(Baonghean) - Những ngày đầu thánh Tư, đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An đến Lào và Thái Lan để tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch của Nghệ An. Đây không phải là lần đầu tiên tỉnh tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch ở nước ngoài nhưng đã có những cảm xúc đầy đặn trong mùa Bunpimay xứ sở chùa tháp.
Chúng tôi đã không mất nhiều thời gian để làm thủ tục nhập cảnh vào đất Thái Lan. Khi xe bon bon chạy trên cầu Hữu Nghị 1, cây cầu bắc qua sông Mekong nối liền thủ đô Viêng Chăn của đất nước Lào với tỉnh Nong Khai (Noọng Khai) của Vương quốc Thái Lan, dù không ai nói với ai song mọi người đều nhìn qua cửa xe ô tô để ngắm dòng Mekong êm đềm chảy. Hai bên bờ, những nếp nhà nhỏ xinh ẩn hiện thấp thoáng sau sắc vàng rực rỡ của dok khuon (hoa đoọc khun).
Trong ánh nắng lấp lóa giữa trưa của ngày đầu tháng Tư bất chợt trời lắc rắc mưa. Từ ghế trước của xe ô tô, ông Vũ Văn Hùng, một Việt kiều tỉnh Udon Thani, Thái Lan, người tự nguyện đón đoàn công tác UBND tỉnh Nghệ An ngay tại cửa khẩu ngoái lại phía sau cười hớn hở: “Chị Thanh và đoàn Nghệ An may mắn rồi nhá! Đến Lào và Thái Lan của tháng tết Bunpimay mà gặp mưa là hên lắm đấy !” Ngay khi xe vừa đến chân cầu Hữu Nghị 1 thì một nhóm gần 10 người đã ôm hoa đứng đợi đoàn.
Cũng như ông Vũ Văn Hùng, họ là kiều bào ta ở tỉnh Udon Thani. Hay tin đoàn công tác UBND tỉnh Nghệ An đến Thái Lan tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch cho mùa hè sắp tới, bà con đã dành cho đoàn sự nồng hậu, ấm áp bất ngờ ngay khi đoàn vừa đặt chân lên đất Thái. Bất ngờ và xúc động, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh – nữ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, trưởng đoàn công tác bùi ngùi và chỉ thốt lên được: “Em cảm ơn các chị, các anh!” Trong khi đó, đồng chí Võ Viết Thanh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh liên tục đến nắm tay từng người nồng ấm.
Đoàn công tác trải qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đi qua tỉnh Nong Khai, chúng tôi được bà con Việt kiều dẫn đường để đến Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Noọng Ổn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani. Từ xa mọi người đã nhìn thấy có rất đông bà con Việt kiều với những tà áo dài đứng thành 2 hàng, trên tay cầm quốc kỳ vẫy chào đoàn công tác. Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh trải lòng: “Đây là lần đầu tiên đến tỉnh Udon Thani thấy mình như được gặp lại người nhà vì tình cảm mà các bác, các cô, các anh chị dành cho đoàn công tác. Có thể nói ở đâu có Bác Hồ, có đồng bào Việt ở đó thấy quê hương.”
Trong buổi đầu tiên có mặt trên đất Thái Lan, đoàn được bà con Việt kiều Thái Lan giới thiệu chi tiết về công trình Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngôi nhà tranh Bác từng sinh sống làm việc trong giai đoạn 1928 – 1929, khi Người được Quốc tế Cộng sản phân công hoạt động trên vùng Đông Bắc Thái Lan. Cũng tại làng Noọng Ổn, xã Xiêng Phin, Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ với tên gọi là Thầu Chín được kiều bào ta và người dân Thái Lan yêu quý, giúp đỡ. Chẳng thế mà trong câu chuyện về Bác Hồ, ông Trần Trọng Tài – thành viên BQL Khu tưởng niệm đã kể rằng, cho đến bây giờ hằng ngày có rất đông người dân bản địa đến thắp hương với tấm lòng thành kính dành cho một tấm lòng, một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam. Sự hình thành công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài sự đồng tâm, đồng lòng của bà con Việt kiều, sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp từ trong nước còn có sự giúp đỡ, đồng thuận rất lớn của chính quyền tỉnh Udon Thani và người dân trong vùng. Hiện nay công trình đã được nhà nước Thái Lan công nhận là điểm di tích du lịch mang tầm vóc quốc gia và quan trọng hơn, Khu tưởng niệm Bác Hồ trở thành điểm hội ngộ của những tấm chân tình, của mối đoàn kết giữa chính phủ và nhân dân 2 nước Thái Lan – Việt Nam.
Đối với các nước theo Phật giáo tiểu thừa như Lào và Thái Lan, tháng Tư là tháng khởi đầu cho một năm mới, cũng là thời điểm đón chào mùa Bunpimay kỳ thú. Chính vì vậy, như một sự sắp đặt, đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An đến Thái Lan vào tháng Tư quan trọng nhất đối vùng đất có trên 95% theo đạo Phật. Tuy vậy, đâu chỉ có chùa tháp cổ kính với ngút ngàn đoọc khun vàng rực. Tại chùa Arat ở bản Chiang (bà con Việt kiều gọi là chùa bản Chích) cách Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh khoảng 15 phút đi ô tô, đoàn công tác tiếp tục được bà con Việt kiều chào đón với tất cả sự trang trọng và nồng hậu. Chùa bản Chích là nơi có nghĩa trang liệt sĩ của người Việt. Nghĩa trang được bà con Việt kiều Thái Lan xây dựng từ năm 1959. Đây là nơi phụng thờ 5 liệt sĩ đã có những đóng góp lớn lao cho cách mạng Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn đầu của thế kỷ 20. Đặc biệt nghĩa trang là nơi yên nghỉ của Nhà yêu nước Đặng Thúc Hứa, người con ưu tú của quê hương Thanh Chương, Nghệ An.
Trong cuộc đời hoạt động và tìm đường đấu tranh cách mạng vì nước, vì dân ông Đặng Thúc Hứa đã đến Thái Lan. Chính ông là người đầu tiên xây dựng phong trào yêu nước trong cộng đồng người Việt ở tỉnh Udon Thani nói riêng và Thái Lan nói chung. Hiện nay, nghĩa trang liệt sĩ ở bản Chích trở thành nơi sinh hoạt tâm linh quan trọng của cộng đồng người Việt ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Trong không khí chân tình và cởi mở, ông Trịnh Văn Thái - Ủy viên BCH Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani nói với đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh rằng, bà con Việt kiều đã nhiều lần đón các đoàn khách từ trong nước sang nhưng đây là lần đầu tiên ông cảm nhận rõ hơn về tỉnh Nghệ An, về sự đổi mới trên quê hương Bác Hồ. Và như một sự giao cảm đặc biệt nào đó, ông lại nói tương tự như lời tâm sự của đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An trước đó: “Ở đây bà con chúng tôi có Bác Hồ, có cụ Đặng Thúc Hứa và các anh hùng liệt sĩ. Chúng tôi ở rất gần quê hương.” Rồi như chợt nhớ ra, người đàn ông 65 tuổi vuốt vội mái tóc mỏng nói: “Đã có đường hàng không Vinh – Viêng Chăn. Từ Viêng Chăn đến U don cũng chỉ hơn 150 km. Nghệ An – U don gần lắm rồi!”
Trong một buổi chiều trời nắng nhẹ và lòng người giàu cảm xúc, mọi người không nghe nữ Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An nói gì, chỉ thấy bà lặng lẽ thắp những nén hương lên đài tưởng niệm liệt sĩ, lặng lẽ quay mặt để chấm khăn lên mắt; chăm chú nghe mọi người trò chuyện và dường như bà muốn ghìm giữ những phút giây sâu lắng của ngày đầu tiên trên vùng đất thuộc vùng Đông Bắc của xứ sở Chùa Tháp.
Đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An đến Thái Lan lần này với mục đích tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Và ngay từ đầu, đoàn đã nhận được sự giúp đỡ hết sức chí tình của bà con Việt kiều cũng như nhiều cơ quan, đơn vị của nước bạn. Theo kế hoạch, 8h30 ngày 5/4, hội nghị mới khai mạc, nhưng ngay từ sáng sớm nhiều cơ quan, đơn vị quản lý về du lịch, doanh nghiệp hoạt động lữ hành của Thái Lan đã có mặt. Thực tế, để tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch của Nghệ An tại Thành phố U – don, tỉnh Udon Thani trước đó nhiều ngày UBND tỉnh Nghệ An đã ráo riết chỉ đạo Sở VH-TT&DL, Trung tâm Xúc tiến du lịch Nghệ An và các đơn vị thành viên kết nối hành lang với các tổ chức đơn vị liên quan giữa Lào và Thái Lan.
Đây cũng là lần thứ 3 kể từ đầu năm nay, UBND tỉnh tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch gắn với quảng bá về đường hàng không quốc tế Vinh – Viêng Chăn. Nhưng lần này, Hội nghị có quy mô cũng như tính chất lớn hơn, tạo được sự lan tỏa ngay trước giờ khai mạc. Không tính đông đảo bà con Việt kiều tỉnh Udon Thani, Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 250 đại biểu diện cho các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp lữ hành đến từ Lào và 20 tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, lãnh đạo các tỉnh Khon Kean (Khỏn Kèn), thành phố U – don và tỉnh Udon Thani. Đặc biệt sự hiện diện của ông Nguyễn Hữu Định – Tổng lãnh sự của Việt Nam tại tỉnh Khon Kean và ông Kopket Kanchana – Phó Tỉnh trưởng Udon Thani trên hàng ghế chủ trì cùng với lãnh đạo UBND tỉnh và Sở VH-TT&DL Nghệ An đã đem đến niềm tin và sự phấn chấn cho mọi người tham dự.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã cho thấy, sự có mặt của các đoàn công tác tỉnh Nghệ An tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Thái Lan trong thời gian gần đây thể hiện mối quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Nghệ An trong việc nối gần hơn khoảng cách về không gian và thời gian trong hành lang kinh tế đông tây của khu vực Đông nam Châu Á. Đó là sự mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An về việc hội nhập, mở rộng hợp tác đầu tư, giao thương, giao lưu trên tất cả các lĩnh vực giữa tỉnh trung tâm Bắc miền Trung của Việt Nam với vùng đất giàu bản sắc có trên 95% theo đạo Phật của Lào và Thái Lan.
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh cũng cho biết, đã có rất nhiều tổ chức, đơn vị, nhất là các nhà đầu tư và doanh nghiệp lữ hành du lịch đang thành công ở Nghệ An, song bên cạnh đó cũng có không ít người chưa biết nhiều về tỉnh quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, hội nghị lần này ngoài mục đích kết nối không gian văn hóa du lịch trong hành lang kinh tế đông tây, giữa các nước Việt Nam, Lào và Thái Lan, còn hướng tới đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, giới thiệu và quảng bá về tiềm năng, tài nguyên du lịch của Nghệ An.
Hội nghị cũng đã được nghe bài phát biểu chào mừng của ông Kopket Kanchana – Phó Tỉnh trưởng Udon Thani. Theo đó, ông Phó Tỉnh trưởng đã đánh giá cao những nỗ lực của Nghệ An trong việc giới thiệu quảng bá hình ảnh, tiềm năng của quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh đến với bạn bè quốc tế. Về phía tỉnh Udon Thani, chính quyền và các cơ quan quản lý về du lịch sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, để hỗ trợ hoạt động đầu tư thương mại và xúc tiến du lịch của Việt Nam trên vùng Đông Bắc Thái Lan nói chung và tỉnh Udon Thani nói riêng. Ông Kopket cũng cho rằng, sự thành công của những hoạt động như thế này không chỉ đến với tỉnh Nghệ An mà sẽ là sự xúc tác quan trọng đối với hoạt động lữ hành vốn đã có truyền thống của Thái Lan.
Với tầm hiểu biết sâu rộng và cách thể hiện khiêm nhường, ông Nguyễn Hữu Định – Tổng lãnh sự của Việt Nam tại tỉnh Khon Kean trao đổi với mọi người bằng sự trầm ấm thường thấy của các nhà ngoại giao. Vị Tổng lãnh sự của vùng đông bắc Thái Lan khẳng định rằng, chưa bao giờ mối quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa chính phủ 2 nước Việt Nam và Thái Lan tốt đẹp như hiện nay. Từ tháng 6 năm 2013, sau khi chính phủ 2 nước đã nâng mối quan hệ lên tầm chiến lược. Đó chính là điều kiện vô cùng thuận lợi để Việt Nam và Thái Lan đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác, trong đó có du lịch. Sự gần gũi về địa lý, giao thông, văn hóa giữa Nghệ An và Udon Thani cũng như các tỉnh Đông bắc Thái Lan là tiền đề, điều kiện quan trọng để mở ra các cơ hội hợp tác và phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Định cũng cho hay, khi biết Nghệ An tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá tiềm năng du lịch ở U – don đã có rất đông các cơ quan quản lý, khai thác lữ hành của Thái Lan đến tìm hiểu và hết sức hoan nghênh hoạt động này. Tuy nhiên cũng như nhiều ý kiến khác, vị Tổng lãnh sự cũng cho rằng, Nghệ An muốn phát huy hiệu quả từ nền công nghiệp không khói thì trước hết cách làm du lịch cần chuyên nghiệp hơn, phải tạo ra các sản phẩm du lịch đồng bộ nhưng không lẫn vào sản phẩm của địa phương khác. Về phía cơ quan ngoại giao, Lãnh sự quán sẽ tạo mọi điều kiện để Nghệ An và các công ty, doanh nghiệp của tỉnh đến Thái Lan và ngược lại thiết lập mối quan hệ đối tác làm ăn và mở rộng phạm vi hoạt động du lịch. “Đó là trách nhiệm của chúng tôi” – ông Nguyễn Hữu Định kết thúc bài phát biểu bằng niềm tin chắc chắn mà tất cả mọi người đều cảm nhận được.
Tại Hội nghị, sau khi được nghe các phần giới thiệu về tiềm năng du lịch của Thành phố Vính, Thị xã Cửa Lò và huyện Nam Đàn, 3 cụm du lịch trọng điểm của tỉnh Nghệ An, đông đảo các đại biểu, doanh nghiệp và kiều bào ta ở Thái Lan đã có nhiều câu hỏi và góp ý về hoạt động du lịch ở Nghệ An. Theo đó, các vấn đề về cơ chế chính sách, giao thông, hạ tầng ngành du lịch được đông đảo đại biểu quan tâm. Nhiều câu hỏi xoay quanh đến vấn đề điểm đến, hệ thống dịch vụ và các gói sản phẩm du lịch mà Nghệ An có thể mang lại cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Một vấn đề được nhiều bà con Việt kiều Thái Lan lần đầu tiên biết và dành sự quan tâm lớn là giá vé máy bay của tuyến hàng không Vinh – Viêng Chăn. Thậm chí có những ý kiến đề cập đến với tỉnh Nghệ An và hãng hàng không quốc gia Việt Nam rằng, cần cân nhắc để mở đường hàng không quốc tế từ Vinh đi Udon Thani và ngược lại. Lý giải cho điều này, Giám đốc doanh nghiệp du lịch lữ hành Thái Lan khẳng định rằng bà không phải là người Việt Nam, nhưng bà biết rằng ở vùng đông bắc Thái Lan và tỉnh Udon Thani có tới trên dưới 10.000 Việt kiều đang sinh sống. Đây thực sự là nhân tố để mở đường bay thẳng nối tỉnh Nghệ An đến trung tâm của Đông bắc Thái Lan.
Sự thành công của hoạt động xúc tiến du lịch không chỉ đến từ những thiện chí hay kết quả mang tính chất giới thiệu, quảng bá về một vùng đất, cho dù thời gian hội nghị đã phải kéo dài đến đầu buổi chiều vì sự quan tâm của đại biểu và bà con Việt kiều. Tất cả không chỉ có vậy, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh đã nói khi chúng tôi bước lên chuyến máy bay từ Viêng Chăn để trở về nước, rằng: “Chúng ta đang có nhiều cơ hội để biến sự kỳ vọng thành hiện thực. Chúng ta làm du lịch không chỉ để giới thiệu quảng bá tiềm năng mà Nghệ An đang có, hay để hướng đến sự chuyên nghiệp, mà đây còn là trách nhiệm đối với quê hương và bà con ở xa tổ quốc.”
Bài, ảnh: Đào Tuấn