(Baonghean) - Là huyện rẻo cao của Nghệ An, Quỳ Châu có địa hình hiểm trở,mùa mưa lũ thường gây sạt lở núi, ngập úng cho các bản làng nằm dọc khe suối.

 

Vào dọc các bản Khe Xén, Khe Lan xã Châu Hạnh, các bản làng hầu hết nằm dọc dòng khe Lan. Anh Vi Văn Thanh - Phó bản Khe Lan cho biết: Mùa lũ năm vừa qua bản Khe Lan bị cuốn trôi 2 nhà, cùng nhiều tài sản, lợn gà của dân bản. Mới đây chị Lương Thị Hồng đi chăn bò đã bị lũ cuốn chết trên dòng Khe Pông. Hôm chúng tôi vào bản Khe Lan mưa như trút nước, gia đình anh Vi Văn Châu vẫn đang dựng căn lều ven dòng khe Lan cuộn sóng đỏ ngầu. Anh Vi Văn Thanh cho biết thêm: Do điều kiện đất bằng hiếm hoi, biết là nguy hiểm nhưng nhiều người dân vẫn cố tình dựng nhà ven khe suối. Ông Sầm Văn Thiết - Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh nói: Xã có 18 bản, trong đó có 10 bản nằm trong vùng thường hay ngập úng, như tại bản Tả Lạnh mỗi khi mưa lũ thường bị nước ở dòng sông Hiếu gây ngập úng. Cơn bão số 2 vừa qua bản Tả Lạnh phải di dời 12 hộ dân đến nơi an toàn. Bản Tà Sỏi có trên 100 hộ dân thì mùa mưa lũ thường ngập úng trên 40 hộ dân… Vấn đề di dời dân lên vùng an toàn đang gặp nhiều khó khăn bởi quỹ đất bằng ít, kinh phí di dời quá lớn.


Chỉ riêng cơn bão số 2 vừa qua Quỳ Châu đã bị thiệt hại khá nặng nề. Bị chết 2 người là em Hoàng Văn Tiến 13 tuổi, Lương Thị Hồng 26 tuổi, có 2 ngôi nhà bị sập do sạt lở núi, huyện đã di dời được 101 nhà ở Châu Tiến, Châu Hạnh, Châu Bình và Châu Hội. Lúa chưa kịp thu hoạch bi ngập trôi 211,75 ha, trôi 40 lồng cá, kênh mương bị cuốn trôi hư hỏng 1.664m. Nhiều tuyến giao thông trọng điểm bị sạt lở hư hỏng nặng như tuyến Châu Phong - Châu Hoàn sạt lở 35.000m3 đất đá, tuyến Châu Phong - Diên Lãm sạt lở 5000m3 đất đá… Tổng thiệt hại ước tính 53 tỷ đồng.


 

767950_small_65632.jpg
    Những căn nhà tạm dựng chênh vênh bên khe suối ở xã Châu Hạnh - Quỳ Châu 

Mùa mưa bão đang diễn biến phức tạp, trên địa bàn huyện có khá nhiều bến đò ngang vượt sông. Huyện đã tiến hành kiểm tra tu sửa bến đò Thị trấn - Hoa Hải, Kẻ Nính - Hạnh Tiến, bản Kẻ Lè, bản Cằng, bản Bài, bản Chiềng Ban xã Châu Thắng. Tuy nhiên tại một số bến đò người tham gia giao thông đường thuỷ vẫn không mặc áo pháo khi qua sông. Huyện đã chỉ đạo kiểm tra, đốc thúc các công trình thuỷ lợi đang xây dựng, như công trình đập Khe Đống xã Châu Thuận trị giá 5,3 tỷ đồng hiện đang được triển khai lắp đặt cống dẫn nước; Công trình đập Khe Bang trị giá 5,7 tỷ đồng tưới cho 80 ha lúa xã Châu Nga đang thi công cống qua đập và phần kênh mương (khối lượng công trình được 50%). Huy động sức dân củng cố lại các phai đập nhỏ, các tuyến kênh xung yếu hay sạt lở. Huyện chỉ đạo các xã kiểm tra các công trình nhà ở của dân xét thấy không đủ sức chống đỡ bão lũ, cùng với sức dân tu sửa, giằng, chống, néo. Hiện tại Quỳ Châu đã chuẩn bị vật liệu, dụng cụ và phương tiện cần thiết để phòng chống khi cần. Như hàng ngàn m3 đá hộc, cát khô, sỏi đá, bao tải tập kết gần các công trình xung yếu. Riêng đối với phương tiện, thiết bị phục vụ PCBL đã tập kết chuẩn bị 8 máy đào, 118 xe ô tô vận tải, 6 xe ô tô chở khách, 6 ô tô con, 7 xuồng máy …

 

Công tác PCLB ở Quỳ Châu đang còn gặp những khó khăn như, khi xảy ra sự cố thì mạng lưới điện thoại vào các xã vùng sâu chất lượng kém hoặc không có tín hiệu vì hư hỏng; giao thông bị cắt đứt, công tác chuẩn bị các loại vật tư, phương tiện ứng cứu còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu “4 tại chỗ”.


Văn Trường