Có quá nhiều rượu kém chất lượng lưu thông trên thị trường đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cùng với người dân nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn.

Thời gian qua, các vụ ngộ độc rượu methanol liên tiếp xảy ra cùng mức độ nghiêm trọng của nó đã khiến dư luật đặt nhiều dấu hỏi về chất lượng rượu sản xuất trong nước, cũng như công tác quản lý ngành cồn, rượu của Việt Nam.

70% rượu không được kiểm soát chất lượng

Theo Nghị định 94 của Chính phủ, các cơ sở sản xuất rượu phải đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm phải đăng ký chất lượng với Sở Y tế mới được phép mua tem rượu sản xuất trong nước.

images1858766_ngan_chan_ruou_thu_cong_ruou_kem_chat_luong_lieu_co_kha_thi_hinh_1_58d5d9658f707.jpgHàng loạt vụ ngộ độc do uống rượu kém chất lượng xảy ra trong thời gian gần đây gây lo ngại cho người dân.

Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát, 70% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế. Hậu quả là Nhà nước thất thu một khoản tiền thuế rất lớn và nguy hiểm hơn, điều này đồng nghĩa với việc 70% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không được kiểm soát về mặt chất lượng.

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, nếu theo đúng quy định, trên thị trường hiện đang có đến 70% các loại rượu thủ công không đáp ứng được quy định về dán tem, chứng nhận hợp quy, cơ sở sản xuất phải được kiểm nghiệm định kì 12 tháng/lần, hay là rượu phải có dán nhãn ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần...

Các chuyên gia nhận định, việc kiểm soát rượu không chặt chẽ không những gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, gây thất thu cho nhà nước mà còn góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh. Các doanh nghiệp lớn nộp thuế sẽ không thể cạnh tranh về giá thành so với các loại rượu thủ công. Lo ngại hơn là nhiều cơ sở sản xuất rượu thủ công còn làm giả tem thuế dán lên sản phẩm của mình để che mắt các cơ quan quản lý nhà nước.

PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất, hơn lúc nào hết, Nhà nước cần phải có quy định cấm sử dụng cồn công nghiệp và cồn y tế dùng cho pha chế rượu.

“Chính quyền các địa phương phải thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn các hành vi tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, người tiêu dùng chỉ sử dụng loại rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhằm triệt tiêu việc sản xuất, kinh doanh rượu kém chất lượng” PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Về mặt quản lý thị trường tiêu thụ, ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về buôn lậu và gian lận thương mại đề nghị, việc ngăn chặn sản xuất và kinh doanh rượu thủ công, rượu kém chất lượng cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức phát hiện và tố cáo hành vi sản xuất, tiêu thụ rượu kém chất lượng. Người tiêu dùng không sử dụng rượu thủ công rẻ tiền, không rõ xuất xứ, chỉ sử dụng rượu có nhãn hiệu, rõ nguồn gốc.

Quản lý chặt nguyên liệu, xử lý nghiêm vi phạm

Tại buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc về tình hình quản lý, sản xuất và kinh doanh liên quan đến hóa chất nguy hại methanol, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, việc quản lý hóa chất, đặc biệt là hóa chất trong danh mục nguy hiểm, bị cấm hiện còn nhiều lỗ hổng, bất cập.

Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo, cần rà soát tổng thể hệ thống pháp luật trong quản lý nguồn hóa chất, phụ gia pha chế rượu, đặc biệt là cồn công nghiệp… Vụ Pháp chế thuộc Bộ cần chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát các văn bản liên quan vấn đề quản lý hóa chất cấm, hóa chất độc hại từ trong sản xuất, nhập khẩu, thông quan, tồn chứa, sử dụng, kinh doanh…

“Vụ Pháp chế không chỉ thẩm định các đơn vị xây dựng văn bản pháp luật mà còn phải phối hợp với thanh tra để đôn đốc các đơn vị, tăng cường công tác hậu kiểm. Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Khoa học và công nghệ phối hợp với Bộ Y tế xây dựng quy định nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất rượu tự nấu của người dân”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu.

Ảnh minh hoạ

Đối với Cục Quản lý thị trường và Cục Hóa chất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ với các thành phố Hà Nội và TP HCM xây dựng kế hoạch hành động, tăng cường tính chủ động, tích cực để tập trung xử lý các cơ sở sản xuất rượu trái quy định pháp luật.

Cụ thể, Cục Quản lý thị trường sẽ kiểm tra tính chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, Cục Hóa chất phối hợp với 2 thành phố kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh hóa chất; tăng cường hậu kiểm tại địa phương; rà lại danh mục các hóa chất nguy hiểm.

Đồng thời có kế hoạch ứng phó các sự cố hóa chất tại địa phương; kiểm tra, rà soát thường xuyên, đảm bảo không thất thoát những hóa chất nguy hại thuộc danh mục cấm.../.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN