mỗi cụm có 1 đơn vị khai thác, với sản lượng 150.000 - 200.000 m3/năm, cụm 1 phần khối đá vôi thuộc xã Tân Long, cụm 2 một phần khối đá vôi thuộc Thung Voi, xã Tiên Kỳ.
Vùng Yên Thành: Hình thành cụm sản xuất VLXD lớn thứ 2 của tỉnh (sau TX. Hoàng Mai), với tổng sản lượng khai thác toàn vùng 600.000 - 700.000 m3...
Đến năm 2020, Nghệ An quy hoạch 547 điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường, trong đó bổ sung thêm 76 điểm mỏ mới với tài nguyên thăm dò khai thác là 402,885 triệu m3.
Cụ thể: Cát, sỏi xây dựng 200 điểm mỏ với tài nguyên quy hoạch: 67,888 triệu m3. Đá xây dựng 202 điểm mỏ, tài nguyên quy hoạch 173,7 triệu m3; sét gạch, ngói có 50 điểm mỏ, tài nguyên quy hoạch là 16,387 triệu m3; đất san lấp có 95 điểm mỏ; tài nguyên quy hoạch 144,91 triệu m3.
Đảm bảo khai thác hợp lý, hiệu quả
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 171 điểm mỏ đá xây dựng, 126 điểm mỏ cát, sỏi phân bố chủ yếu dọc theo các lòng sông lớn với tổng tài nguyên thăm dò ước 108,256 triệu m3, trong đó có 61 điểm dọc sông Lam (sông Cả), 49 điểm dọc sông Hiếu và 56 điểm mỏ sét gạch ngói với tổng tài nguyên 55,255 triệu m3, trong đó một số điểm mỏ đã và đang khai thác để sản xuất gạch ngói, phân bố chủ yếu ở các huyện đồng bằng và trung du. Đây là những vật liệu xây dựng hết sức quan trọng đối với đời sống và sản xuất.
Tài nguyên vật liệu xây dựng thông thường đang ngày càng được sử dụng với tốc độ cao cho xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi đó là tài nguyên không thể tái tạo.
Việc khai thác hiệu quả, tiết kiệm, khoa học đang được đặt ra là một yêu cầu rất quan trọng đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, tuy nhiên lại chưa được quan tâm đúng mức.
Theo ông Lê Cương Sơn - Trưởng phòng Quản lý vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng Nghệ An thì: Hiện nay công nghệ khai thác đá xây dựng chủ yếu là nổ mìn phá đá, tuy nhiên, tiên tiến nhất là nổ mìn visai, tức là nổ theo dây chuyền liên tục với sự hỗ trợ bằng máy khoan công suất lớn, hiện đại, khoan sâu vào lòng đá hàng chục mét. Phương pháp nổ mìn này triệt tiêu các sóng chấn động. Mỗi lần nổ được khối lượng rất lớn, tạo ra sản phẩm lớn cho doanh nghiệp khai thác.
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp nổ mìn thủ công, khoan lỗ bằng máy khoan cầm tay, không hiệu quả và thiếu an toàn. Bên cạnh đó lại lãng phí trong khai thác. Bởi vậy các doanh nghiệp cần đầu tư khoa học công nghệ mới, khai thác theo đúng thiết kế mỏ, khai thác từ trên xuống dưới đối với đá xây dựng.
Doanh nghiệp cần tận dụng được mọi sản phẩm khai thác, không chỉ khối to mà còn khối nhỏ, đá vụn, đá xay và đá bột…
Trữ lượng vật liệu xây dựng thông thường tuy còn dồi dào, song do tính không thể tái tạo nên cần phải tiết kiệm ngay từ bây giờ. Tnh sẽ tổ chức sắp xếp lại sản xuất các cơ sở khai thác đá hiện có để giảm bớt đầu mối khai thác. Các cơ sở hết hạn khai thác cần được kiểm tra, xem xét về năng lực và chủng loại khoáng sản để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của Luật Khoáng sản.
Khuyến khích các đơn vị liên doanh, liên kết để giảm bớt đầu mối khai thác, phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sản lượng khai thác của mỗi cơ sở ít nhất 100.000 m3/năm.
Tỉnh cũng sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với lao động mất việc làm sau khai thác khoáng sản, chính sách tái định cư đối với điểm mỏ quy hoạch, cơ chế hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản do Nhà nước đầu tư từ nguồn ngân sách…
Theo quy hoạch, tỉnh hạn chế cấp mỏ có quy mô khai thác dưới 100.000 m3/năm. Tuy nhiên, đối với các huyện miền núi, nhu cầu đá xây dựng không lớn, thường hay có những công trình phát sinh trong kỳ quy hoạch thì có thể tồn tại quy mô khai thác
Năm 2015, Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ, lập hồ sơ xử lý 68 vụ, 69 đối tượng (68 cá nhân và 1 tổ chức) khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Tạm giữ 500 kg thiếc, 8 thuyền máy, 1 phà sắt, 25 búa khoan hơi, 12 máy nổ, 2 máy xúc. Xử lý vi phạm hành chính 66 vụ, 67 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước 560,85 triệu đồng.
Châu Lan