(Baonghean) - Trong thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế đăng ở báo Nhân Dân số ra ngày 27/2/1955, Bác Hồ gửi gắm ba điều, đó là: Phải thật thà đoàn kết; Thương yêu người bệnh; Xây dựng nền y học nước nhà. Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, ngành Y tế Nghệ An không ngừng xây dựng, củng cố, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, y đức song hành với y thuật, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân…
 
Kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ CK2 Bùi Đình Long - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An:
 
 
images1134325_a5_ph_u_thu_t_thay_th__thu__tinh_b_ng_phuong_ph_p_phac__t_i_b_nh_vi_n_m_t_ngh__an.jpgPhẫu thuật thay thuỷ tinh thể bằng phương pháp Phacô tại Bệnh viện Mắt Nghệ An.
 
 
PV:Thưa bác sỹ! Thời gian qua, ngành Y tế Nghệ An đã thực hiện 3 điều mong mỏi của Bác Hồ gửi gắm trong Thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế ngày 27/2/1955 như thế nào?
 
Thầy thuốc Ưu tú - Bác sỹ CK2 Bùi Đình Long:Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt 60 năm qua, ngành Y tế Nghệ An đã không ngừng cố gắng, phấn đấu và cho đến nay có thể tự hào rằng ngành đã cơ bản đáp ứng được 3 điều mong mỏi đó của Bác. Cụ thể: Gần 10.000 cán bộ y tế toàn ngành luôn đoàn kết, tập trung, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo động lực, khối thống nhất cao để ngành thực hiện được nhiều kỹ thuật cao của tuyến trung ương, phát triển nhiều kỹ thuật chuyên ngành rộng để đảm bảo tốt công tác khám chữa bệnh cho người dân từ cơ sở.
 
Nâng cao tinh thần thương yêu người bệnh, ngành Y tế Nghệ An đẩy mạnh phong trào vận động nâng cao y đức. Từ năm 2004, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án Nâng cao y đức, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện, Đề án đã phát huy hiệu quả góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh, cải thiện quan hệ người bệnh với bác sỹ. Trong những năm qua, ngành đã tôn vinh được hơn 150 cán bộ “Gương sáng y đức”. 
 
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, Nghệ An đã xây dựng một nền y học hiện đại kết hợp y học dân tộc, phát triển trên diện rộng và cả chuyên sâu. Diện rộng thể hiện ở việc củng cố y tế tuyến xã, tuyến huyện và nâng cao chất lượng y tế tuyến tỉnh vừa đa khoa, vừa chuyên khoa. Song song xây dựng và phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, vừa phát triển hệ thống phòng chống dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, an toàn vệ sinh thực phẩm… Quá trình hình thành phát triển, ngành Y tế Nghệ An đã có mạng lưới tương đối hoàn chỉnh: Về hệ thống khám chữa bệnh, có Bệnh viện đa khoa tỉnh hạng 1, và 2 bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc, Tây Nam, 10 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, đó là Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Lao…
 
Các bệnh viện chuyên khoa đã dần đi vào hoạt động hiệu quả, phát huy tốt chức năng và nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, bệnh viện đa khoa đã phổ cập ở tuyến y tế cơ sở với 17 bệnh viện và 2 trung tâm y tế có giường bệnh/21 huyện, thành, thị. Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập (với 9 bệnh viện, nhiều phòng khám chuyên khoa, đa khoa) đã góp phần cùng hệ thống y tế công lập đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân; về hệ thống phòng chống dịch bệnh, có 9 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 21 trung tâm y tế huyện; 480 trạm y tế xã thực hiện hai chức năng, phòng chống dịch bệnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và khám chữa bệnh ban đầu.
 
Hiện tại, mạng lưới y tế đã được phủ kín, rộng khắp, với 5.000 cán bộ y tế thôn bản, 3.137 cán bộ y tế tuyến xã, 3.401 cán bộ y tế tuyến huyện, 3.001 cán bộ y tế tuyến tỉnh, đã đáp ứng phần nào nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Ngành Y tế Nghệ An đang dần tiến tới việc xây dựng mô hình bác sỹ gia đình.
 
PV:Trong Di chúc, Bác Hồ không quên dặn dò phải “Phát triển công tác vệ sinh, y tế…”. Tư tưởng của Người luôn đề cao “phòng bệnh hơn trị bệnh”, thời gian qua ngành Y tế Nghệ An đã thực hiện công tác dự phòng, phòng bệnh ra sao, thưa bác sỹ?
 
Thầy thuốc Ưu tú - Bác sỹ CK2 Bùi Đình Long:Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, các trung tâm tuyến tỉnh đã và đang thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh; các trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện phòng chống dịch bệnh và các chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện, 2/3 cán bộ y tế toàn ngành đang tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, những bệnh truyền nhiễm phổ biến như uốn ván, thủy đậu, lao, phong đã giảm thiểu và được khống chế. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã coi trọng, các ban ngành tích cực tham gia việc phòng chống dịch bệnh, công tác vệ sinh nông thôn, y tế trường học được quan tâm, các bệnh nhiễm trùng, bệnh do môi trường giảm hẳn. Việc tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe được đẩy mạnh nên nhận thức người dân được nâng cao, tạo sự chủ động trong phòng bệnh. Ngành luôn xác định: Có phòng chống tốt thì người dân không mắc bệnh, các bệnh viện không quá tải, chất lượng khám chữa bệnh mới có điều kiện được nâng cao.
 
 
Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
 
 
PV:Tư tưởng của Bác luôn hướng tới một nền y tế “hợp lý” theo hướng “phát triển việc nghiên cứu”, “đủ thầy thuốc” và “nhân đạo”, thời gian tới, ngành Y tế Nghệ An sẽ có những bước phát triển nào để đáp ứng kỳ vọng đó, thưa bác sỹ?
 
Thầy thuốc Ưu tú - Bác sỹ CK2 Bùi Đình Long:Tư tưởng của Bác Hồ hướng tới một nền y tế phát triển cả diện rộng lẫn chiều sâu. Ngành Y tế Nghệ An ý thức rõ sự định hướng, tiên lượng của Bác và xác định đây chính là một xu thế phát triển tất yếu, hợp lý, đúng quy luật. Chính vì vậy ngành đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố, phát triển theo định hướng đúng đắn này. Ngành xác định: Diện rộng ở đây là các bệnh thông thường phải được phát hiện sớm, chăm sóc sớm; những căn bệnh nguy hiểm, nan y cần phải có chuyên môn sâu để chữa trị. 
 
Về diện rộng, ngành tiếp tục tập trung phát triển y tế tuyến xã. Đó là tiếp tục cập nhật, nâng cao kiến thức cho hơn 5.000 cán bộ y tế thôn bản (phần lớn đã có trình độ sơ, trung cấp, thậm chí rất nhiều người có trình độ cao đẳng). Đẩy mạnh hơn việc xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Thời điểm này, Nghệ An đã có 63,5% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Ở những địa phương đã đạt, công tác y tế, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, trình độ bác sỹ, nhận thức người dân có sự tiến bộ, khác biệt so với những xã chưa đạt. Xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế là mục tiêu lớn, thiết thực, cấp ủy chính quyền và nhân dân Nghệ An cố gắng phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 80% tổng số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Ở tuyến huyện, ngành Y tế tập trung vào việc điều trị cấp cứu, bệnh thông thường và chuyên sâu thêm một số lĩnh vực có thể điều trị được theo năng lực. Ở tuyến tỉnh, các bệnh viện sẽ tập trung vào các kỹ thuật chuyên sâu. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện được mổ tim hở, can thiệp tim mạch, ghép tạng, Bệnh viện Ung bướu đã thực hiện thành công việc ghép tủy điều trị ung thư, tương lai gần sẽ phát triển hệ thống xạ trị…
 
Trong xu thế phát triển nền y tế hợp lý, toàn diện đầy đủ cả diện rộng chiều sâu, ngành Y tế Nghệ An tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ y tế đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Hiện nay, cán bộ y tế có trình độ cao đẳng, trung cấp cơ bản đã đáp ứng, giải quyết tình trạng thiếu bác sỹ, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án thu hút cán bộ. Ngành phấn đấu đến năm 2020 sẽ đảm bảo tỷ lệ 8,5 bác sỹ/1 vạn dân, bằng trung bình chung cả nước, tất cả các xã, phường, thị trấn đều có bác sỹ. Bên cạnh quan tâm về số lượng, ngành chú trọng nâng cao chất lượng tay nghề, trình độ cho cán bộ bằng tập trung đào tạo y đức, y thuật, trình độ nhận thức chính trị để đáp ứng nhu cầu chuyên môn.
 
Nêu cao tư tưởng nhân đạo của Bác Hồ, ngành Y tế Nghệ An không ngừng cố gắng phát huy lời dạy của Người “Lương y phải như từ mẫu”, thực hiện tốt y đức, không phân biệt đối tượng bệnh nhân, xây dựng ngành Y tế Nghệ An toàn diện, đồng bộ, hiện đại, vừa đáp ứng diện rộng vừa đảm bảo chuyên sâu, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc. Trong xu thế phát triển, ngành Y tế Nghệ An sẽ không ngừng cố gắng khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành, vượt qua khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phấn đấu hoàn thiện hơn nữa, để đáp ứng sự hài lòng của người dân và mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
 
PV: Xin cảm ơn bác sỹ!
 
T. Chung – T. Thành (Thực hiện)