(Baonghean) - Lên với huyện Quế Phong khắp “chín bản mười mường” đang chuẩn bị cho Lễ hội Đền Chín Gian, một lễ hội linh thiêng và quy mô nhất của người Thái ở miền Tây Bắc xứ Nghệ. Mùa Xuân đang khoe sắc màu của no ấm, của sự đổi thay trên mảnh đất này.
ột thời Quế Phong chủ yếu là những con đường “không cấp”, dốc dựng đứng ngược trời, những khúc cua tay áo tử thần. Thậm chí để lên được Cắm Muộn, Quang Phong, Tri Lễ… có thời dân bản phải vạch lá rừng, theo dấu chân thú mà đi. Nhưng những năm qua Quế Phong được sự đầu tư quan tâm của Nhà nước và các chương trình dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, là “đòn bẩy” để Quế Phong ngày càng vươn lên.
Nay, các tuyến đường trọng điểm phát triển kinh tế trên địa bàn đều đã được nhựa hoá. Như tuyến đường phía Tây Nam, tuyến đường Thị trấn Kim Sơn đi Châu Thôn, Tri Lễ dài trên 40 km, tuyến đường Châu Thôn đi Cắm Muộn – Quang Phong, Châu Kim đi Nậm Giải dài trên 17 km. Bên cạnh đó là tuyến phía Tây Bắc gồm QL 48 kéo dài từ ngã ba Phú Phương (Tiền Phong) đi Thị trấn Kim Sơn dài 6 km, riêng tuyến đường Thị trấn Kim Sơn đã được mở mang 2 làn đường. Tuyến ngã ba Phú Phương đi Cửa Khẩu – Thông Thụ dài trên 45 km, tuyến ngã ba Xốp Chảo đi Hủa Na, đường Hạnh Dịch - Mương Đán… Tại vùng trung tâm có đường Thị trấn Kim Sơn đi xã Quế Sơn.
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Cắm Muộn.
Giao thông đi đến đâu thì KT-XH ở Quế Phong phát triển đến đó. Nhờ từ giao thông mà Đại hội huyện Đảng bộ khoá XX đã xác định rõ từng mũi nhọn để phát triển kinh tế. Nổi bật là cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, các loại cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày được xác định. Trong nhóm chủ lực cây lương thực thì cây lúa có tầm rất quan trọng ở Quế Phong. Chị Lô Thị Mai ở bản Cắm, xã Cắm Muộn phấn khởi khoe: Gia đình làm 4 sào lúa, năng suất đạt gần 3 tạ/vụ. Nhờ chủ động được nguồn lương thực nên không phải đốt nương làm rẫy nữa. Anh Lữ Thanh Bình - Chủ tịch xã Cắm Muộn cho hay: Toàn xã Cắm Muộn có khoảng trên 180 ha lúa nước, nhờ thâm canh chủ yếu giống lai chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa đạt trên 50 tạ/ha/vụ xuân. Hiện nay xã đang xây dựng đập Phả Pạt trị giá gần 10 tỷ đồng, sang vụ tới nhờ nguồn nước này sẽ mở mang được trên 200 ha lúa nước. Tình trạng đốt nương làm rẫy ở Cắm Muộn giảm rõ rệt, hiện chỉ còn gần 30 ha nương rẫy theo quy hoạch. Được biết toàn huyện Quế Phong hiện có trên 2.000 ha lúa nước. Huyện chú trọng áp dụng KHKT vào thâm canh lúa, đặc biệt là đưa vào sản xuất các giống lai có năng suất chất lượng. Tổ chức sản xuất phân viên dúi sâu NPK, đến nay toàn huyện có trên 50% diện tích sử dụng phân viên dúi sâu thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ. Tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở các xã Châu Kim, Mường Nọc kết hợp với các doanh nghiệp đầu tư vật tư phân bón và thu mua sản phẩm.
Những năm qua, Quế Phong tập trung tổ chức sản xuất vùng trọng điểm các loại rau màu, đưa các loại giống rau có chất lượng vào sản xuất. Toàn huyện hiện có trên 127 ha rau màu, chủ yếu tập trung ở các xã Quế Sơn, Châu Thôn, Châu Kim, Mường Nọc... đáp ứng đủ rau sạch trên địa bàn và cho cả công trình tThuỷ điện Hủa Na. Giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đạt bình quân từ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm. Huyện còn tập trung vào lĩnh vực khoanh nuôi, trồng và bảo vệ rừng. Đi dọc các xã Tiền Phong, Hạnh Dịch, Đồng Văn, Thông Thụ… được tận mắt thấy bạt ngàn một màu xanh của rừng trồng xoá đi những vết loang lổ như da báo do đốt nương làm rẫy trước đây. Anh Phan Công Thành trồng trên 20 ha rừng nguyên liệu ở Na Bón, xã Tiền Phong tâm sự: Giao thông thuận lợi, cộng với việc huyện đang xây dựng nhà máy ép ván gỗ, thì cây nguyên liệu sẽ dễ tiêu thụ và làm giàu được từ rừng. Được biết, hiện cả xã Tiền Phong có trên 800 ha rừng nguyên liệu, chất lượng tốt, sinh trưởng nhanh. Nhiều gia đình nông dân ở Tiền Phong sống hoàn toàn nhờ rừng và có thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng/hộ/năm. Riêng giai đoạn năm 2006 đến nay huyện đã trồng được trên 2.600 ha keo, bạch đàn thuộc các dự án 147, 135 giai đoạn II… ngoài ra các đơn vị sản xuất lâm nghiệp, nhân dân tự đầu tư trồng được trên 2.800 ha. Các chủ rừng cũng liên kết liên doanh với các doanh nghiệp để sơ chế sản phẩm rừng. Như một số doanh nghiệp liên kết với huyện khai thác sơ chế tăm hương ở xã Đồng Văn, du nhập các loại giống mới như trồng luồng Thanh Hoá, trồng một số loại cây đặc sản như cây óc chó, bo bo. Huyện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy ép gỗ ván công nghệ mới để tiêu thụ sản phẩm cây nguyên liệu cho bà con. Huyện ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư chế biến sâu để tăng thêm giá trị kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao sức cạnh tranh.
Chăn nuôi là một trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế, ngoài phát triển chăn nuôi đàn trâu bò, lợn, huyện xác định những con có giá trị kinh tế mang tính đặc sản để đầu tư phát triển như vịt bầu Quỳ, nhím, lợn địa phương, dê… Trong năm 2012 toàn huyện đã du nhập được trên 20 con hươu, nuôi gần 200 con nhím, gần 100 con dúi. Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí và vận động bà con Tri Lễ phát triển chăn nuôi bò Mông, đây là loại bò đặc sản, thon gọn, chất lượng thịt ngon nên bán với giá thành rất cao, bình quân đạt 35 triệu đồng/con. Hiện riêng 8 bản người Mông ở Tri Lễ đã có trên 1000 con bò Mông, nhiều hộ nhờ từ nuôi bò đã vươn lên làm giàu.
Quế Phong còn chú trọng phát triển cây chanh leo tại xã Tri Lễ, Nậm Giải, Nậm Nhoóng bởi sản phẩm này rất dễ tiêu thụ. Riêng tại xã Tri Lễ hiện đã có trên 16 ha cây chanh leo tại các bản Yên Sơn, San, Na Niếng, D1, D2, Tà Pàn. Đối với những vùng đất lúa kém năng suất huyện đã cho chuyển đổi sang trồng mía ở các xã Châu Kim, Tri Lễ, Quế Sơn, các vùng tái định cư Hủa Na… trên 300 ha mía. Quế Phong ký cam kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm sắn cho bà con và bước đầu đã có trên 200 ha sắn. Tiến tới huyện chỉ đạo trồng sắn cao sản, thay thế giống sắn địa phương để nâng cao thu nhập. Xây dựng trại ươm nuôi cá giống cấp II để phục vụ giống cá cho toàn huyện và cho vùng lòng hồ Thuỷ điện Hủa Na.
Công trình Thuỷ điện Hủa Na - Quế Phong lớn thứ 2 tại Nghệ An đã tổ chức thực hiện di dời thành công cho 1.213 hộ (4.700 nhân khẩu) sinh sống ở 14 bản thuộc 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn. Bà con tái định cư cơ bản đã ổn định nơi ở mới, huyện đang tập trung để đầu tư hỗ trợ phát triển vùng kinh tế mới như hỗ trợ khai hoang lúa nước, tập huấn, hướng dẫn cho bà con phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi…
Song song phát triển kinh tế, Quế Phong nỗ lực phát triển nông thôn mới, qua hơn 2 năm thực hiện đến nay huyện đã vận động được trên 800 hộ dân, hiến trên 64.000 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ yếu là giao thông thuỷ lợi. Huyện trích ngân sách trên 1,2 tỷ đồng hỗ trợ mua vật liệu, các xã đã làm được trên 20 km đường bê tông nông thôn.