(Baonghean) -Mùa Xuân đã khoác cho núi rừng sắc màu tươi xanh, mang về cho sông suối những làn khí ấm áp, chúng tôi ngược lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để  lên với vùng sâu Nhôn Mai (Tương Dương). Người lần đầu khi đặt chân đến đây hay lâu lâu mới quay trở lại, được chứng kiến sự “trở mình” của một vùng đất xa ngái, không tránh khỏi ngỡ ngàng...

Hành trình từ bến Thượng Lưu đến bến Nhôn Mai theo lòng hồ Bản Vẽ hết 3 giờ đồng hồ. Từ bến đò nhìn sang bản Nhôn Mai (bản trung tâm xã) đã thấy những mái ngói, mái tôn màu đỏ tươi thấp thoáng dưới những rặng dừa hàng trăm năm tuổi. Nhôn Mai những ngày này dường như đang trở thành một đại công trường, nơi đâu cũng thấy không khí hối hả, gấp gáp. Tại Trường THCS Nhôn Mai, các công nhân xây dựng đang tích cực thi công hệ thống phòng học. Thầy Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng cho biết: “Hiện tại, trường đang được đầu tư kinh phí hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ dạy học, tiến tới xây dựng thành trường bán trú. Có lẽ từ năm học tới, việc dạy học của thầy và trò đỡ vất vả hơn, đặc biệt các em học sinh sẽ không phải sinh sống trong những mái lều tạm bợ”. Đường xa cách trở, có thể nói việc vận chuyển nguyên vật liệu (gạch, ngói, xi măng, sắt thép) lên đây để xây dựng trường học quả là một sự kỳ công. Theo lời anh Nguyễn Văn Luyện - công nhân xây dựng, thì nguyên vật liệu được chở bằng ô tô từ dưới xuôi lên tập kết tại bến Thượng Lưu, sau đó tiếp tục bốc lên xà lan để chở ngược theo lòng hồ Bản Vẽ. Tới nơi, nguyên vật liệu lại được chuyển sang ô tô để chở đến công trường.

790746_small_91855.jpg

Mở đường vào Nhôn Mai.

Sang UBND xã mong có thêm những thông tin mới. Ông Vi Văn Kỳ - Chủ tịch UBND xã vui vẻ đón chào: “Tuyến đường phát triển miền Tây đi qua địa bàn xã đang được thi công, những tay lái giỏi có thể chạy xe máy từ đây sang xã Mai Sơn, rồi sang Mỹ Lý (Kỳ Sơn) hoặc sang tận Tri Lễ (Quế Phong). Việc xuất hiện xe máy, xe ô tô trên đất Nhôn Mai được bà con nơi đây xem là một kỳ tích”. Xã Nhôn Mai hiện có 12 bản với khoảng 2.700 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc cùng chung sống là Thái, Mông và Khơ mú. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện vẫn nằm ở mức xấp xỉ 90%. Nguyên nhân của tình trạng đói nghèo thì có nhiều, nhưng có thể nói đó là hệ quả trực tiếp của tình trạng “4 không” (không đường bộ, không điện lưới, không chợ, không sóng điện thoại). Chủ tịch Vi Văn Kỳ khẳng định: Lần sau anh lên Nhôn Mai chắc chắn đã có nhiều khởi sắc. Bởi lẽ, khi tuyến đường qua địa bàn Nhôn Mai được hoàn thành sẽ mở ra cho người dân chúng tôi cơ hội để bứt phá, phát triển và hội nhập với các địa phương khác, phá vỡ thế “ốc đảo” từ bao đời nay. Nói cách khác, có đường tất sẽ có điện lưới, sóng điện thoại và có sự giao lưu buôn bán, sẽ sớm xóa bỏ tình trạng “4 không” như lâu nay”.

Hay tin có đồng hương lên thăm Nhôn Mai, anh bạn đồng niên Trần Ngọc Tuấn, hiện là Hiệu trưởng trường Tiểu học đánh xe từ bản Na Hỷ ra đón vào chơi. Đường Nhôn Mai - Na Hỷ có chiều dài khoảng 10 km nhưng mất tới gần 1 giờ chạy xe. Dọc đường, có đến hàng chục máy xúc, máy ủi và xe ô tô của Công ty 747 đang hoạt động hết công suất. Anh em công nhân cho biết, đây là một trong những đoạn đường khó thi công nhất, vì nhiều vực sâu, lại gặp phải núi đá. Vì thế, việc đi lại hết sức khó khăn. Na Hỷ là bản của đồng bào Thái, nằm giữa một thung lũng nhỏ, đất đai khá phì nhiêu. Những thửa ruộng nằm ven dòng Huồi Hỷ lúa đã bắt đầu bén rễ. Một tốp xe máy chở hàng tạp hóa chạy theo hướng từ Quế Phong sang đang dừng ở đầu bản. Bà con Na Hỷ cùng rủ nhau ra mua sắm các loại nhu yếu phẩm, từ xoong nồi, bát đĩa đến dầu ăn, mì chính. Cầm trên tay chai dầu ăn, bà Vi Thị Xai nói với khách: “Cái này trước đây phải đi bộ gần ngày đường để sang mua tận chợ Tri Lễ, nay có đường rồi có người đưa bán tận nơi, giá lại không hơn mấy”. Những người bán hàng này đến từ Diễn Châu, họ đèo hàng ngược Quốc lộ 48 hàng trăm km lên Tri Lễ (Quế Phong), rồi men theo tuyến đường đang thi công để đến tận các bản làng của xã Nhôn Mai. Khi hết hàng, họ lại mua một số sản vật của núi rừng đem về bán ở miền xuôi. Có thể xem những “thương lái” ở Phủ Diễn là những người tiên phong đưa kinh tế thị trường đến nơi heo hút đèo mây này.

Chúng tôi tiếp tục đi thăm các bản của Nhôn Mai nằm dọc tuyến đường phát triển miền Tây. Dọc đường, chúng tôi tiếp tục chứng kiến không khí khẩn trương của các đơn vị thi công với hệ thống máy móc hiện đại. Có đoạn, gặp phải vách đá, công nhân phải dùng máy khoan bóc từng tảng để mở đường. Dừng chân trước điểm trường bản Na Lật nằm sát với tuyến đường đang mở, là nơi học tập của các em học sinh tiểu học thuộc bản Na Lật và Có Hạ, là 2 bản của đồng bào Khơ mú, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Điểm trường Na Lật do 3 cô giáo trẻ phụ trách. Cô giáo Lữ Thị Quyên cho hay: “Ở gần đường nhưng chưa khi nào chúng em dám đi xe máy, mỗi lần ra trường chính họp 3 chị em đều cùng cuốc bộ. Vì đường còn khó đi lắm, phải là những tay lái vững vàng, đàn ông con trai mới dám đi. Hy vọng các nhà thầu sẽ thi công nhanh, rải nhựa sớm để việc đi lại đỡ vất vả. Chồng em dạy học ở xã Mai Sơn, cùng nằm trên tuyến đường này nên em rất mong tuyến đường sẽ hoàn thành sớm”. Tạm biệt Na Lật, chúng tôi tiếp tục lên đường, qua bản Có Hạ, đi tiếp một chặng đường dài rồi dừng chân ở bản Xói Voi. Đây là nơi cư trú của hơn 50 hộ đồng bào Khơ mú, cái đói, cái nghèo vẫn còn hiển hiện trên những mái lá tạm bợ cùng tập tục sản xuất. Quãng đường từ đây sang trung tâm xã Tri Lễ (Quế Phong) chỉ bằng khoảng ½ quãng đường về trung tâm xã Nhôn Mai. Vì thế, mỗi khi có việc cần mua bán, giao dịch, người dân Xói Voi đều qua Tri Lễ. Thậm chí, có những cụ già đã từng sang Tri Lễ nhưng chưa bao giờ bước chân đến trung tâm xã Nhôn Mai. Gặp ông Nộc Văn Kiểm trước điểm trường Xói Voi, hỏi con đường chạy qua bản, ông nói: “Ta ở đây từ khi rất nhỏ, đến nay đã hơn 70 năm, giờ mới được trông thấy cái đường chạy qua Xói Voi. Còn cái xe máy, cái ô tô, rồi máy xúc, máy ủi trước đây ta chỉ thấy trong sách báo, ti vi thôi, giờ thì ngày nào nó cũng chạy qua bản. Mấy ngày đầu, người dân bản ta bỏ cả việc để ra xem máy ủi, ô tô làm việc”. Trời đã về chiều nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm lên với Thặm Thẩm.

So với những đoạn đường đã qua, đoạn từ Xói Voi đi Thặm Thẩm có vẻ dễ đi hơn cả, dù địa hình khá dốc nhưng mặt đường khá bằng phẳng, hệ thống cầu cống đang được lắp đặt nên việc lưu thông khá thuận lợi. Từ xa đã thấy Thặm Thẩm hiện ra với những mái nhà lợp ván sa mu nhuốm rêu phong thấp thoáng trong làn sương chiều mờ ảo. Khắp các khu vườn, những chồi đào đã vươn ra một màu xanh thắm, những trái đào nhỏ li ti đã được hiện hình. Bản Thặm Thẩm nằm trên đỉnh một ngọn núi, là nơi cư trú của đồng bào Mông và một số ít hộ dân tộc Khơ mú. Từ đây, chỉ còn mấy bước chân nữa là đến địa bàn huyện Quế Phong. Đêm, chúng tôi nghỉ chân tại điểm trường Thặm Thẩm, biết có khách dưới xuôi lên, bà con mang rượu đến cùng chung vui. Trong niềm hứng khởi của men rượu đầu Xuân, hầu như ai cũng nói đến con đường chạy qua trước bản. Chúng tôi vẫn nhớ mãi lời ông Già Bá Sáu: “Con đường này sẽ đưa bản ta, xã ta đi đến dần với cuộc sống văn minh, với cuộc đời no ấm. Từ nay, người dân Thặm Thẩm, người dân Nhôn Mai có thể hy vọng thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, lạc hậu”. Nằm cạnh thầy Và Bá Chái, chúng tôi cùng trò chuyện rất khuya. Nhà thầy ở bản Huồi Cọ, cách Thặm Thẩm 3 giờ leo núi. Thầy Chá là con trai của ông Và Xay Pó, một nông dân người Mông khai phá mấy ha ruộng nước, nuôi mấy chục con trâu bò ở đỉnh Huồi Cọ. Theo cách làm của ông Pó, nhiều hộ dân cùng bản đã trở nên giàu có nhờ lắm ruộng, nhiều trâu…

Sáng mai, lúc mặt trời nhô lên khỏi dãy núi, sương mù trên đỉnh Huồi Măn, Phá Mựt, Huồi Cọ và Thặm Thẩm đang tan, chúng tôi bắt đầu hành trình ngược đường trở về trung tâm xã. Một con đường lớn đi qua địa bàn xã Nhôn Mai đã được phôi thai và đang dần trở thành hiện thực. Cảnh vật ven đường đang thẫm đẫm sắc Xuân nên chúng tôi gọi là cung đường mùa Xuân.


Bài, ảnh: CÔNG KIÊN