Mới đây, Bộ Chính trị vừa ký ban hành Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Quy định này nêu rõ mức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ đối với từng vi phạm cụ thể.
Ông Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi về nội dung này.
PV:Ông đánh giá thế nào về tình hình xử lý cán bộ đảng viên vi phạm trong thời gian vừa qua?
Ông Trần Ngọc Đường: Trong thời gian vừa qua, nhất là là sau Hội nghị Trung ương 4, việc xử lý cán bộ đảng viên được Đảng hết sức quan tâm, làm rất mạnh mẽ, nhất là đối với những vụ việc tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí, mất mát trong các doanh nghiệp Nhà nước.
Những việc làm được nhân dân ngày càng đồng tình, ủng hộ, thể hiện sự mạnh mẽ, quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cứ tiếp tục đà này thì lòng tin của nhân dân sẽ ngày một nâng cao.
PV: Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 102 về xử lý kỷ luật những đảng viên vi phạm. Theo ông, Quy định này có vai trò và ý nghĩa như thế nào trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Ông Trần Ngọc Đường: Quy định 102 về xử lý đối với đảng viên, theo tôi đó là một bộ luật trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Ngoài Nhà nước có những bộ Luật về Luật xử phạt vi phạm hành chính hay Bộ luật Hình sự, nhưng trong Đảng, những đảng viên đã phấn đấu trọn đời theo lý tưởng của Đảng và sinh hoạt trong một tổ chức Đảng thì cũng có Luật của nó.
Quy định 102 thể hiện một tư tưởng Nhà nước pháp quyền trong tổ chức của Đảng. Đó là căn cứ, là chỗ dựa để tiến hành xử lý những hành vi vi phạm.
PV:Trước đây những quy định về xử lý kỷ luật của Đảng đều không đặt ra vấn đề về thời hiệu. Tuy nhiên, với Quy định 102, lần đầu tiên đặt ra quy định về thời hiệu. Theo ông, điều này sẽ có tác động như thế nào?
Ông Trần Ngọc Đường: Thời hiệu là một khái niệm của khoa học pháp lý. Nếu một hành vi vi phạm pháp luật, đã quá thời hiệu mà lôi ra xử lý thì không đạo đức, không con người. Và thực ra lôi ra ánh sáng khi đã quá thời hiệu thì cũng không có tác dụng răn đe, giáo dục gì tốt.
Tôi cho rằng Quy định 102 hết sức tiến bộ. Thời hiệu xử lý kỷ luật đảng được quy định rõ với các hành vi khác nhau, như: 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách…
PV: Thời gian qua, một số trường hợp kỷ luật đảng viên đã áp dụng hình thức cho thôi chức. Tuy nhiên, theo Quy định 102 đã đưa ra nguyên tắc: Nếu như đã đến mức cách chức thì phải cách chức chứ không cho thôi giữ chức. Ông có cho rằng, với việc thi hành kỷ luật đến mức cách chức thì sẽ rõ ràng hơn không?
Ông Trần Ngọc Đường: Cách chức sẽ chính xác hơn cho thôi giữ chức. Bởi vì cho thôi giữ chức có nhiều trường hợp, như thôi giữ chức vụ này để giữ chức vụ khác; hoặc có người thôi giữ chức vì lý do sức khỏe chứ không phải vì bị kỷ luật.
Đối với kỷ luật thì phải cách chức thì mới đúng với bản chất của hình thức kỷ luật, chứ không có hình thức kỷ luật nào là cho thôi giữ chức cả.
PV: Trước những quy định được cho là rất cụ thể, chi tiết của Đảng thì đâu đó vẫn có ý kiến của dư luận cho rằng khắt khe quá. Ông có cho rằng đây là sự nghiêm khắc và khắt khe cần thiết?
Ông Trần Ngọc Đường: Trong bối cảnh đạo đức của cán bộ suy thoái, tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hóa thì những quy định này rất chặt chẽ, chi tiết, cụ thể, có tác dụng hạn chế những hành vi từ nhỏ nhất cho đến hành vi lớn hơn đều phải ở trong khuôn khổ. Nếu anh đã tham gia vào một tổ chức chính trị, nhất là tổ chức Đảng thì anh phải tuân theo.
PV: Để thực hiện được thì cần triển khai như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Đường:Những quy định của 102 thì trước hết các đảng viên phải biết, phải nắm vững. Nên chăng tổ chức một đợt cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu về Quy định 102. Khi cán bộ đảng viên tự hiểu rõ rồi sẽ tự giác tuân theo.
Sau khi hiểu thì vấn đề xử lý những vi phạm này là hết sức quan trọng. Xử lý mà không tương xứng, không minh bạch, không ngay thẳng thì cũng là một yếu tố vô hiệu hóa những quy định này.
PV: Xin cảm ơn ông!