(Baonghean.vn) -Theo phản ánh của một số người dân xã Mường Nọc (Quế Phong) công trình nạo vét da trát kênh Tà Mưởng năm 2009 (chủ đầu tư là Trạm dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong) đã tự đứng ra thuê người nạo vét kênh mương, “hợp lý hoá” hồ sơ chỉ định thầu của một đơn vị thi công xây dựng khác để thi công.

 

Ông Quang Văn Toản - Chủ tịch UBND xã Mường Nọc, cho biết: “Công trình nạo vét da trát kênh N4 - kênh Tà Mưởng, được thi công trên địa bàn nhưng UBND xã hoàn toàn không được chủ đầu tư thông báo, không được giám sát cộng đồng…”.

Ông Hà Xuân Mão – Phó chủ tịch UBND xã Mường Nọc dẫn chúng tôi ra kênh Tà Mưởng, con kênh này nằm lọt thỏm giữa hai bên bụi cây tốt um tùm. Chị Hà Thị H (ở xóm Na Ngá, xã Mường Nọc) nói: “Năm 2009 chúng tôi thấy có 7 người nạo vét kênh Tà Mưởng, do Trạm dịch vụ huyện thuê, họ chỉ nạo vét có 3 ngày là xong toàn tuyến kênh. Họ nạo vét sơ sài không sâu nên không đủ nước tưới lúa cho cánh đồng Na Công, bà con chúng tôi đã phải ra nạo vét lại kênh Tà Mưởng để lấy nguồn nước tưới lúa…”. Anh Lô Văn H (ở xóm 8, Mường Nọc) cho biết thêm: Năm 2009 chúng tôi được ông Tường cán bộ của Trạm dịch vụ huyện thuê 11 người nạo vét tuyến kênh Tà Mưởng và cả kênh Nậm Giải, của xã Mường Nọc thời gian là 11 ngày với giá thuê 150.000 đ/ngày. Rồi tiếp tục nạo vét ở kênh Hữu Văn -Nậm Giải ở Châu Kim tổng cộng trên 31 ngày.

 

773984_small_72388.jpg

Ông Hà Xuân Mão-Phó chủ tịch UBND xã Mường Nọc nói  về kênh Tà Mưởng

Được biết, ông Tường là cán bộ giám sát A của Trạm dịch vụ nông nghiệp Quế Phong, với tư cách đại diện chủ đầu tư, lại trực tiếp đi thuê người lao động để thi công, như vậy là vi phạm luật. Phải chăng đại diện chủ đầu tư đã “mượn” hồ sơ năng lực của nhà thầu khác để “hợp lý hoá” kiếm chác tiền của nhà nước. Cả 3 tuyến kênh trên theo điều tra giá xây lắp đạt gần 1 tỷ đồng nguồn vốn cấp bù thuỷ lợi phí, trong khi chủ đầu tư chỉ thuê người lao động nạo vét sơ sài tiền công chỉ tốn khoảng 50 triệu đồng cho 31 ngày ở các kênh mương trên.

 

Khi chúng tôi yêu cầu xem hợp đồng nạo vét da trát kênh Tà Mưởng trong năm 2009 thì ông Lữ Văn Tiến -Trạm trưởng Trạm dịch vụ nông nghiệp Quế Phong chối cãi quanh co. Ông Tiến chỉ cung cấp cho phóng viên bản Hợp đồng thi công chung của nhiều công trình, trong đó có phần công trình tường chắn đập tràn Tà Mưởng tại bản Ná Phày xã Mường Nọc trong năm 2008. Còn hợp đồng thi công công trình nạo vét kênh mương Tà Mưởng năm 2009 ông Tiến vẫn kiên quyết “giấu” nói rằng không có.

 

 Đập tràn Đòn Phạt tưới lúa cho bản Phả Pạt đã bị sập một phần móng, chưa kể một số tràn và thân đập khác đã sử dụng vật liệu không đúng hồ sơ thiết kế, như sử dụng đá mồ côi tại khe suối để làm móng dẫn đến tình trạng tràn không kết dính, thất thoát nguồn nước.

Bà con bản Cắm xã Cắm Muộn còn phản ánh tràn bản Cắm thi công vừa kém chất lượng lại thiết kế không đúng mục đích. Ông Lô Văn Vinh - Phó chủ tịch UBND xã Cắm Muộn, cho hay: Đập tràn bản Cắm (còn gọi là Mương Cắm) xây dựng trong năm 2009, dân bản gọi là “đập thừa” không chặn được nguồn nước để phục vụ tưới lúa. Nếu trước đó (Trạm dịch vụ nông nghiệp huyện là chủ đầu tư) có thông báo xây dựng công trình với địa phương thì chắc chắn xã, bản chúng tôi sẽ tư vấn với chủ đầu tư xây dựng chặn dòng chỗ khác sẽ phát huy hiệu quả hơn.

 



Đập tràn bản Cắm xã Cắm Muộn thành “đập thừa” vì không phát huy hiệu quả

Theo điều tra, được biết từ năm 2008 đến nay ông Lữ Văn Tiến –Trưởng trạm dịch vụ nông nghiệp Quế Phong liên tục được UBND huyện Quế Phong giao đại diện chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản bằng các nguồn vốn: vốn cấp bù thuỷ lợi phí, vốn phòng chống bão lụt, vốn 30a…có dấu hiệu vi phạm: vừa chủ đầu tư, vừa thi công (vừa đá bóng, vừa thổi còi) và nhiều công trình thuỷ lợi kém chất lượng gây bức xúc trong nhân dân.


Vương Trần