(Baonghean) - Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp hàng nghìn lượt hộ nông dân trong tỉnh được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt từ nguồn vốn vay đã hình thành nhóm hộ liên kết sản xuất tạo giá trị hàng hóa lớn hơn, vươn lên làm giàu.
Xuất thân trong một gia đình nông thôn nghèo khó, cuộc sống anh Trần Minh Tý ở xóm Hồng Phong, xã Lưu Sơn (Đô Lương) vốn chật vật với nghề phụ hồ. Sau dồn điền đổi thửa, anh nhận thầu 0,6 ha đất hoang hóa để làm mô hình vườn, ao, chuồng. Ngoài nguồn vốn tích lũy được, anh vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống.
» Những nông dân không chịu nghèo
» Tỉnh Nghệ An: Khen thưởng 131 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Năm đầu tiên nuôi 3 con bò sinh sản, sau đó được Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay 40 triệu đồng, anh Tý mua thêm bò giống dần phát triển lên 9 - 12 con bò sinh sản. Ngoài ra, gia đình anh còn trồng 3 sào cỏ sữa, 2 sào ngô, 6 sào lúa, lạc… để có nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn bò. Trung bình mỗi năm đàn bò sinh sản thêm 6 bê con, đem lại thu nhập lãi ròng trên 70 triệu đồng/năm.
Anh Tý chia sẻ: “Tuy mức cho vay chưa nhiều, nhưng nhờ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình tôi có thêm kinh phí đầu tư nâng tổng đàn chăn nuôi, từ đó ngày càng cho hiệu quả cao hơn”.
Ông Nguyễn Hồng Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đô Lương cho biết: Sau 5 năm triển khai, đến nay nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã cho hơn 100 hộ hội viên vay tại địa bàn 6 xã gồm Thuận Sơn, Hiến Sơn, Văn Sơn, Tân Sơn, Lam Sơn và Nhân Sơn với tổng nguồn vốn hơn 3 tỷ đồng. Bà con vay vốn chủ yếu đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, sản xuất mộc, làm bún... với mức vay bình quân 30 - 40 triệu đồng/hộ, thời gian vay trong 3 năm, rất thuận lợi cho nông hộ quay vòng vốn hiệu quả, 100% hộ vay vốn đều chấp hành nghiêm túc trả nợ đến hạn, không phát sinh nợ xấu; từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho hội viên nông dân.
Ở huyện Anh Sơn, năm 2013 với nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã triển khai xây dựng dự án “Trồng cam hàng hóa” tại xã Đỉnh Sơn với quy mô gần 10 ha gồm 20 hộ tham gia, tổng số vốn đầu tư gần 1,3 tỷ đồng, trong đó vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh 600 triệu đồng, thời gian vay 3 năm. Đến nay sau gần 5 năm thực hiện, dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người trồng cam, hàng năm sau khi trừ chi phí, mỗi hộ có lãi ròng 400 - 500 triệu đồng. Từ hiệu quả mô hình trồng cam ở xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn), Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát, đánh giá và nhân rộng mô hình ở các huyện Yên Thành, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông.
Tại xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) có lợi thế và tiềm năng phát triển chăn nuôi trâu bò sinh sản, nhưng các hộ dân thiếu vốn đầu tư. Nắm bắt nhu cầu của hội viên, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức khảo sát, thẩm định và trình Trung ương hội đầu tư vốn để xây dựng mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại xã Nghĩa Đồng với quy mô đầu tư 575 triệu đồng, trong đó vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân 400 triệu đồng, triển khai cho 20 hộ vay để mua 20 con trâu mẹ. Sau 5 năm thực hiện, dự án đã phát triển đàn trâu từ 20 con lên gần 90 con, giá bán mỗi con trâu con từ 15 - 20 triệu đồng.
Hiệu quả của dự án chăn nuôi trâu có sức lan tỏa lớn, đã được nhân rộng trong toàn huyện và nhiều huyện khác, nhất là các huyện miền núi như: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn… Tính đến cuối năm 2016, có 133 dự án chăn nuôi, chiếm 81% tổng dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, trung bình mỗi hộ (sau 3 năm vay vốn) thu được lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/hộ từ chăn nuôi trâu bò sinh sản.
Có thể nói, phát triển chăn nuôi ưu tiên về đại gia súc là hướng đi đúng đắn, phù hợp điều kiện khí hậu, thức ăn, kinh nghiệm của người nông dân Nghệ An. Vì thế các dự án chăn nuôi trâu bò nhất là chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại các địa phương trong tỉnh phát huy hiệu quả rất tốt, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nông dân.
Hầu hết các dự án do nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh quản lý đều được triển khai tại vùng dân cư tập trung, cùng đầu tư sản xuất hàng mộc, hay cùng nuôi trồng một loại cây, con, cùng ngành nghề, lĩnh vực nên sử dụng chung từ giống, nguyên liệu cho đến ứng dụng kỹ thuật. Bên cạnh việc thuận lợi để chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, các thành viên trong vùng dự án đã biết phân công các công đoạn sản xuất cho mỗi nhóm hộ để hỗ trợ lẫn nhau giảm chi phí, nâng hiệu quả sản xuất.
Tại các mô hình chổi đót Hòa Hội, xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn), mộc dân dụng Tây Hồ (thị trấn huyện Nam Đàn), trồng nấm ở xã Sơn Thành (Yên Thành),… và nhiều mô hình vay vốn quỹ khác đã và đang dần hình thành những nhóm hộ chuyên lo tìm kiếm nguyên liệu và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều mô hình dự án sử dụng vốn quỹ đã góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của từng địa phương. Điển hình như mô hình chế biến hải sản ở phường Nghi Hải (Cửa Lò), xã Diễn Ngọc (Diễn Châu); làng nghề mộc dân dụng xã Thái Sơn (Đô Lương); mô hình trồng nấm ở xã Khánh Thành, Sơn Thành (Yên Thành), mô hình nuôi gà lấy trứng tại xã Diễn Trung (Diễn Châu)…
Ông Trần Văn Hường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Từ những kết quả trong thực tiễn cho thấy đồng vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp hàng nghìn hộ nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, đồng thời thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp”.
Không chỉ tạo điều kiện cho hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, Quỹ Hỗ trợ nông dân còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Các dự án vay vốn của Quỹ để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con nông dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn và hướng tới thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Sau 5 năm triển khai cho vay, đến nay tổng dư nợ vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt hơn 32,2 tỷ đồng, trong đó dư nợ nguồn vốn của Trung ương Hội ủy thác 13,3 tỷ đồng, nguồn vốn của tỉnh gần 19 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh đang triển khai 84 dự án cho 1.161 hộ vay để đầu tư các mô hình chăn nuôi, dịch vụ ngành nghề, trồng trọt, chế biến hải sản, sản xuất mộc dân dụng và mỹ nghệ,…
» Những lời lẽ kích động của Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam
» Giáo dân Nghệ An vạch trần sự biến chất của linh mục Nguyễn Đình Thục
Quỳnh Hậu
TIN LIÊN QUAN |
---|