Nhạc sĩ Văn Cao, người đầu tiên đặt bút viết “Tiến quân ca” từng thừa nhận có thêm một người là đồng sáng tác với ông về ca khúc bất hủ này.

072600-1.jpgBức ảnh quý của nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên. Ảnh: Tư liệu do gia đình nhân vật cung cấp
Đó chính là nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, người chỉ huy dàn nhạc kèn của quân nhạc Việt Nam trong những năm kháng chiến.

Con trai nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, đại tá Đinh Thắng Lợi đã cung cấp những tư liệu quý giá. Trong đó có bức ảnh với bút tích của nhạc sĩ Văn Cao ghi rõ: “Một kỷ niệm với cháu Đinh Tuyết Lan (con gái nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên – PV) với những năm tháng cùng người nhạc sĩ lớn Đinh Ngọc Liên là bạn đồng hành nhiều năm với những tác phẩm đầu tiên. Người cùng tôi là đồng tác giả về Quốc ca của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về sự thay đổi nhịp điệu".

Theo đại tá Đinh Thắng Lợi, đây là cách nói đầy trân trọng của nhạc sĩ Văn Cao dành cho nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên.

Ông kể lại: “Bài hát “Tiến quân ca” trước khi được cất lên trong lễ chào cờ vào sáng 2/9/1945 đã được nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Văn Cao thống nhất sửa hai chữ. Cụ thể là rút ngắn độ dài của nốt “rê” đầu tiên ở chữ "Đoàn" và nốt “mi” ở giữa chữ "xác" để làm cho tiết tấu của bản nhạc mạnh mẽ, khỏe khoắn hơn. Và vì thế, “Tiến quân ca” đã cất lên những giai điệu hào hùng trong buổi sáng Ba Đình lịch sử”.

Cũng trong lễ chào cờ, đoàn nhạc kèn do nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy đã cử hành bài “Tiến quân ca”. Mãi mãi sau này, đây là một hình ảnh “bất tử” gắn liền với ngày Quốc khánh của dân tộc. Ngoài “Tiến quân ca”, đoàn còn biểu diễn các ca khúc như “Vũ khúc tưng bừng” (Lương Ngọc Trác), “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi) và một số nhạc phẩm khác.

Hình ảnh nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy dàn nhạc trong lễ chào cờ ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu do gia đình nhân vật cung cấp.

Theo đại tá Đinh Thắng Lợi, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, dàn nhạc do nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy đã trở thành một tiểu đoàn quân nhạc, từng biểu diễn trong ngày đón Trung ương Đảng và Chính phủ cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô (tháng 11/1955). Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, ông đã phối khí, chuyển soạn nhiều ca khúc cách mạng, đánh dấu bước đi đầu tiên của khí nhạc Việt Nam sau này.

Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên còn là tác giả của một số hòa tấu kèn như: Chiến thắng Phủ Thông, Xuân chiến thắng, Hải cảng về ta, Chúng ta có Bác Hồ, Vọng gác tiền tiêu, Hành khúc tang lễ... Với những đóng góp của mình, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (1988) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (2017).

Nói về nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, ông là một trong những bậc lão thành của nền âm nhạc Việt Nam. Những tác phẩm khí nhạc của ông đã đóng góp lớn lao vào cuộc cách mạng kháng chiến của dân tộc.

"Cả cuộc đời ông dành trọn cho những sáng tác và phát triển khí nhạc. Ông và dàn kèn đã thổi vào những tác phẩm âm nhạc cách mạng đầu tiên và nâng lên thành những tác phẩm kinh điển như Tiến quân ca, Vì nhân dân quên mình, Sông Lô, Chiến sĩ Việt Nam, Qua miền Tây Bắc, Lãnh tụ ca...

Bản thân những sáng tác, cụm tác phẩm đặc biệt vẫn dùng đến ngày nay làm nhạc hiệu trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), các đài phát thanh và truyền hình, kèn hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh./.