Thô sơ, thiếu đồng bộ… đang là thực trạng của hệ thống cảng cá, bến của nước ta hiện nay. Chính những bất cập này đã và đang kìm hãm sự phát triển nghề khai thác thủy sản của Việt Nam.
Nhiều bất cập:
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 20 công trình cảng cá trung tâm vùng lãnh thổ, 84 công trình cảng cá địa phương và 101 công trình bến cá. Sự hình thành hệ thống cảng cá, bến cá từng được coi là đã đáp ứng cơ bản công tác hậu cần nghề cá, tăng sản lượng khai thác xa bờ, giảm áp lực khai thác ven bờ, đồng thời tạo điều kiện cho quản lý nghề cá. Tuy nhiên, quá trình đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, bến cá trên toàn quốc chưa đáp ứng được quy mô, số lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, chưa xúng tầm với tầm phát triển của nghề cá. Sau một thời gian đưa vào khai thác sử dụng, hệ thống cảng cá, bến cá đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết.
Trước năm 2005, do chưa có quy hoạch tổng thể nên một số cảng cá đã phải chuyển đổi mục tiêu sử dụng. Đó là cảng cá Cát Bà (Hải Phòng) phải chuyển giao cho ngành du lịch; cảng cá Xuân Phổ (Hà Tĩnh) chuyển giao cho Cảnh sát Biển; cảng cá Thuận Phước phải dời sang cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) dành mặt bằng cho dự án xây dựng đường Bạch Đằng nối dài… Cảng cá Sông Gianh được Chính phủ cấp đất nhưng diện tích bị thu hẹp do UBND tỉnh Quảng Bình thu hồi đất để cấp lại cho đơn vị khác. Cảng cá Tiên Châu (huyện Tuy An, Phú Yên) tổng vốn đầu tư hơn 27,9 tỷ đồng, thuộc Chương trình biển Đông - Hải đảo của Trung ương, hoạt động từ tháng 7/2006, nhưng nay chỉ 5 - 10% tàu công suất nhỏ vào cảng, lượng thủy sản qua cảng chỉ khoảng 200 tấn/năm, bằng 3,3% công suất thiết kế…
Hiện, số lượng cảng cá, bến cá chưa đáp ứng đủ yêu cầu, chất lượng, bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư xây dựng, kế hoạch vốn hầu như chưa đáp ứng nhu cầu của các công trình. Nhiều dự án do lo ngại về vốn, về mức đầu tư nên đã ảnh hưởng đến quy mô công trình. Hiện, nhiều công trình quá tải, không đạt yêu cầu thẩm mỹ, bố trí mặt bằng chưa phù hợp, công nghệ lạc hậu, thiếu hạng mục phụ trợ. Một số cảng cá xây dựng xong đưa vào sử dụng xuất hiện sa bồi luồng. Một số cảng cá (Ba Tri, Phan Thiết, Quy Nhơn...) không đủ vị trí cho tàu cập bến.
Hơn nữa, hệ thống cảng cá, bến cá vẫn chưa có sự thống nhất quản lý trên toàn quốc. Tại Khánh Hòa thành lập Công ty quản lý cảng cá, tại Nghệ An thành lập Ban quản lý cảng cá, tại Kiên Giang thành lập Xí nghiệp quản lý bến - cảng cá Kiên Giang… Cảng cá Cát Lở (Vũng Tàu), Ngọc Hải (Đồ Sơn, Hải Phòng) được giao cho doanh nghiệp quản lý. Tại các cảng cá, bến cá, các nhà quản lý đã kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các hạng mục sản xuất dịch vụ như: Sản xuất nước đá, bột cá; sơ chế thủy sản; sửa chữa cơ khí; mở các gian hàng tạp hóa và cơ sở dịch vụ ăn uống, sử dụng triệt để quỹ đất hiện có. Hầu hết các cảng cá, bến cá thu phí theo biểu tạm thời do UBND tỉnh thông qua, chưa có biểu phí chính thức do Bộ Tài chính ban hành.
Nhìn chung, các cảng cá, bến cá chưa phối hợp tổ chức được các hoạt động quản lý môi trường, thống kê nguồn lợi, chất lượng sau khai thác; nhất là chưa tổ chức được hệ thống nậu vựa thu mua trên cảng, nên vẫn còn tình trạng ép giá ngư dân.
Giải pháp nào?
Hiện nay Bộ NN&PTNT đã đầu tư cho ngành thủy sản các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Cà Mau bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Với nguồn vốn đầu tư này, cảng cá, bến cá tại các địa phương trên đang được nâng cấp để khắc phục các khiếm khuyết.
Cho đến nay số lượng cảng cá, bến cá đã đáp ứng cơ bản nhu cầu nghề cá. Tuy nhiên thời gian tới, Nhà nước cần đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá, bến cá trên toàn quốc. Ngày 1/12/2006, Bộ Thủy sản đã ban hành Quy chế quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão cho tàu cá, kèm theo Quyết định số 20/2006/QĐ-BTS. Các địa phương nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý cảng theo quy chế, nhiệm vụ quản lý cảng phải gắn với công tác thống kê nguồn lợi, quản lý tàu thuyền, môi trường, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, cần tổ chức lại hoạt động mua thủy sản trong cảng, gắn kết khai thác với chế biến, nâng cao hiệu quả sau thu hoạch, giảm chi phí trung gian.
Theo Thủy sản Việt Nam