Nhức nhối những ca tự vẫn
Những ngày đầu Xuân mới, thời tiết lạnh tê tái, nơi các bản làng ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) nhịp sống vẫn êm trôi. Ở Bệnh xá quân dân y của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 đóng chân ở bản Phù Khả 2, các bác sỹ vẫn miệt mài với công việc khám, chữa bệnh cứu người. Nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người dân nghèo mỗi khi gặp vấn đề xấu về sức khỏe, tính mạng. Không những vậy, bệnh xá còn là nơi cứu chữa nhiều trường hợp tự tìm đến cái chết bằng những loại độc dược, phổ biến nhất là lá ngón và thuốc trừ sâu.
Các bác sỹ của bệnh xá cho biết, vấn nạn tự tử bằng lá ngón và thuốc trừ sâu đến nay vẫn còn diễn ra, tuy số vụ có giảm hơn so với nhiều năm về trước, nhưng vẫn là thực trạng nhức nhối ở các bản làng Na Ngoi và một số xã, huyện khác của miền Tây. “Gần đây nhất, ngày 9/2 vừa rồi, chỉ mới qua tết Nguyên đán Nhâm Dần ít hôm, chúng tôi tiếp nhận một ca cấp cứu do ăn lá ngón tự tử”, bác sỹ Nguyễn Công Minh cho hay.
Đó là một cô gái tuổi đời còn rất trẻ, sinh năm 2005, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong gia đình mà nỡ quyết định tự tước bỏ sự sống của chính mình. Khi được người nhà đưa đến bệnh xá lúc 16h chiều, tinh thần bệnh nhân đã rơi vào lơ mơ, gần như hôn mê bất tỉnh. Khi biết bệnh nhân đã ăn lá ngón, các y, bác sỹ nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp cứu gây nôn, rửa ruột để giảm tác động của chất độc và cho bệnh nhân chuyển tuyến để tiếp tục các bước điều trị giải độc, cứu giữ được tính mạng. Điều may mắn cho bệnh nhân là được người nhà phát hiện sớm và đưa ngay đến bệnh xá. Trước đó, một trường hợp khác ngộ độc lá ngón cũng đã được các y, bác sỹ nơi đây “giải cứu” khỏi bàn tay của tử thần, đó là em X.Y.B ở bản Pù Quặc 3, sinh năm 2013, trên đường đi học về nhà em đã ăn phải lá ngón.
Cũng theo chia sẻ của các bác sỹ nơi miền biên cương này, trên địa bàn xã Na Ngoi, năm 2021 đơn vị đã tiếp nhận 6 trường hợp ăn lá ngón và 2 trường hợp uống thuốc trừ sâu với ý định tự kết liễu cuộc sống của chính mình. Các trường hợp đó sau khi được cấp cứu, giữ được tính mạng, họ cho biết nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột chủ yếu do mâu thuẫn gia đình. Chỉ vì không hài lòng một điều gì đó trong cuộc sống nên tự tìm đến cái chết. Sau mỗi ca cấp cứu, mỗi lần chứng kiến bệnh nhân đau đớn, thậm chí tử vong vì chất kịch độc do họ tự uống, các y, bác sỹ lại không khỏi day dứt.
Cứu người nơi lằn ranh sinh tử
Suốt những năm tháng công tác, gắn bó với người dân ở các bản làng của các xã biên giới mà Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 đóng quân, các thế hệ y, bác sỹ đã trải qua hàng nghìn ca khám chữa bệnh, hàng nghìn lượt đi về các bản làng để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong vô vàn những tình huống các y, bác sỹ đã xử lý, bên cạnh các ca cấp cứu do vấn nạn ăn lá ngón thì chiếm tỷ lệ lớn còn là những trường hợp liên quan việc sinh đẻ của phụ nữ. Trước đây, đồng bào còn duy trì quan niệm lạc hậu, cho rằng thân thể của người phụ nữ cho dù là lúc ốm đau nguy cấp thì cũng không cho phép người lạ “nhìn thấy”. Bởi vậy, một thời gian dài đồng bào đã duy trì việc tự sinh đẻ ở nhà, dẫn đến rất nhiều trường hợp gặp tai biến trong quá trình sinh nở khiến người mẹ hoặc trẻ bị tử vong, hoặc cả mẹ và trẻ tử vong.
“Thật may, tình trạng ấy đã giảm dần qua từng năm. Đã nhiều năm nay bà con dân bản đã tạo được thói quen đi khám bác sỹ, đến với bệnh xá mỗi khi đau ốm, sinh nở”, bác sỹ Nguyễn Công Minh cho biết. Bác sỹ Minh cũng chia sẻ, đó là một trong những niềm vui của người thầy thuốc quân đội nơi biên viễn xa xôi này. Bởi ai từng đến, chứng kiến cuộc sống của người dân Na Ngoi những năm thập niên 1990 trở về trước mới thấy được tác hại ghê gớm của một số hủ tục đối với đời sống của bà con dân bản. Trước kia, mỗi khi nhà ai có người ốm đau họ đều tự làm lễ hoặc mời thầy cúng “con ma rừng”, với quan niệm người bị ốm đau là do con ma rừng bắt. Cũng vì quan niệm ấy mà không biết bao nhiêu số phận đã phải lìa đời một cách oan uổng khi không được cứu chữa kịp thời bằng y học hiện đại, đặc biệt là đối với những ca sinh đẻ khó.
Trưởng bản Phù Khả 2 - ông Mùa Chồng Chà cho biết về sự giúp đỡ của các bác sỹ quân y trong chăm sóc sức khỏe người dân ở Na Ngoi. Clip: Hoài Thu |
Ví như trường hợp sản phụ Hạ Y Đia, sinh năm 2003 ở bản Ka Trên, xã Na Ngoi được đưa đến bệnh xá Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 lúc 1 giờ sáng ngày 5/1/2022 trong tình trạng mệt mỏi, đau bụng dữ dội. Qua thăm khám, siêu âm cho chị Đia, các bác sỹ chẩn đoán thai đã hơn 39 tuần và có dấu hiệu chuyển dạ đẻ. Tuy nhiên, đây là một ca sinh nở khó vì sản phụ mang thai ngôi ngang - loại ngôi thai rất hiếm gặp, chỉ chiếm 1% trong các trường hợp sinh sản trên thế giới. Với tình trạng ngôi thai ngang thì biện pháp an toàn nhất là sinh mổ.
Tuy nhiên, ở những nơi xa xôi như xã biên giới Na Ngoi, việc mổ đẻ hầu như không thực hiện được bởi sự hạn chế về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị. Thêm vào đó, các trường hợp sản phụ đến bệnh xá khi đã có dấu hiệu chuyển dạ, thời gian rất gấp gáp, tình trạng khó lường. Bởi thế, sau khi thăm khám, chẩn đoán nhanh thì các y, bác sỹ chỉ có thể can thiệp bằng các biện pháp khác. Như trường hợp sản phụ Hạ Y Đia, ê-kíp do bác sĩ Nguyễn Công Minh làm kíp trưởng cùng 2 y sỹ Nguyễn Văn Kiên và Nguyễn Mai Thủy sau khi khám cấp cứuđã hội ý và dùng các thủ thuật chỉnh sửa, xoay thai. Đến 3 giờ sáng cùng ngày, sản phụ sinh hạ thành công bé trai cân nặng 3,8 kg đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Trước đó không lâu, bệnh xá cũng tiếp nhận trường hợp của chị Mùa Y Pó ở bản Phù Khả 1 đến bệnh xá trong tình trạng mang thai ngôi ngược. Ngôi thai ngược không phải trường hợp hiếm gặp nhưng là tình trạng bất thường của thai nhi và có nhiều yếu tố nguy hiểm cho cả mẹ và con, nếu xử lý không khéo có thể rất khó để phần đầu của bé đi ra ngoài được, dẫn đến bé bị ngạt thở. May mắn cho chị Y Pó khi được các bác sỹ bệnh xá can thiệp kịp thời giúp ngôi thai quay trở lại thuận chiều, giúp mẹ tròn con vuông. “Cả hai sản phụ Mùa Y Pó cũng như Hạ Y Đia nếu đến chậm một thời gian ngắn nữa thì tính mạng cả mẹ và con khó bảo toàn bởi ngôi thai ngang nếu không can thiệp sẽ không thể sinh”, bác sỹ Minh cho biết.
Kể về những trường hợp người dân sinh đẻ, đau ốm đã ở cận kề lằn ranh sinh tử, các y, bác sỹ cho hay, mỗi lần cứu thành công một ca bệnh, họ lại có thêm nghị lực, thêm tình yêu gắn bó với nghề nghiệp, với những bản làng nơi biên cương Tổ quốc. Trong một lần đi về cơ sở ở bản Ka Trên, có một số cụ già không đến được địa điểm tập trung, các bác sỹ đã đến tận nhà để thăm khám cho các cụ. Trong đó có trường hợp cụ Già Nỏ Pó, trong căn nhà chênh vênh bên đường, cụ Pó nằm một chỗ toàn thân phù nề, sưng tấy.
Người thân cụ Pó cho hay, gia đình xác định cụ đã đến lúc “gần đất xa trời”, chỉ tính từng ngày không biết khi nào thì cụ “đi”. Hỏi tại sao gia đình không đưa cụ đi khám, vợ con cụ Pó cho biết gia đình khó khăn nên không có điều kiện đưa cụ đi chữa trị. Sau khi thăm khám, chẩn đoán cụ bị bệnh về xương khớp, tiểu đường, các bác sỹ đã phát thuốc và tư vấn, thuyết phục gia đình đưa cụ đi bệnh viện điều trị, bệnh xá hỗ trợ một phần kinh phí. Không lâu sau đó, gia đình đã đưa cụ đi điều trị và đến nay bệnh tình cụ đã thuyên giảm, đã hết phù nề, đi lại bình thường, sống vui vẻ cùng gia đình. Mỗi lần gặp các bác sỹ, cụ Pó lại nắm tay ân cần “cảm ơn bộ đội bác sỹ đã cứu bố từ cõi chết trở về”.
Giáp tết Nguyên đán Nhâm Dần, được các bác sỹ thăm khám sức khỏe, Trưởng bản Phù Khả 2, ông Mùa Chồng Chà vui lắm, bày tỏ biết ơn bác sỹ lắm. Ông cho hay, khoảng chục năm trở về trước người dân Na Ngoi khổ lắm. Bản Phù Khả 2 cũng vậy. Ngoài việc được chính quyền quan tâm, bà con còn được hưởng lợi từ sự giúp đỡ của cán bộ chiến sỹ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4. Trước đây, khi chưa có bệnh xá bà con đau ốm cần đi điều trị chữa bệnh phải ra Mường Xén, mà khi đó đường đi khó khăn nên phải đi hết 1 ngày mới ra đến nơi. Bà con được bộ đội hỗ trợ giống trâu, bò để chăn nuôi, hỗ trợ 24 hộ nghèo của bản Phù Khả 2 làm nhà kiên cố; rồi giúp giống gừng, dong riềng để phát triển kinh tế. Năm 2021, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 vừa hỗ trợ bản làm 1 nhà văn hóa khang trang, to đẹp lắm.
Đại tá Chu Huy Lương - Chính ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 cho biết, địa bàn phụ trách của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 trải dài trên 75 bản thuộc 8 xã của hai huyện Kỳ Sơn, Quế Phong. Cán bộ, chiến sỹ vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa khám chữa bệnh miễn phí và tham gia phối hợp cùng địa phương giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Năm vừa qua, Bệnh xá đã khám và điều trị cho 1.921 bệnh nhân, trong đó điều trị nội trú 262 người, chuyển tuyến 140 người, cấp cứu thành công cho 20 bệnh nhân ở các bản; tư vấn chăm sóc sức khỏe cho 3.000 lượt người, khám cấp thuốc miễn phí trên 5.000 người.
“Ngoài trực khám chữa bệnh tại Bệnh xá, các y, bác sỹ lại rong ruổi đến với các bản làng để khám, tư vấn, cấp phát thuốc, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, kết hợp tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục, nắm bắt các thông tin tích cực về văn hóa đời sống, chính sách pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết, phục vụ cuộc sống tốt hơn” - Đại tá Chu Huy Lương chia sẻ.