(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Mất cả chì lẫn chài” của tác giả Bụt Sơn, đăng ở mục Diễn đàn, Báo Nghệ An cuối tuần ra ngày 20/9 có số phiếu bình chọn tin, bài hay cao thứ ba. Bài viết được bạn đọc đánh giá cao về những lập luận, lý lẽ sắc sảo về vấn đề liên quan đến “dân sinh”, mang tính thời sự…

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 171 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với dự tính nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt theo hướng tăng nặng. Theo dự thảo, mức phạt sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện tại. Mục đích của việc tăng mức xử phạt là nhằm “tăng nguồn thu cho ngân sách mà mục đích chính là để dân tình ngán chuyện mất tiền mà cẩn thận tay lái. Qua đó, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông...”. Bởi theo lý giải của tác giả Bụt Sơn thì “Cách xử phạt đem lại hiệu quả cao nhất là đánh vào dạ dày. Nghĩa là đánh vào kinh tế, vào hầu bao của mỗi người. Kể cũng có lý vì “đồng tiền liền khúc ruột”. Lấy tiền thì khác nào rứt ruột người ta ra, mấy ai mà chịu nổi”. Phạt nặng, phạt đau thì xót nên người ta kỳ vọng, với mức phạt “khủng” như trong dự thảo sẽ khiến những người cầm lái sẽ cẩn trọng và tuân thủ đúng Luật Giao thông, nhờ đó mà TNGT sẽ giảm xuống. Nhưng thực tế, so với mặt bằng thu nhập bình quân đầu người của người dân thì mức phạt hiện tại đã là quá cao. Vậy nhưng, số vụ TNGT không giảm, vẫn ở mức “báo động đỏ”: “Tính sơ, trong 8 tháng đầu năm  cả nước xảy ra khoảng  14 nghìn vụ, làm chết  hơn 5 nghìn người, làm bị thương gần 13 nghìn người”. Vậy nên, tác giả đã đặt câu hỏi: “Liệu tăng mức xử phạt có tác dụng như kỳ vọng?”. 
 
 
images1388466_images1384667_images458236_khongso.jpgTranh minh họa. (nguồn Internet).
Và tác giả lập luận: Sở dĩ hiện nay, số vụ TNGT tăng, số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông hàng năm  vẫn ngang bằng hoặc cao hơn số người thiệt mạng trong các cuộc chiến đang diễn ra trên thế giới là do “giải pháp ngăn chặn, chế tài xử phạt thiếu đồng bộ”. Cụ thể là, “hổng từ việc đào tạo người cầm lái hổng đi”, “hệ thống đường sá, biển báo rối tinh rồi mù  khiến ai cũng có thể phạm luật bất cứ lúc nào” và do “Luật cũng không được thực thi nghiêm, các phương tiện quá tải, quá hạn vẫn thoải mái lưu thông…”. Và nguyên nhân chính “là độ liêm khiết của những người cầm còi chưa cao. Cứ đưa tiền mặt là người và phương tiện sai phạm lại được cho qua. Chưa kể, người ta còn bảo kê từ xa theo hệ thống nên đã đẻ ra cái thứ gọi là “logo xe vua” cứ dán một phù hiệu kiểu như ám hiệu đã được quy định trước lên kính xe là được thoải mái tung hoành”.  Do đó, một vấn đề được đặt ra là “Khi dự thảo nâng cao mức phạt được đưa ra, người ta lại sợ phát sinh nguy cơ mức phạt càng cao tiêu cực phí sẽ cao lên cho tương đương với mặt bằng mức phạt mới. Vì thế, cần phải có sự cân nhắc thật  thận trọng trước khi thông qua dự thảo nghị định thay thế nói trên. Nếu không, e là sẽ “mất cả chì lẫn chài”. Vậy nên, muốn giảm thiểu TNGT, cái quan trọng nhất là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; là thực hiện đồng bộ các giải pháp: thực thi nghiêm luật pháp; nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là chấn chỉnh ý thức, độ liêm khiết của “người cầm còi”, để luật không bị biến thành công cụ “kiếm lời”, tiền xử phạt không biến thành “tiêu cực phí” tiếp tay cho những hành vi vi phạm Luật Giao thông !
 
Người xây dựng