(Baonghean.vn) - Hòa trong không khí thiêng liêng của cả nước hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, những ngày này, tại di tích lịch sử văn hóa đền Hồng Sơn - TP Vinh nhân dân khắp nơi trong vùng đang náo nức chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ linh thiêng để tưởng nhớ các Vua Hùng.
Từ bao đời nay, mỗi người dân Việt Nam luôn nhớ về ngày giỗ Tổ qua câu ca được truyền tụng: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba/ Khắp nơi truyền mãi câu ca /Nước non vẫn nước non mình ngàn năm”. Có lẽ trên thế giới này hiếm có nơi nào lại có được hình thức tín ngưỡng thờ Tổ độc đáo như ở Việt Nam khiến chúng ta phải nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam, góp phần tạo nên giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt. Đó là truyền thống thờ gia tiên trong từng gia đình, thờ tổ họ của dòng họ, thờ Thành Hoàng của làng và thờ Tổ chung của đất nước ở Đền Hùng. Ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3, người dân Việt Nam ta ở mọi miền đất nước và ở xa Tổ quốc, dù đến hay không đến được, đều hướng về Đền Hùng, hướng về cội nguồn dân tộc với lòng biết ơn công lao các Vua Hùng và với niềm tin vào sự trường tồn và sức mạnh của dân tộc.
Là ngôi đền cổ có kiến trúc thời Nguyễn, đền Hồng Sơn được người dân khắp nơi trong tỉnh biết đến bởi đây là ngôi đền duy nhất trên địa bàn TP Vinh thờ Hùng Vương - Người có công dựng nước. Những ngày này tại đền Hồng Sơn không khí như náo nhiệt hơn bởi các băng rôn, khẩu hiệu, cờ lễ hội đã được treo lên rực rỡ ngay ngắn trước cổng đền. Trong sân chính của đền, các cụ trong hội người cao tuổi, Hội CCB khối 1, phường Hồng Sơn đang say sưa tập luyện cho thật thuần thục những động tác để chuẩn bị cho phần tế lễ được diễn ra chu đáo, trang nghiêm. Được xác định là một trong những phần quan trọng nhất của buổi lễ. Vì thế năm nào cũng vậy, trước ngày diễn ra lễ giỗ Tổ, đội tế đã tổ chức tập luyện hàng tuần liên tục.
Năm nay, đội tế lễ gồm 10 cụ đến từ hội CCB, hội người cao tuổi khối 1. Mặc dù tuổi đã khá cao nhưng cụ Hoàng Khắc Lai không hôm nào vắng mặt, với cụ được chọn vào tham gia đội tế tại lễ giỗ tổ Hùng Vương là niềm vinh dự, niềm tự hào mà không phải cụ nào cũng có. Cụ Lai phấn khởi cho biết: Cụ đã từng tham gia rất nhiều lễ tế ở đền Hồng Sơn như lễ tế đức Thánh Mẫu, đức Thánh Trần…Tuy nhiên, mỗi lần tập luyện để chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ Vua Hùng, cụ có cảm giác lạ lắm: bồn chồn, lo lắng xen lẫn cảm xúc rưng rưng, cứ như đang làm lễ cho chính cha mẹ mình vậy.
Tuy chưa đến ngày lễ chính nhưng rất nhiều người dân đã đến dâng hương, dâng hoa. Đang cẩn thận bày hoa quả lên đĩa, bà Nguyễn Thị Nga (khối 13, phường Bến Thủy) cho hay: Năm nào cứ đến ngày giỗ Tổ bà lại cùng con cháu đến dâng hương tại đền Hồng Sơn với niềm ước mong giản dị: thắp một nén nhang tưởng nhớ, cảm ơn tới Vua Hùng. Năm nay, bà đến dâng hương sớm hơn mọi năm vì đúng ngày giỗ Tổ, cả gia đình bà sẽ đi Phú Thọ - dự lễ hội đền Hùng.
Hằng năm tại đền Hồng Sơn có 3 kỳ lễ hội chính: Mồng 3 tháng 3 âm lịch: giỗ đức Thánh mẫu; Mồng 10 tháng 3 âm lịch: ngày giỗ Tổ Hùng Vương; Ngày 20 tháng 8 âm lịch: Kỷ niệm ngày giỗ Đức Thánh Trần. Năm nay, lễ giỗ Tổ Hùng Vương sẽ diễn ra trong 2 ngày mồng 9 và mồng 10 tháng 3 với quy mô cấp thành phố do Ban quản lý đền tổ chức. Xác định đây là hoạt động văn hóa tâm linh hướng về cội nguồn, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa của quê hương, dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân. Vì thế từ đầu tháng 3 âm lịch, ban quản lý đền đã có kế hoạch cụ thể phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, phối hợp với UBND phường Hồng Sơn để tổ chức lễ giỗ trọng thể, thiêng liêng. Hiện nay tại đền Hồng Sơn đã thờ long ngai, bài vị 18 đời Vua Hùng tại cung trung điện thay vì thờ tượng Vua như trước đây đúng với mong muốn của nhân dân.
Ông Hồ Công Tiến – Phó Ban quản lý quản lý đền Hồng Sơn cho biết: Cũng như mọi năm, năm nay lễ giỗ Tổ sẽ được tổ chức trang trọng tại sân lớn của đền, có sự tham dự của tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố, mỗi phường, xã có một mâm lễ vật để dâng lên tế Vua. Bên cạnh phần lễ gồm lễ khai quang, yết cáo, lễ tưởng niệm và lễ đại tế, phần hội năm nay hứa hẹn sôi nổi với màn múa lân rộn rã của các phường, xã có đội múa lân truyền thống. Đây là hoạt động văn hóa tâm linh hướng về cội nguồn nên nhân dân rất phấn khởi tham gia. Để buổi lễ tưởng niệm các Vua Hùng diễn ra trang trọng, phần lễ sẽ do Ban quản lý đền Hồng Sơn chịu trách nhiệm chính, còn phần hội, UBND phường Hồng Sơn đứng ra tổ chức. Với hy vọng ngày giỗ Tổ Hùng Vương sẽ là ngày hội văn hóa đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân thành phố Vinh nói riêng và các vùng phụ cận nói chung.
Thanh Thủy