Đoàn quân Việt Nam đi...
Tôi còn nhớ buổi chào cờ đầu tiên trong đời. Sau khi ân cần uốn nắn thẳng hàng cho từng đứa học trò lau nhau, cô giáo tôi nghiêm trang chỉnh sửa tư thế, nhìn thẳng vào bốn hàng học sinh với một vẻ mặt nghiêm nghị. "Nghiêm!...". Tôi giật mình đánh thót, không biết chuyện gì quan trọng sắp xảy ra, mặc dù đã được cô dặn trước khá kỹ. Cô quay người, hướng về phía cờ Tổ quốc, nền đỏ có sao vàng năm cánh...
Chúng tôi học lớp vỡ lòng ở trường làng, vì vậy chỉ có một lớp trước khi vào lớp 1. Lời bài hát quốc ca cô đã tập cho mấy hôm trước, về nhà tôi đã hát đi hát lại nhiều lần, mà sao hôm nay vẫn thấy vừa hát vừa rất run, thậm chí có lúc hình như giọng lạc đi, còn không nghe thấy tiếng mình hát nữa.
Vào thời điểm ấy, trong ký ức ấu thơ non nớt của mình, tôi không thể hiểu hết ý nghĩa của từng câu chữ trong lời ca, càng chưa hiểu được từng nốt nhạc hay là giai điệu hùng tráng, tự hào của ca khúc thế nào.
Đoàn quân Việt Nam đi...
Lớn lên, tôi rời làng quê, may mắn được đến với biết bao trường học, cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội... Tôi đã được dự rất nhiều buổi chào cờ, mỗi lần là mỗi khung cảnh khác nhau, nhưng dường như đều chung một cảm xúc.
Một lớp ghép ở xã Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa; một trường tiểu học mới xây ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; một trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ở đảo Lý Sơn, đảo Phú Quốc hay ở Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk; một buổi họp tại đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài... tất cả đều trang nghiêm, tất cả đều trào dâng một cảm xúc thiêng liêng khó tả.
Mỗi lần hát, hay mỗi lần đứng hát, tôi đều thấy như mình đang đứng trước một không gian rộng lớn khôn cùng, lắng nghe từng tiếng vọng, âm giai của trùng trùng lớp lớp thời gian, và như nghe lời di huấn của nghìn năm lịch sử, chí khí của các bậc tiên liệt vẫn đồng hành tiến bước: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Tổ quốc! Một tình yêu thiêng liêng và lớn lao hơn mọi giá trị của tình yêu. Ấy là khi đi xa chợt nhói lòng nhớ về quê hương da diết, nhớ những người thân trên những nẻo đường biển rừng sông núi, từng vóc dáng và buồn vui thân thiết. Ấy là khi giữa những khung trời rất nhiều xa lạ, bỗng nghe thấy tiếng Việt thân thương...
Mỗi lúc như vậy, một đường nét, một hình ảnh quê hương Việt Nam lại choáng ngợp hiện lên và hình ảnh mọi người trang nghiêm với tiếng hát quốc ca lại dào dạt tràn về. Tổ quốc! Ấy là khi tiếng quốc ca cất vang, thì triệu người như một, sức mạnh tự ngàn năm truyền thống kết tinh trong hiện tại và hướng tới tương lai.
Lời bài hát gợi lên trong mỗi người Việt Nam một tinh thần nồng nàn yêu nước, khắc sâu niềm tự hào dân tộc, ý chí rèn luyện bản lĩnh độc lập, tự cường; nhân lên tình cảm gắn bó "đồng bào" ruột thịt của con người Việt Nam với quê hương, đất nước.
Dù ở nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, mỗi khi lời bài hát “Tiến quân ca” được cất lên, trong một giai điệu tự hào ấy, mỗi người dân Việt Nam đều trong tư thế trang nghiêm và thành kính, kiêu hãnh hướng lên lá cờ đỏ sao vàng thắm máu cha ông.
Tổ quốc! Hát quốc ca cũng chính là tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ tiền nhân đã quên mình hy sinh để “Nước Việt Nam từ máu lửa - Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, hát về truyền thống oai hùng Bà Trưng, Bà Triệu; hát về tinh thần quật khởi Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ; hát về công lao trời biển của Bác Hồ với thời đại Hồ Chí Minh,...
Mỗi khi cờ đỏ sao vàng được kéo lên, quốc ca lại cất vang với từng nhịp đi kiêu hãnh. Quốc ca - một tín hiệu riêng đồng thời cũng là một tình yêu riêng son sắt của riêng con Lạc cháu Hồng. Tiếng hát không chỉ cất lên bằng lời, mà cất lên từ lồng ngực, từ huyết mạch trái tim kết tụ từ khí thiêng sông núi ngàn năm.
Đoàn quân Việt Nam đi...
"Quốc ca là bài hát chính thức của một quốc gia. Cũng như quốc kỳ, quốc hiệu..., quốc ca là một biểu tượng không thể thiếu của một đất nước có chủ quyền và được sử dụng trong các nghi thức trọng thể. Bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao được chọn làm quốc ca Việt Nam hiện nay có một giá trị biểu cảm đặc biệt. Ta thường thấy trong các lễ đón nguyên thủ các nước, bản nhạc của bài ca này (quốc thiều) vang lên hùng tráng và mạnh mẽ. Có khi, xen giữa điệu nhạc là tiếng đại bác điểm nhịp vang rền" (PGS, TS. Phạm Văn Tình).
Hiện nay, việc hát quốc ca trong các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là một nghi thức bắt buộc, nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trở thành những công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Và, mỗi ngày, trong hàng chục ngàn ngôi trường ấy, có hàng chục triệu học sinh, sinh viên với bài hát quốc ca, tiếp bước thế hệ cha ông, kiêu hãnh cất lên tiếng lòng yêu nước của mình.
Hà Nội, 19/8/2018