(Baonghean) - Thị trường bất động sản đã hạ nhiệt và giá đất giảm sâu, song lực mua vẫn thấp. Nhiều dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP. Vinh rơi vào tình trạng "bất động đậy" và trở thành những khu đất mọc đầy cỏ dại, rác thải...


Dự án Khu chung cư thu nhập thấp và nhà ở liền kề của TECCO tại phường Lê lợi có lợi thế nằm ở trung tâm Thành phố Vinh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, diện tích đất cấp khá rộng (từ 148 - hơn 200 m2/lô), nên là địa chỉ được nhà đầu tư bất động sản rất quan tâm.

Cách đây không lâu, giá đất (nhà liền kề) bán trao tay từ 13,5 - 15 triệu đồng/m2 mà vẫn khó mua được. Ấy vậy mà nay, giá đất rao bán chỉ còn 11 triệu đồng/m2 và không ít chủ đất còn sẵn sàng giảm giá nếu người mua có thiện chí. Được biết, phần lớn các lô đất ở dự án này đều có chủ, nhưng chủ yếu là đầu tư mua bán trao tay, chưa có người xây dựng nhà ở (hiện tại mới chỉ có một gia đình đang làm móng nhà ở), nên khu đất này được người dân trong vùng lân cận tranh thủ "khai hoang" làm vườn trồng rau và làm nơi đổ rác.


773997_small_72402.jpg

    Thị trường bất động sản giảm sâu, nhiều dự án khu đô thị mới dở dang

Một dự án cũng được giới đầu tư bất động sản và người dân đánh giá cao là Khu dân cư và thương mại Phú Thọ (chủ đầu tư là Công ty CP Cao su Nghệ An) tại đường Phan Bội Châu. Đây được xem là "khu đất vàng" bởi bám mặt đường lớn, rất thuận lợi cho việc kinh doanh, xây dựng nhà ở. Khu đất có diện tích 29.080 m2 được cắt thành 76 lô đất ở, 27 lô đất biệt thự và khu trung tâm thương mại. Nhìn trên bản vẽ quy hoạch và thực địa, đây quả là dự án rất lý tưởng. Nhưng theo chủ đầu tư cho hay, đã bỏ vào đây hơn 31 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết và tạo thuận lợi nhất về giá cả để bán đất cho khách hàng, tuy nhiên vẫn không có người mua.

Tại một số dự án bất động sản trên địa bàn TP Vinh như ở phường Hà Huy Tập, Vinh Tân, Trung Đô, xã Nghi Phú, Nghi Kim, Nghi Liên... giao dịch đất đai vẫn trầm lắng. Các dự án nhà ở hiện là những khu đất... trống không! Điều này một phần chứng minh rằng, cơn "sốt ảo" là do nhà đầu tư "đưa đẩy"để kiếm lời, chứ nhu cầu thực sự về đất ở là không nhiều. Đã qua rồi thời "hoàng kim" của bất động sản, nên hiện nay nhiều nhà đầu tư đua nhau giảm giá, đưa ra nhiều chính sách bán hàng có lợi cho người mua, như: Chia ra nhiều đợt huy động tiền, nếu đóng một lúc thì được hỗ trợ giảm giá 25%... nhưng xem ra không có nhiều giao dịch thành công.


Năm 2011 được xem là năm "đỉnh" của việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Sở Kế hoạch - Đầu tư đã đã cấp giấy phép đầu tư cho 23 dự án với vốn đầu tư đăng ký lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có những dự án lớn, như: Khu nhà ở kết hợp trung tâm thương mại, nhà ở liền kề và biệt thự do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Sông Hồng (chủ đầu tư) ở xã Nghi Phú, Nghi Đức với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 721,70 tỷ đồng; Dự án Khu tái định cư 72m xã Nghi Phú do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới (là chủ đầu tư) tổng vốn đầu tư đăng ký 512,03 tỷ đồng; Dự án Nhà ở liền kề, trung tâm thương mại và khách sạn cao cấp tại đường Nguyễn Thị Minh Khai do Công ty CP Vật tư tổng hợp Nghệ Tĩnh (chủ đầu tư) có tổng vốn đăng ký 310 tỷ đồng... Sự sụt giảm của thị trường bất động sản đã làm cho nhiều nhà đầu tư lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất. Trong những dự án đầu tư bất động sản tại TP. Vinh, không ít chủ đầu tư đã bỏ rất nhiều tiền để thực hiện dự án và hiện một số công trình đang thi công dở dang, nhưng do không huy động được nguồn vốn của khách hàng và nguồn vốn vay của ngân hàng nên tiến độ thi công bị đình trệ, có nguy cơ bị phá sản.


Nhìn chung, thị trường bất động sản vẫn chưa có tín hiệu khả quan và đang cần những cơ chế, chính sách "nới lỏng" để "giải cứu" kịp thời lĩnh vực này. Được biết, vào cuối tháng 3 này, UBND tỉnh sẽ cùng với các cấp, ngành chức năng, như: Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Thuế, Ngân hàng Nhà nước... cùng bàn cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, với những tín hiệu hạ lãi suất của ngành Ngân hàng và những biện pháp tích cực của các cấp, ngành chức năng của tỉnh, trong thời gian tới, liệu có đủ lực để làm ấm lại thị trường bất động sản ở TP. Vinh? Và câu trả lời vẫn còn ở phía trước.


Hoàng Vĩnh